MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động của tỷ giá đến doanh nghiệp XNK

Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, tỷ giá tăng, DN nhập khẩu chưa chắc đã bất lợi, còn DN xuất khẩu chưa chắc đã được lợi.

Sau quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá của NHNN, nhiều người cho rằng, các DN phải nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm để sản xuất hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ bị ảnh hưởng bất lợi nhất, còn các DN xuất khẩu, đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng hóa được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Lý thuyết là như vậy, nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác (từ thị trường, từ quan hệ cung - cầu) thì chiều hướng ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá đến cùng DN (hoặc nhóm DN) đó lại khác đi. Điều đó tùy thuộc vào hai khả năng: một là liệu DN có thể điều chỉnh tăng giá bán được hay không và hai là việc tăng giá bán có làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa và thu hẹp thị trường hay không.

Xin nêu một số ví dụ về DN hoặc nhóm DN trong nhóm được cho là bị ảnh hưởng bất lợi nhất - nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc bán thành phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước (nhóm 1) và nhóm được cho là được hưởng lợi nhiều nhất - nhóm xuất khẩu hàng hóa được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước (nhóm 2).

Ở nhóm 1, hãy nhìn các DN trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Hoạt động sản xuất của những DN này hoàn toàn mang tính gia công trên cơ sở nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm từ nước ngoài và hầu như toàn bộ lợi nhuận của các DN dược phẩm được hình thành nên chính bởi hoạt động gia công này.

Tỷ giá tăng và lãi vay cao hiển nhiên sẽ dẫn đến chi phí tăng, nhưng người gánh chịu cuối cùng lại là người tiêu dùng và DN vẫn có lãi (thậm chí là lãi cao hơn so với trong môi trường lạm phát thấp). Đã bệnh thì phải dùng thuốc và đã mua thuốc thì không có mặc cả. Nhu cầu dùng thuốc chỉ thay đổi theo mô hình bệnh tật, theo cơ cấu dân số, chứ không phụ thuộc trực tiếp vào lạm phát hay tỷ giá.

Với DN sản xuất và kinh doanh sữa: mặc dù cũng chủ yếu là gia công, nhưng thực tế cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngành này cũng đều có lãi lớn (nhưng DN thì không phải như vậy). Chi phí có tăng, nhưng giá sữa cũng tăng không kém và lượng tiêu thụ vẫn rất lớn và không suy giảm.

Sữa là mặt hàng không thể thay thế đối với các bà mẹ luôn mong muốn con mình "thông minh hơn người". Trong môi trường giá cao thì sự chuyển đổi có chăng là từ loại cao cấp sang loại thấp cấp hơn mà thôi.

Kinh doanh xăng dầu cũng không chịu áp lực lớn của việc tăng tỷ giá do chi phí tăng thì: (i) hoặc giá bán xăng dầu tăng theo; (ii) hoặc được bù lỗ từ quỹ bình ổn.

Ở nhóm 2, hãy xem các DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Nhìn chung, các DN này thường chỉ tham gia vào khâu chế biến trong toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thức ăn - nuôi trồng - chế biến - xuất nhập khẩu qua biên giới - hệ thống bán lẻ ở nước ngoài - người tiêu dùng cuối cùng.

Việc tăng giá bán của những DN này hầu như khó trở thành hiện thực do không làm chủ được cuộc chơi, trong khi đó lại phải chịu sức ép giá cá nguyên liệu tăng. Các nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi (bột ngô, bột cá, khô dầu, thuốc chữa bệnh cho cá,..) đều là hàng nhập khẩu và có xu hướng tăng. Sự tăng giá đó sẽ truyền qua chuỗi giá trị để tạo áp lực tăng giá đối với nguồn đầu vào (cá nguyên liệu) cho khâu chế biến.

Từ những ví dụ trên cho thấy, khó có thể đánh giá được tác động của việc tăng tỷ giá đến khả năng tạo lợi nhuận của DN (hoặc nhóm DN) niêm yết. Việc đánh giá chỉ mang ý nghĩa thiết thực cho việc lựa chọn DN để đầu tư khi xem xét đối với từng DN cụ thể và được gắn với bối cảnh lạm phát và lãi suất cho vay vẫn còn đang duy trì ở mức cao như hiện nay.

Chi phí tăng cao, nhìn chung là bất lợi, nhưng đó là điều bất khả kháng. Vấn đề là liệu thu của DN có đủ bù đắp cho khoản gia tăng chi phí hay không, hàng hóa và dịch vụ của DN có cạnh tranh hay không và thị trường có chấp nhận việc tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ của DN hay không.

Theo Tường Vi
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên