MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng cổ phần hóa của Vinatex

Sau những chậm trễ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cuối cùng cũng cho biết sẽ thực hiện cổ phần hóa (CPH) vào quý IV tới.

Lần này, có vẻ Vinatex sẽ không thể lỗi hẹn, không chỉ bởi lời khẳng định "chắc như đinh đóng cột" của tập đoàn này, mà còn bởi những bước chuẩn bị của Vinatex cho việc "lột xác" cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đến thời điểm này, đã có hơn 80% đơn vị thành viên của Vinatex hoàn tất công tác CPH và việc xác định giá trị doanh nghiệp (DN) theo đúng lộ trình CPH đã được hoàn thành. Ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex, cho biết hiện đang chờ phê duyệt của Chính phủ và trong 90 ngày tới, Tập đoàn sẽ xây dựng phương án CPH, phương án kinh doanh trong 5 năm đầu sau khi CPH, và trong quý IV sẽ thực hiện IPO.

Tiêu chí cao chọn đối tác?

Không tiết lộ cụ thể về đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, "tiêu chí" lựa chọn đầu tiên phải là những đối tác cùng lĩnh vực, có thể bổ trợ cho "điểm khuyết" của tập đoàn, như: công nghệ quản trị, năng lực thị trường. Không chỉ vậy, đối tác chiến lược mà Vinatex nhắm đến sẽ phải cùng "cộng hưởng" văn hóa của tập đoàn này, nhằm hướng đến những mục tiêu phát triển chung của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.

"Đối tác cần có thế mạnh về công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, may để sản xuất sợi, vải cao cấp - những mặt hàng chiến lược mà tập đoàn đang nhắm tới. Hoặc đối tác có hệ thống siêu thị bán lẻ tốt, phân bố rộng khắp trên thế giới, với thể chế tài chính mạnh, có khả năng tập hợp nguồn vốn mạnh, đội ngũ quản trị giỏi, chuyên gia kỹ thuật hàng đầu trong lĩnh vực trên để tham gia điều hành làm sao để phục vụ cho việc phát triển sản xuất của tập đoàn", ông Giang cho biết.

Mục tiêu lựa chọn đối tác có đầy đủ các tiêu chí trên xem ra là không phải là chuyện đơn giản với Vinatex, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, dù hoạt động kinh doanh trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khá ấn tượng khi có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương ứng là 8% và 14,5%, nhưng khâu yếu nhất của Vinatex cũng như ngành dệt may chính là có đến 65% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Đến thời điểm này, Vinatex dù đang là một trong những DN đầu ngành giải quyết khá tốt bài toán nguyên phụ liệu khi đã tự chủ được đến 48%, nhưng đây vẫn là mức thấp để đáp ứng nhu cầu của ngành, và sẽ là một "rào cản" làm giảm đi sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành dệt may sau khi Vinatex thực hiện CPH.

Thực tế cho thấy trong quá trình CPH, một số đơn vị thành viên của Vinatex đã gặp không ít khó khăn khi lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, và không phải DN thành viên nào cũng chia cổ tức ở mức hấp dẫn nhà đầu tư.

Đặc biệt, theo đề án tái cấu trúc Vinatex đưa ra, để hoàn thiện các khâu đầu là dệt, nhuộm hoàn tất, đến năm 2015, Vinatex cần đến trên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và tình hình thu hút đầu tư nước ngoài kém tính hấp dẫn như hiện nay, việc huy động vốn đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh đang là bài toán khó với ngành dệt may và Vinatex.

Ông Trường cho biết trong 6 tháng đầu năm, Vinatex đã chi gần 6.150 tỷ đồng để đầu tư 18 dự án sợi, dệt nhuộm và nhiều dự án phụ trợ khác. Mục tiêu cuối cùng của Vinatex là hình thành và nâng cao chuỗi liên kết nội giữa các DN trong tập đoàn, với quy trình khép kín để chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).

Trong khi đó, ông Đặng Vũ Hùng - Giám đốc Điều hành Vinatex - là người trực tiếp khởi động chiến lược ODM cho Tập đoàn này, đã thẳng thắn thừa nhận cả 3 khâu trong quy trình làm ODM yêu cầu DN phải phát triển đồng bộ, gồm: phát triển sản phẩm, marketing và liên kết chuỗi, nhưng ngành dệt may và cả Vinatex đều "yếu" ở các khâu này.

Đau đầu bài toán ODM

Cũng theo ông Hùng, để thực hiện được, phải xác lập sản phẩm mục tiêu từ DN may, sau đó mới phát triển nền tảng nguyên phụ liệu, trong khi đây là một bài toán không hề đơn giản với tất cả các DN trong ngành dệt may.

Ông Giang cho biết để đạt được mục tiêu CPH công ty mẹ tập đoàn, Vinatex sẽ "tuyệt đối" không đầu tư ngoài ngành mà chỉ tập trung vào những sản phẩm cốt lõi, như: bông, xơ, sợi, may mặc, dịch vụ cho ngành. Theo đó, sẽ tiến hành tái cấu trúc toàn quy mô tập đoàn, đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình quản trị phù hợp với việc CPH; thực hiện tái cấu trúc định hướng sản phẩm cốt lõi, chú trọng vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tái cấu trúc chiến lược công nghệ nhằm nâng cao thiết bị, thực hiện quản trị công nghệ để tiết kiệm chi phí đầu vào; tái cấu trúc hệ thống siêu thị hàng dệt may...

Cùng với việc thực hiện CPH, những tham vọng lớn mà Vinatex đã đặt ra là lộ trình tất yếu mà DN này cũng như ngành dệt may phải thực hiện. Nhưng với nút thắt về nguyên, phụ liệu, đặc biệt là việc thu hút vốn đầu tư vào khâu dệt, nhộm hoàn tất vẫn đang là bài toán khó với ngành, cùng sự ảm đạm của thị trường chứng khoán, thì đây sẽ là một trong những rào cản khiến cho cổ phiếu của Vinatex này giảm sức hấp dẫn trên thị trường.

Theo Cẩm An


thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên