MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng trước những dự báo lạc quan của tổ chức ngoại

Khối đầu tư ngoại đã mua ròng đến vài chục ngàn tỉ đồng trong năm 2010 và cả năm 2011 nên không loại trừ chuyện “lạc quan” là động tác đánh lên để xả hàng.

Cho tới nay, Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, đã chính thức trở thành chuyên gia đầu tiên đạt được một dự báo tương đối chính xác về số phận của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

“Sóng” dự báo của khối ngoại

Vào quý II-2011, trong bối cảnh toàn bộ kênh đầu tư cổ phiếu còn chìm trong hãi hùng chưa có hồi kết, Dominic Scriven đã là một trong số hiếm hoi lãnh đạo của các quỹ đầu tư nước ngoài lên tiếng. Không hề bình phẩm về khả năng tiếp tục suy giảm của TTCK, ông chỉ dự báo là đến năm 2012, chứng khoán Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á.

Diễn biến của thị trường đã phản ánh đúng như vậy. Trong nguyên năm 2011, TTCK Việt Nam đã một mình một chợ đi ngược lại với hầu hết TTCK trong khu vực. Nếu có thể mô tả về tình trạng tệ hại, chỉ có thể so sánh TTCK nước ta với các TTCK tồi tệ nhất thế giới như Hy Lạp và Síp.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2012, một lần nữa Dominic Scriven lại xuất hiện với cách nhìn khá lạc quan. Theo ông, cổ phiếu của TTCK Việt Nam - thị trường tăng điểm cao thứ ba tại châu Á từ đầu năm 2012 đến nay vẫn đang còn rẻ và thị trường có thể tăng điểm mạnh trong qúy 2 bởi lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến NHNN hạ lãi suất.

David Roes, Giám đốc điều hành của Asean Investment Management, cũng đã đưa ra nhận định rằng chứng khoán Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong vòng hai năm tới khi lạm phát và lãi suất giảm. Ngay sau bình luận này, một hãng bảo hiểm có tiếng là Manulife Asset Management cũng tham gia “chứng trường” với thái độ lạc quan hẳn lên.

Ngoài ra, Ngân hàng Citigroup cũng vừa tung ra hai đại diện là Andrew Howell và Maria Gratsova với nhận định: “Đầu tư vào TTCK Việt Nam an toàn hơn so với rót vốn vào các thị trường sơ khai khác như Bangladesh, Ukraine, Argentina…”.

Trong thực tế, lãi suất vẫn chưa hề giảm, càng chưa thể tạo sóng lan tỏa như kỳ vọng của giới đầu tư. Thế nhưng TTCK lại đã lập đáy và từ đó tiến lên khá bền vững với dòng tiền thực hoàn toàn, thay cho câu chuyện “xanh vỏ đỏ lòng” như trước đây.

Trong khi đó, phần lớn giới phân tích Việt Nam vẫn giữ im lặng đầy thận trọng. Có thể hiểu thái độ này bởi ngay cả những chuyên gia thượng thặng như Quách Mạnh Hào của Công ty Chứng khoán Thăng Long cũng từng bị “hố” với dự đoán phải mất ít nhất nửa đầu năm 2012 chứng khoán mới có thể bắt đầu phục hồi.

Ở một chiều ngược lại, khối phân tích nước ngoài dường như đang lấy lại phong độ của thời hoàng kim năm 2006-2007. Đó là thời kỳ đầu tiên của TTCK mà giới chuyên gia nước ngoài đã góp phần làm rạng danh cho hoạt động phân tích kỹ thuật của Việt Nam. Trong gần suốt năm 2007, TTCK đã xuất hiện tâm lý “sùng bái” những dự báo của khối ngoại. Điều đó càng thể hiện rõ nét hơn khi trong con sóng phục hồi thẳng đứng vào tháng 5-2007, khối ngoại đã in đậm dấu ấn bằng liệu pháp mua ròng liên tục.

Còn giờ đây, những chuyên gia ngoại đang kỳ vọng vào điều gì?

Thực chất hay động cơ?

Phản ứng trước bình luận lạc quan của các chuyên gia nước ngoài, ngay lập tức đã có vài ý kiến trong nước tỏ ý nghi ngờ: Hãy nên cẩn thận với động thái “PR” này, bởi khối ngoại đã mua ròng đến vài chục ngàn tỉ đồng trong năm 2010 và cả năm 2011, vì thế không loại trừ đây là động tác “đánh lên để xả hàng”.

Mối hoài nghi trên không phải là không có lý. Song đáng lưu tâm là chỉ đến gần đây giới chuyên gia nước ngoài mới đồng thanh lên tiếng. Còn vào năm khủng hoảng 2011, họ khá kín tiếng, khác hẳn với “sóng” kêu than của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Điều có thể nhận ra lúc này là giới chuyên gia ngoại đã nhận thấy những dấu hiệu đổi thay sắp tới của nền kinh tế Việt Nam, nhận ra những biến chuyển nhẹ nhàng nào đó từ đầu tháng 12-2011 cho tới nay, liên quan đến động thái của NHNN và Bộ Tài chính, trên hết là Chính phủ. Rất có thể chính sách mới là yếu tố quyết định cho sự thay đổi số phận của TTCK chứ không phải thị trường này chỉ thuần túy phụ thuộc vào những vận động theo quy luật tự nhiên.

Xét về khía cạnh đầu cơ, tất nhiên không thể loại trừ ý đồ đánh thị trường lên để xả hàng. Nhưng với đặc tính vốn có là đầu cơ, TTCK luôn là cuộc đấu trí giữa lớp đầu tư “bình dân” và những người thông minh hơn. Thái độ lạc quan của giới phân tích nước ngoài vì thế cũng có lý riêng, đơn giản là họ không muốn bị xem là “không thông minh”.

Theo Việt Thắng
Pháp luật HCM

phuongmai

Trở lên trên