MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức hấp dẫn mới của những CTCK dùng thặng dư vốn bù lỗ lũy kế

Khi thoát lỗ lũy kế, các công ty chứng khoán mới được phát hành cổ phiếu tăng vốn. Đồng thời, cổ phiếu của các công ty chứng khoán sẽ được ra khỏi diện cấm cung cấp margin của 2 sở giao dịch.

Tóm tắt:

- Tính đến cuối năm 2014, vẫn còn nhiều công ty chứng khoán có lỗ lũy kế do tình hình kinh doanh khó khăn từ các năm trước để lại.

- Một số công ty chứng khoán có kế hoạch sử dụng thặng dư vốn để bù lỗ lũy kế như SHS, BVS

- Xóa được lỗ lũy kế sẽ đem lại cho các CTCK 2 lợi ích: một là được phát hành cổ phiếu để tăng vốn, hai là cổ phiếu được đưa ra khỏi danh sách không cung cấp margin của 2 sở giao dịch


Việc sử dụng thặng dư vốn để bù lỗ lũy kế đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Tuy vậy, ngày 26/01 vừa qua, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHS) đã công bố sẽ sử dụng toàn bộ nguồn thặng dư vốn cổ phần để bù lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2014, thực hiện hạch toán bù lỗ lũy kế ngay trong niên độ kế toán năm 2014. Theo báo cáo tài chính quý 4, tính đến thời điểm cuối năm 2014, SHS đang lỗ lũy kế 213,7 tỷ đồng và thặng dư vốn là 108,2 tỷ đồng.

Ngay sau đó, một CTCK khác là CTCK Bảo Việt (mã: BVS) cũng chủ trương thực hiện biện pháp này để xóa lỗ lũy kế. Tại thời điểm 31/12/2014, BVS đang có lỗ lũy kế 20,3 tỷ đồng và thặng dư vốn 610,3 tỷ.

Làm mấy năm chưa đủ bù lỗ cho một năm

Thị trường chứng khoán tăng trưởng về chỉ số và thanh khoản là điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán báo lãi đều đều hay lợi nhuận tăng trưởng cao so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ cần một bước đi sai, gặp phải điều kiện bất lợi, các công ty này đã rơi vào cảnh làm mấy năm không đủ bù lỗ cho một năm.

Nhà đầu tư vẫn còn nhớ Chứng khoán MB (chứng khoán Thăng Long xưa kia) với khoản lỗ gần 600 tỷ năm 2011. Chứng khoán Bảo Việt cũng đã lỗ tới 452 tỷ vào năm 2008 rồi lại tiếp tục lỗ gần 100 tỷ trong năm 2011.

Không phải công ty nào cũng được như KLS khi lỗ gần 173 tỷ năm 2010 rồi “gỡ” lại được ngay trong năm sau. Rất nhiều các công ty chứng khoán nhỏ khác đã lâm vào cảnh lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ mà cách duy nhất để thoát khỏi là sáp nhập, hợp nhất với một công ty khác.

Chứng khoán MBS, chứng khoán quốc tế VIBS đã lựa chọn cách này. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn còn nhiều công ty đang giữ khoản lỗ lũy kế không nhỏ.

Thống kê các công ty chứng khoán niêm yết trên 2 sàn giao dịch, hiện có nhiều công ty vẫn còn lỗ lũy kế do hậu quả kinh doanh của các năm trước để lại nhưng chỉ có BVS có đủ thặng dư vốn để bù đắp khoản lỗ này. Ngoài ra, PSIVDS cũng có mức thặng dư vốn “mấp mé” khoản lỗ lũy kế.

Vậy khi xóa được lỗ lũy kế, các công ty sẽ có lợi ích gì?

Trước hết, khi không còn lỗ lũy kế, công ty mới được phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Vấn đề vốn đối với một công ty bao giờ cũng là điều quan trọng, đối với các công ty chứng khoán trong năm 2015 sẽ càng quan trọng hơn khi Thông tư 36 chính thức đi vào thi hành.

Nói gì thì nói, cạnh tranh bằng dịch vụ margin vẫn là một trong những vũ khí sắc bén nhất của các công ty chứng khoán. Trong hoàn cảnh nguồn vốn cấp từ ngân hàng thương mại có phần bị thắt chặt hơn bởi quy định mới thì một loạt các công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn hay huy động vốn từ trái phiếu. VCBS và SSI đã phát hành trái phiếu. VNDirect đã phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 500 tỷ, chứng khoán KIS tăng vốn lên 1.100 tỷ, chứng khoán Maybank KimEng tăng vốn từ 615 tỷ lên 829 tỷ, Chứng khoán Kỹ thương tăng vốn từ 300 tỷ lên 1.000 tỷ…

Điều này giúp các công ty có thêm nguồn để cung cấp margin cho khách hàng và hấp dẫn hơn những đối thủ đang bị hạn chế nguồn.

Chính vì vậy, những công ty như SHS và BVS - dù đạt kết quả kinh doanh khả quan trong những năm gần đây nhưng vướng lỗ lũy kế nên không tăng được vốn - có thể trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, khi thoát lỗ lũy kế, cổ phiếu của các công ty chứng khoán này cũng sẽ được ra khỏi diện cấm cung cấp margin của 2 sở giao dịch. Theo quy định của UBCK, những cổ phiếu đặt trong tình trạng bị tạm ngừng giao dịch, bị đưa vào diện cảnh báo, bị hủy niêm yết, bị đưa vào diện kiểm soát là cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Hiện tại, BVS, SHS, PSI, VDS ... đều là cổ phiếu bị cảnh báo từ ngày 04/04/2014 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2013 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 là số âm (tức vẫn còn lỗ lũy kế).

Có thể thấy, nếu được sử dụng thặng dư vốn để bù đắp lỗ lũy kế, các công ty chứng khoán sẽ có thêm 2 lợi ích trước mắt như vậy. Điều đó phần nào có thể tạo thêm sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu này.

>> Lỗ lũy kế hàng trăm tỷ, có cách nào chia cổ tức?

Quỳnh Chi

Minh Trang

Tài chính Plus

Trở lên trên