MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ Nguyễn Hoàng Giang: Ở VNDirect môi giới không bị ép doanh số

Môi giới ở VNDS không bị ép doanh số, điều này để tránh xung đột lợi ích trong trường hợp môi giới khuyến khích khách hàng mua bán liên tục để hưởng hoa hồng phí.

Từng làm Trưởng phòng Quản trị rủi ro, Giám đốc khối Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm và sau này làm Tổng giám đốc của VNDirect, ông Nguyễn Hoàng Giang biết rõ việc kinh doanh chứng khoán và quản trị rủi ro không thể tách rời.

Không còn trường hợp bị giải chấp ồ ạt

Thị trường hiện có tình trạng các môi giới muốn tăng doanh số liên tục khuyên khách hàng mua bán bất chấp thị trường tốt xấu ra sao và khi thị trường giảm lại đem cổ phiếu của khách giải chấp ồ ạt. Ở VNDS có trường hợp này không?

Môi giới ở VnDirect không bị ép doanh số, mỗi môi giới có một chỉ tiêu tối thiểu về số lượng khách hàng và số lượng tài sản quản lý của khách hàng.

Các giám đốc kinh doanh đăng ký năm nay phát triển được bao nhiêu môi giới, tương ứng với bao nhiêu tài sản quản lý thay vì bị ép doanh số bao nhiêu. Điều này để tránh xung đột lợi ích nếu môi giới kiếm lợi nhuận trên vòng quay giao dịch của khách hàng.

Đương nhiên, môi giới hưởng hoa hồng trên doanh thu phí. Trường hợp môi giới cố tình để khuyên mua khuyên bán hay full margin tài khoản chúng tôi đều quản lý chặt, đương nhiên 100 người sẽ có một vài người, có những trường hợp khách hàng mua bán với vòng quay lớn nhưng khi hỏi thì đó là do nhu cầu của khách.

Bây giờ thanh khoản thị trường đã tốt hơn rất nhiều so với 2 năm trước đây, tại bất kỳ giá nào đều có thể mua bán nên việc nhà đầu tư sử dụng full margin nhưng không bán được cổ phiếu và bị giải chấp là rất thấp. Ở VNDS khi cổ phiếu biến động 15-20% khách hàng đã bị nhắc nhở hoặc nộp thêm tiền vào hoặc bán bớt cổ phiếu đi đảm bảo rủi ro tài sản của họ. Không như trước đây,  một số cổ phiếu bị bán sàn liên tục nhưng không ai mua lúc đó mới bị call margin. Còn ví dụ thị trường biến động mạnh do nhà đầu tư sợ hãi thực sự chứ không phải do CTCK giải chấp.

Theo quan điểm cá nhân của ông ngưỡng bao nhiêu thì cắt lỗ?

Tôi nghĩ mua cổ phiếu 10-15% sai thì cắt lỗ.

Thực tế ở thị trường Việt Nam điều này rất khó, ví dụ trên sàn Hà Nội sáng mua trần chiều xuống sàn nhà đầu tư có thể mất luôn 20% trong phiên, lời khuyên của ông dành cho NĐT trong trường hợp này như thế nào?

Lời khuyên dễ nhất là không nên đua trần (cười). Những cổ phiếu biến động mạnh như thế một là do nhà đầu tư ưa mạo hiểm, hai là KQKD của công ty đó thực sự không tốt.

Những người ưa mạo hiểm về lý thuyết đầu tư thì phải phân bổ, một phần để mua cổ phiếu đầu cơ và phần khác vẫn phải để mua cổ phiếu cơ bản, tất nhiên khi chấp nhận rủi ro đua trần hôm nay để hai hôm sau trần tiếp thì lợi nhuận sẽ rất cao, đôi khi cũng phải kiên trì kiên nhẫn vì thị giá các cổ phiếu trên sàn hiện tại rất thấp nên độ biến động 5-8% trong phiên là bình thường.

100 môi giới là chưa đủ

Thị phần VNDIRECT đang tăng liên tục trong 3 năm gần đây, năm 2012 đứng thứ 2 thị phần sàn Hà Nội (7,4%), theo ông lợi thế cạnh tranh nào đã khiến cho Công ty phát triển với tốc độ khá nhanh như vậy?

VNDirect phát triển như ngày hôm nay có nhiều lý do, một phần là thiên thời địa lợi, và điều quan trọng VNDS là công ty chứng khoán thực hiện quản trị rủi ro từ sớm, năng lực tài chính giai đoạn này khá tốt, các sản phẩm dịch vụ tài chính được xây dựng phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư.

Ngoài ra chúng tôi phát triển kịp thời đội ngũ môi giới, nếu mình chỉ đi bằng một chân giao dịch online sẽ khó hơn vì thị hiếu NĐT Việt Nam họ thích gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Mặt khác, không phải NĐT nào cũng có thể theo dõi thường xuyên bảng điện tử, những người môi giới chuyên nghiệp hỗ trợ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp thông tin thị trường, tư vấn cho các quyết định mua bán của họ. Ở thời điểm hiện tại chúng tôi có khoảng 100 môi giới và đây là điểm đóng góp rất lớn vào phát triển thị phần của VNDS.

 Ông có nói một trong lợi thế cạnh tranh của VNDIRECT là phát triển dịch vụ, ông phải cân bằng giữa việc một mặt có sản phẩm mới thu hút NĐT nhưng mặt khác lại phải bị hạn chế các quy định của UBCK như thế nào?

Kinh doanh chứng khoán là kinh doanh rủi ro, các sản phẩm như cho vay margin hay các các sản phẩm khác mình làm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng đầu tiên phải phù hợp với các quy định của UBCK. Tất nhiên, mình cũng kỳ vọng khung pháp lý được phát triển tốt hơn để tạo ra các sản phẩm sáng tạo hơn nữa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.

Đối với mỗi sản phẩm được đưa ra, chúng tôi phải tính toán rủi ro ở đâu và mình chấp nhận được bao nhiêu phần trăm rủi ro đó. Đó là trách nhiệm của bộ phận quản trị rủi ro và cả công ty xây dựng quy trình giảm thiểu rủi ro đó đi.

Ví dụ sản phẩm margin chúng tôi thực hiện từ rất sớm, trước khi có thông tư 74 ra đời rất nhiều công ty trên thị trường trong đó có VNDIRECT đã có các sản phẩm như hợp tác đầu tư để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Điểm khác là chúng tôi tập trung quản trị rủi ro và hệ thống hoá, vì mình chủ động được công nghệ nên đưa vào hệ thống của mình để quản trị tốt hơn. Chính điểm đó giúp công ty quản trị chặt hơn trong thời gian vừa rồi để mình có những lợi thế nhất định.

VnDirect có hệ thống cảnh báo cho NĐT không?

Chúng tôi có dịch vụ gửi email cho khách hàng về tình hình biến động của các cổ phiếu mà nhà đầu tư quan tâm. Nếu khách hàng mua bằng tiền vay luôn có cảnh báo, ví dụ danh mục của anh bị giảm 10-15% sẽ có cảnh báo thông qua tin nhắn, môi giới gọi điện cho khách hàng nhằm bổ sung kịp thời để đảm bảo cho khách hàng.

Hiện dư nợ cho vay margin tại VNDS khoảng bao nhiêu thưa ông?

Hiện khoảng 600 tỷ.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên