MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường cần một giai đoạn để nghỉ ngơi

Theo một chuyên gia phân tích, thị trường cần có một thời gian nghỉ nhất định sau giai đoạn phục hồi để đánh giá lại từng yếu tố để xem còn có thể tiếp tục bứt phá được không.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng khi chỉ số VN-Index khép lại ngày 29/3 giảm 1,3% xuống 568,28 điểm – mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3.

Trước khi thủng ngưỡng 570 điểm, thị trường đã lình xình trong biên độ hẹp 570-580 điểm trong khoảng 3 tuần qua và thanh khoản gần đây đã yếu đi. Bên cạnh đó, ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm nhiều lần không phá vỡ được cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, thị trường còn giảm khi giá dầu thô của Mỹ rơi xuống dưới ngưỡng 39 USD/thùng, khiến một loạt cổ phiếu ngành dầu có vốn hóa lớn giảm. Nhà đầu tư đang lo ngại cuộc họp vào giữa tháng 4 tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga khó đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng, dẫn đến giá dầu giảm. Ngoài ra, đồng USD tăng cũng khiến các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh giảm.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại trước những tuyên bố gần đây của các quan Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rằng họ đang cân nhắc việc tăng lãi suất trong tương lai gần. Nếu báo cáo việc làm tháng 2/2016 của Mỹ được công bố tích cực, khả năng Fed sẽ sớm tăng lãi suất, muộn nhất có thể vào tháng 6.

Những thông tin trong nước gần đây cũng không được khả quan. GDP tăng trưởng yếu, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế sẽ bị chững lại bởi những yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, hoạt động sản xuất suy yếu. Gói cho vay bất động sản 30.000 tỷ đồng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố ngừng cho vay mới.

Theo ông Bạch An Viễn – Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, trong bối cảnh thị trường nỗ lực bứt phá nhưng lại gặp kháng cự thời gian dài nên nhà đầu tư chuyển từ trạng thái lạc quan sang trạng thái thận trọng hơn. Những mã tăng mạnh thời gian qua như dầu khí hay cổ phiếu liên quan đến nới room đang bị nhà đầu tư chốt lời.

Tuy nhiên, ông cho rằng xác suất thị trường điều chỉnh mạnh sẽ không xảy ra.

Thị trường giảm mạnh vào đầu năm, sau đó lấy lại toàn bộ những gì đã mất bằng việc hồi phục theo hướng chữ ‘V’. Ông Viễn cho rằng đó là do những yếu tố đầu năm phục hồi, chứ thị trường chưa vào “xu hướng con bò” được.

Những yếu tố như giá đầu phục hồi đã phản ánh vào giá cổ phiếu, và việc Fed hoãn tăng lãi suất thời gian qua đã khiến các thị trường mới nổi như Việt Nam phục hồi.

“Nói vậy để thấy rằng thị trường đã qua giai đoạn khắt khe nhất, nhưng để trở lại thị trường tăng điểm cần động lực mới, mà những động lực đó chưa có,” ông Viễn nhận định.

Xét về những mã ngành dẫn dắt thị trường hiện nay, ông Viễn cho rằng có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng và dầu khí. Cổ phiếu nhóm dầu khí tăng, trong khi nhóm ngân hàng từ đầu năm nay diễn biến tệ hơn so với thị trường chung do lo ngại kết quả kinh doanh quý I không tốt khi tăng trưởng tín dụng không được khả quan.

“Thị trường vẫn chưa tìm được sự đồng thuận toàn bộ, nên khó trong việc bứt phá, ngoại trừ sắp tới cuộc họp của OPEC và Nga đạt được thỏa thuận về sản lượng hay một lộ trình cắt giảm sản lượng, thì lúc đó giá dầu và thị trường mới hồi phục, hoặc là Fed tiếp tục hoãn tăng lãi suất trong tháng 4,” ông nhận định.

Đưa ra khuyến nghị của mình, ông Viễn cho rằng hiện giờ chưa phải là lúc để dòng tiền đầu cơ vào thị trường.

Sau giai đoạn phục hồi gần đây, giờ được coi là lúc thị trường cần một thời gian nhất định để nghỉ ngơi, để đánh giá lại từng yếu tố, xem liệu thị trường còn có thể bứt phá.

“Đây là giai đoạn đánh giá lại, chờ đợi những yếu tố bứt phá, chẳng hạn như giá dầu, Fed, hay tăng trưởng kinh tế, từ đó mới đánh giá được liệu thị trường có bứt phá nữa hay không,” vị chuyên gia phân tích của KIS nhận định.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên