MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự nữ môi giới chứng khoán: Phải rất yêu nghề mới bám trụ được đến giờ này

Lớp Chứng khoán trường đại học Kinh tế quốc dân khóa 46 ra trường năm 2009 có 17 người làm trong ngành chứng khoán nhưng hiện giờ chỉ còn 3 người trụ lại được.

Không phải đến tận bây giờ người ta mới nhận thấy nghề chứng khoán là một nghề khắc nghiệt, lúc thị trường lên môi giới có tháng thu nhập cả trăm triệu đồng nhưng khi thị trường xuống CTCK sa thải hàng loạt nhân viên, đặc biệt là nhân viên môi giới.

Nhân dịp 20/10, CafeF đã có cuộc trao đổi với ''cô môi giới" Khổng Thanh Hòa, hiện đang làm môi giới tại CTCK VnDirect về tình yêu, nhiệt huyết của cô với cái nghề “làm dâu trăm họ” này.

Bước chân vào nghề môi giới chứng khoán năm 2009, không được “tận hưởng” cảm giác thăng hoa của thị trường năm 2007 nhưng cô sinh viên Khổng Thanh Hòa năm nào giờ tự tin đã “nếm trải” gần hết những thăng thầm của thị trường. Hòa đã trở thành một môi giới cứng sau hơn 3 năm đầu quân cho 2 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường là chứng khoán MBS (trước đó là chứng khoán Thăng Long) và sau này là chứng khoán VNDirect.

Chứng khoán – nghề khắc nghiệt

Chào Hòa, em đã làm môi giới chứng khoán được bao lâu rồi?

Em bắt đầu làm môi giới từ năm 2009, tính đến nay được hơn 3 năm, đã trải qua nhiều thời kỳ đỉnh điểm của thị trường rồi.

Chứng khoán xuống thấp, nhiều CTCK sa thải nhân viên và rất nhiều môi giới đã bỏ cuộc, em có nghĩ một ngày mình cũng bỏ cuộc và chuyển sang ngành khác không?

Em tốt nghiệp trường Kinh tế quốc dân khóa 46, ngành Chứng khoán, khóa em ra trường năm 2009 là năm chứng khoán khá "hot'' (Vn-Index tăng từ 237 điểm lên 596,8 điểm), ngày đó có 17 người làm trong ngành chứng khoán nhưng hiện giờ chỉ còn 3 người trụ lại được. Con số đó cho thấy chứng khoán là ngành có mức độ đào thải rất lớn.

Tuy nhiên em vẫn rất thích chứng khoán và trụ lại được đến giờ này vì mức hấp dẫn của ngành này hơn hẳn các ngành khác.

Một năm tổng kết ra có khoảng 2 sóng, chỉ cần giữ được lợi nhuận của 2 sóng đấy là hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Vấn đề là mình phải kiểm soát được bản thân, mua bán phải có kế hoạch (target) , ngưỡng mua ngưỡng bán. Một khi mình kiểm soát được cuộc chơi thì khả năng thắng rất cao. Tất nhiên em không nói là thắng 100% nhưng danh mục của em mua đều được kiểm soát rất tốt.

Thu nhập của môi giới có cao hơn các ngành khác không?

Thu nhập chung khoảng 10-15 triệu đồng/tháng, bao gồm 5 triệu lương cứng và 5 triệu lương mềm, đó là mức ổn định nhưng tất nhiên có tháng này tháng kia, ngoài ra còn có thu nhập từ các khoản đầu tư, nếu những tháng có sóng thì còn thu nhập từ doanh thu. Hiện tại ở VNDS khoảng trên 15 triệu tiền phí thì nhân viên môi giới bắt đầu có lương doanh thu, tức là doanh số trên 7 tỷ/tháng.

Ở VNDS, Công ty có chính sách lương cho nhân viên môi giới khá ổn định, còn các công ty khác chỉ có lương mềm, do đó nhiều người không trụ được khi thị trường xuống thấp. Đối với những môi giới quản lý danh mục của tổ chức hoặc của cá nhân có NAV cao thì có thu nhập khá đều.

Điều gì lôi kéo em sang VNDS mà không phải CTCK khác?

Em thích đội ngũ lãnh đạo của VNDS, họ đều là những người trẻ và nhiệt huyết. VNDS đánh mạnh vào mảng công nghệ, bất cứ dịch vụ gì đều được xử lý nhanh và tự động, còn các công ty khác họ sử dụng con người quá nhiều – việc chuyển tiền, ký lệnh…khách hàng đều phải đến tận nơi.

Ngay ở vấn đề phiếu lệnh, có nhiều khách hàng VIP thích gọi di động để đặt lệnh, điều này gây rủi ro cho môi giới nhưng tiện cho khách hàng, bộ phận nhận lệnh ở đây rất ổn, sau khi gọi điện cho môi giới khách hàng có thể confirm lệnh online mà không cần phải ký giấy tờ nhiều. Môi giới ở đây đúng nghĩa là tư vấn chứ không phải đi làm dịch vụ ký giấy từng tờ một.

Môi giới nữ không hề thua kém nam

Em có thuận lợi hay khó khăn gì trong nghề môi giới khi mình là nữ không?

Nữ môi giới cũng có khó khăn vì phải đi xa hoặc về muộn…nhưng thuận lợi có khá nhiều vì phụ nữ kiểm soát cảm xúc tốt hơn, những người phụ nữ tồn tại với ngành này họ cân bằng khá tốt giữa công việc và gia đình. Đối với khách hàng, nhiều người cũng thích broker nữ vì họ kiên nhẫn và tỉ mỉ, được chăm sóc tốt hơn là các broker nam.

Có bao giờ các khách hàng – đặc biệt là khách hàng tổ chức thích broker nam hơn vì kiến thức của họ tốt hơn nữ không?

Cũng có trường hợp đó, vì chăm sóc tài khoản của tổ chức khá vất vả, rất nhiều giấy tờ thủ tục báo cáo do đó nếu broker nam có sức khỏe tốt, kiến thức tốt sẽ làm tốt hơn. Tuy nhiên nhiều tổ chức vẫn thích broker nữ vì họ kiên nhẫn và có trí nhớ tốt hơn các broker nam. Đến tháng các giấy tờ sao kê đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc tư vấn kiến thức của các broker nữ cũng không kém cạnh gì các đồng nghiệp nam.

Một ngày làm việc của em bắt đầu từ mấy giờ?

Em đến công ty lúc 8h, sau 2h30 hết giờ giao dịch đọc báo cáo, kiểm tra giấy tờ, đến tối về lướt tin, làm báo cáo tư vấn cho khách hàng. Em thích nghề này vì thời gian khá thoải mái và hiệu quả công việc có thể nhìn thấy ngay thông qua doanh số của mình còn các ngành khác thì không như thế.

Em đã bao giờ tư vấn để khách mất tiền chưa?

Có nhiều chứ chị, em trải qua nhiều nhưng mình học được bài học cutloss, những môi giới còn trụ lại đến giờ này mình tự tin là tổng thể cuộc chơi mình đã nắm được ít nhiều rồi.

Chị thấy có trường hợp nhân viên hô lên cho khách mua, rồi xả vào đầu khách? Có trường hợp thế không?

Mọi người thấy lệnh trên bảng xuất hiện sau khi thị trường xuống một số môi giới lúc đó mới hô bán. Nhưng thực chất rất khó xoay chuyển tình thế vì thị trường mình là thị trường đầu cơ, phiên này tốt mình khuyến nghị khách mua, nhưng ngày mai có một tin xấu ra, thị trường xuống thấp muốn khuyến nghị bán cũng không được vì cổ phiếu đã về đâu để bán.

Do đó em không muốn tham gia vào cuộc chơi của nhỏ lẻ vì họ không đề ra kế hoạch, ngưỡng mua bao nhiêu ngưỡng bán bao nhiêu đa phần “đánh” theo tin, qua quan sát trong nghề nghiệp của em nếu trading như vậy 100% là chết.

Bán khống cần được đánh giá và quản lý minh bạch

Trên thị trường bây giờ nhà đầu tư bức xúc về việc CTCK cho phép bán khống, theo em bán khống tốt hay không tốt?

Theo em bán khống xuất phát từ nhu cầu. Tại sao bán khống bị cấm nhưng nó vẫn tồn tại bởi nhu cầu đó là có thực. Thị trường đầu cơ giá lên giá xuống, em thiết nghĩ thay vì cấm đoán, bán khống cần được đánh giá để đáp ứng và được quản lý sao cho minh bạch, nếu có nhu cầu mà không được đáp ứng càng thiếu minh bạch hơn.

Thuật ngữ “bán khống” ở Việt Nam không phải là bán cái không có. Mình có cổ phiếu trên tài khoản, mình làm thỏa thuận dân sự với nhau, cổ phiếu mình không dùng mình cho người khác lướt lát, đây là nhu cầu thực sự.

Cuối cùng, em đánh giá thị trường từ giờ đến cuối năm thế nào?

Em cho rằng từ giờ đến cuối năm thị trường vẫn khá xấu, sóng hồi lúc này chủ yếu là sóng đầu cơ, đa phần cổ phiếu đầu cơ đánh lên là nhiều, cổ phiếu bluchips tăng rất ít. Mà dòng tiền đầu cơ thì không bền và lúc nào cũng chực rút ra, tuy nhiên vùng giá cổ phiếu hiện đã về mức khá hấp dẫn nên NĐT có thể lựa chọn các cổ phiếu có thanh khoản tốt, vùng giá hấp dẫn giải ngân dần.

Em vẫn khuyên khách hàng nên vào bằng nhiều mức giá, mua bán theo hình kim tự tháp tức là chia vốn ra để vào, và ra cũng từ từ.

Xin cảm ơn em đã trao đổi.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên