MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ cuộc chơi ETF quý 1/2014?

Bối cảnh đã thay đổi rất nhiều vào lúc này, và cuộc chơi cũng sẽ đổi thay!

Ngày 15/3, quỹ ETF Market Vectors Vietnam (VNM) đã công bố tỷ lệ phân bổ vốn mới cho các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam. So với kỳ trước (23/12/2013) thì có 3 mã được tăng tỉ trọng, 1 mã thêm mới và 10 mã giảm tỷ trọng.

Điều quan trọng hơn là tỷ trọng cho kỳ từ 24/3 tới đây so với tỷ trọng mới nhất tại ngày 14/3/2014 có sự chênh lệch khá nhiều, do lượng tiền mới huy động trong kỳ trước đã dùng để mua thêm. Điều này nghĩa là tỷ trọng thực tế đang sở hữu của quỹ lớn hơn tỷ trọng cho phép và quỹ này sẽ phải bán bớt đi để tái cân bằng danh mục. Có 12 mã chịu ảnh hưởng theo hướng phải giảm tỷ trọng.

Nhìn vào giao dịch trong quá khứ mà gần nhất là đợt cân bằng danh mục của kỳ 23/12/2013, giao dịch tập trung vào phiên ngày 20/12/2013. Hôm đó khối ngoại bán ròng tổng cộng 224,9 tỷ đồng ở cả hai sàn và riêng nhóm VN30 bị bán ròng 131,4 tỷ đồng.

Cơ cấu danh mục mới sẽ có hiệu lực từ 24/3/2014, tức là các giao dịch sẽ được tập trung vào ngày 21/3/2014. Nhìn vào mức thay đổi tỷ trọng danh mục so với kỳ gần nhất, quy mô của việc bán bớt để cân bằng danh mục lần này có vẻ lớn hơn.

Trong kỳ từ 23/12/2013, do mức phân bổ vốn cho thị trường Việt Nam được nâng lên từ 68,42% thành 70% nên mức bán ròng tổng thể để cân bằng chỉ là 1,49% danh mục tại thị trường Việt Nam.

Lần này, tỷ trọng phân bổ vốn cho thị trường Việt Nam vẫn được giữ là 70%, nhưng do đến ngày 14/3/2014, tỷ trọng thực tế đã là 73,26%. Như vậy mức bán ròng tổng thể để cân bằng danh mục là 3,26%, tương đương khoảng 350 tỷ đồng. Khác biệt này chủ yếu đến từ việc, trong giai đoạn 23/12/2013 đến ngày 13/3/2014, quỹ VNM đã huy động được thêm tới 69,38 triệu USD vốn ròng.

Như vậy nhìn tổng thể thì quỹ VNM sẽ phải bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng tại các cổ phiếu cụ thể, sẽ có các mã được mua ròng cũng như mức độ bán ra khác nhau ở các cổ phiếu trong diện phải hạ tỷ trọng.

Khối lượng bán ra cụ thể đã được phân tích khá nhiều và chi tiết ngay sau khi quỹ VNM công bố kế hoạch cân bằng danh mục. Nhìn từ góc độ ảnh hưởng của giao dịch này trong quá khứ, thị trường đã có khả năng nâng đỡ rất tốt ngay từ đợt đảo danh mục cuối năm ngoái. Hiện tại thị trường còn mạnh mẽ hơn nhiều nên cuộc chơi lần này sẽ có thể nhàn nhã hơn!

Thời điểm cuối tháng 12/2013, thị trường chưa thực sự bước vào chu kỳ tăng bùng nổ. Quy mô khớp lệnh trong 4 tuần liên tục tại thời điểm đó khoảng 1.471,3 tỷ đồng mỗi phiên. Với mức vốn có thể nói là khá nhỏ này, nhà đầu tư trong nước đã có cuộc “phục kích” thành công các giao dịch của quỹ VNM.

Các cổ phiếu bị bán ra mạnh thời điểm đó cũng không chịu nhiều “hiệu ứng phụ”: VIC bị bán 0,39% danh mục nhưng giá cũng chỉ giảm 1,43% trong khoảng 8 phiên kế tiếp trước khi bước vào sóng tăng tháng 1/2014. VCB bị giảm danh mục 0,28%, giá rơi thêm chưa tới 3%. DRC bị bán 0,55% danh mục, giá giảm thêm dưới 1%...

Sức mạnh của thị trường nếu nhìn từ dòng tiền kể từ tháng 2 trở lại đây đã hoàn toàn khác biệt so với thời kỳ tháng 12/2013. Đơn cử giá trị khớp lệnh trung bình toàn thị trường mỗi phiên trong 4 tuần trở lại đây là 3.224,9 tỷ đồng, tức đã tăng 119% so với mức trung bình tháng 12 năm ngoái.

Riêng với quy mô giao dịch tại nhóm VN30 - rổ cổ phiếu sẽ chịu tác động tập trung nhất của giao dịch tái cân bằng - trong 4 tuần qua, mức giao dịch trung bình mỗi phiên cũng là 1.184,2 tỷ đồng. Trong tuần gần nhất, mức giao dịch bình quân đạt 1.219 tỷ đồng.

Với giá trị bán ròng chỉ khoảng 350 tỷ đồng trong lần cơ cấu danh mục tuần tới, sức ép lên thị trường là không lớn và dòng vốn bình thường hàng ngày có khả năng hấp thụ tốt. Những biến động nếu có trên chỉ số cũng chỉ mang tính nhất thời do cơ cấu vốn hóa tác động khác nhau tới chỉ số. Chẳng hạn HNX-Index có thể bị ảnh hưởng từ việc bán ròng PVS, SHB và một phần cân bằng từ mua VCG. VN-Index bị ảnh hưởng khá mạnh từ VCB, BVH, DPM, OGC, GMD, DRC, PPC nhưng hưởng lợi từ MSN, VIC, HAG, PVT.

Một yếu tố nữa cũng khiến cho hoạt động tái cân bằng danh mục trở nên bình thường, là thị trường đã tiếp cân rất nhanh với thông tin và có được những dự đoán khá chính xác liên quan đến hoạt động này. Trong các kỳ giao dịch trước, bên cạnh yếu tố thị trường chung không mạnh, dòng tiền yếu, còn là sự bất ngờ của nhà đầu tư khi gặp cách thức giao dịch quyết liệt của các quỹ ETF.

Bối cảnh đã thay đổi rất nhiều vào lúc này, và cuộc chơi cũng sẽ đổi thay!

Theo Người Quan sát

thanhhuong

Bizlive/Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên