MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán 2012: Trái táo độc của mụ phù thủy

Tăng 40% trong 5 tháng đầu năm sau đó giảm mạnh 7 tháng còn lại, TTCK Việt Nam năm 2012 giống như trái táo độc của mụ phù thủy trong câu chuyện "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn".

1. Tổng quan thị trường năm 2012: Hai nửa khác biệt

Tính đến thời điểm 14/12, VN-Index tăng 11,6% so với cuối năm 2011 trong khi HNX-Index giảm 7,6%. HNX-Index đã liên tục phá đáy lịch sử trong những ngày giao dịch của tháng 11/2012, với mức đáy kỷ lục thiết lập ngày 6/11 là 50,33 điểm.

TTCK năm 2012 được ví von như “trái táo độc” của mụ phù thủy trong truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”. 5 tháng đầu năm 2012 sẽ như nửa màu xanh, ngon lành và hấp dẫn, trong khi 7 tháng còn lại sẽ như phần màu đỏ, ngấm thuốc độc và có thể khiến nhà đầu tư “bất tỉnh nhân sự” – giống như kết cục của Bạch Tuyết.


5 tháng đầu năm 2012: Thị trường bứt phá trong những ngày đầu năm 2012 như một lò xo nén sau một quãng thời gian dài giảm điểm của năm 2011.

Các thông tin đẩy thị trường tăng vọt trong giai đoạn nửa đầu năm 2012 bao gồm:

· Thông tin Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 3 văn bản thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK Việt Nam

· Sự ra đời của chỉ số VN30-Index

· Động thái cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh từ 14%/năm xuống 9%/năm

· Kéo dài thời gian giao dịch buổi chiều

Các thông tin này khiến VN-Index đã tăng gần 40%, HNX-Index tăng 44% trong vòng 5 tháng so với cuối năm 2011 và trở thành một trong những TTCK tăng ấn tượng nhất trên thế giới. Tuy nhiên thành quả này đã bị đánh mất hoàn toàn sau ngày 9/5/2012.

Nửa cuối thất bại của năm 2012:

Nợ xấu tăng cao, thị trường gần như bị “shock” sau thông báo chính thức của NHNN về tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống lên tới 10% thay vì 4% như các NHTM báo cáo. Những bất ổn vĩ mô và hệ thống ngân hàng bắt đầu xuất hiện. Niềm tin thị trường lung lay sau “quả bom” Habubank công bố tình hình tài chính bi bét đã được che đậy với tỷ lệ nợ xấu lên tới 13% và cần được giải cứu.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh, SHB tham gia vào tái cơ cấu Habubank. Thị trường trở nên thiếu tiền trầm trọng, mặc dù lãi suất giảm mạnh song các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay do các ngân hàng phải xử lý nợ xấu.

Tính hình trở nên bi bét hơn sau ngày 21/8 – ngày được coi là “ngày thứ ba đen tối” của TTCK Việt Nam khi ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của ngân hàng ACB bị bắt. Tiếp theo đó, lãnh đạo ngân hàng ACB bị khởi tố, Chủ tịch STB bị điều tra đã khiến lòng tin vào thị trường ngày càng lung lay. Cổ phiếu ngân hàng bị bán sàn liên tiếp, bị cắt margin khiến thị trường gần như lao dốc không phanh.

So với đỉnh thiết lập tháng 5, mặc dù đã hồi phục khá nhiều trong tháng 12 song VN-Index vẫn giảm 20% và HNX-Index giảm 36%.

Các lệnh thỏa thuận hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012 đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến UBCK phải thanh tra hoạt động ủy thác đầu tư từ các NHTM đến các công ty quản lý quỹ.

Thanh khoản giảm mạnh và gần như cạn kiệt trong những ngày giao dịch tháng 11, bình quân 2 sàn giao dịch khớp lệnh 300 tỷ đồng/phiên, tuy nhiên nếu tính tổng thể cả năm 2012, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 1.316 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011 nhờ kéo dài thời gian giao dịch buổi chiều.

Về giá, 50% số mã niêm yết sàn HoSE (157 mã) và 70% mã niêm yết sàn Hà Nội (281 mã) giao dịch dưới mệnh giá, trong đó 75 mã sàn HoSe và 131 mã sàn Hà Nội có giá dưới 5.000 đồng/cp, con số này đã giảm đáng kể so với tháng 11, thậm chí SME trước khi hủy niêm yết đã có lúc giao dịch ở mức giá 3.000 đồng.

Trong khi đó, một số mã vẫn tăng gấp đôi thị giá trong năm 2012 như HSG, DRC,

2. Hơn 90.000 tỷ đồng vốn hóa “bay” khỏi thị trường vì các ông chủ ngân hàng

Ngày 21/8/2012 ông Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng ACB bị bắt, vốn hóa thị trường bị mất 1 tỷ đô trong ngày (20.800 tỷ đồng trên hai sàn). Sau 1 tuần, khi ACB, EIB, STB bị bán sàn, vốn hóa thị trường bốc hơi 4 tỷ đô (trên 81.000 tỷ trên hai sàn, trong đó vốn hóa sàn HoSe giảm 63.000 tỷ đồng).

Ngày 27/8/2012, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB bị bắt, vốn hóa thị trường giảm 1 tỷ đô trong ngày.

Ngày 27/9/2012, ông Trần Xuân Giá và 3 thành viên HĐQT ngân hàng ACB bị truy tố khiến niềm tin của NĐT trên TTCK ngày càng giảm sâu.

Tháng 11/2012, ông Đặng Văn Thành từ nhiệm HĐQT ngân hàng Sacombank và bị cơ quan điều tra triệu tập, vốn hóa hai sàn mất 31.000 tỷ đồng trong ngày 1/11. So với thời điểm ngày 20/8, vốn hóa thị trường đã “bay” hơn 92.000 tỷ đồng.


Tháng 4/2012, GAS niêm yết nâng vốn hóa sàn HoSe tăng thêm 77.500 tỷ đồng

3. Bức tranh u ám của các CTCK: 50% CTCK bị lỗ năm 2012

Thị trường giảm sâu, 56/100 CTCK báo lỗ (số liệu quý 3/2012), tổng lợi nhuận của 100 CTCK âm 212 tỷ đồng trong quý 3/2012 và trên 70% công ty có lỗ lũy kế.

9 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, 3 CTCK bị đình chỉ 6 tháng, 4 công ty bị rút nghiệp vụ môi giới (SME, Đông Dương, Trường Sơn, Hà Nội), 3 công ty rút nghiệp vụ tự doanh (Hà Thành, Việt Tín, Viễn Đông (tự ngyện)), 3 CTCK tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên 2 Sở: AVS, SVS và APG. Hiện CTCK Nam An cũng xin rút tư cách thành viên 2 Sở.

SBS và Delta (RUBSE cũ đổi tên) là 2 CTCK đã bị âm vốn điều lệ, trong đó SBS có lỗ lũy kế trên 1.700 tỷ đồng.

Hàng loạt CTCK bị mất thanh khoản và bị Trung tâm lưu ký phạt, thậm chí hủy lệnh giao dịch, đình chỉ lưu ký 10 ngày vì không thanh toán tiền cho VSD sau khi áp dụng T+3: GBS, TAS…

Thị trường càng khó khăn bao nhiêu, quá trình tái cấu trúc các CTCK sẽ càng được đẩy nhanh bấy nhiêu. Hiện Chính phủ khuyến khích các CTCK sáp nhập, theo Đề án tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm đã được Chính phủ thông qua, CTCK sẽ chia làm 4 nhóm, sẽ có cơ chế cho CTCK đóng cửa và chuyển đổi sang thành công ty đầu tư chứng khoán, phá sản hoặc giải thể theo Luật doanh nghiệp.

4. Siết chặt bán khống, đẩy mạnh việc công bố thông tin và tính minh bạch trên thị trường

Năm 2012 có lẽ là năm cải cách về chính sách nhiều nhất kể từ khi TTCK thành lập. Hàng loạt Thông tư được đưa ra yêu cầu các CTCK cũng như các thành viên thị trường phải tăng cường hoạt động công bố thông tin như:

· Thông tư 52 về Hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK ban hành ngày 5/4/2012: trong đó công ty đại chúng quy mô lớn cũng phải công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết

· Thông tư 121 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng

· Thông tư 165 sửa đổi Thông tư 226: giảm thời gian kiểm soát đặc biệt CTCK từ 6 tháng xuống 4 tháng, có chế tài đóng cửa và đình chỉ hoạt động CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt

· Nghị định 58: nâng chuẩn niêm yết trên hai sàn

· Công văn 3229 cấm các tổ chức kinh doanh chứng khoán cho phép bán khống trên toàn hệ thống

5. Nhiều sản phẩm mới đưa ra thị trường

Có hàng loạt biện pháp “kích cầu” được đưa ra năm 2012 như:

- Lần đầu tiên đưu vào áp dụng hai chỉ số VN30 và HNX30 bao gồm 30 cổ phiếu thanh khoản nhất trên mỗi sàn

- Kéo dài thời gian giao dịch xuống buổi chiều

- Thay đổi cách tính giá tham chiếu trên sàn Hà Nội

- Chính thức luật hóa nghiệp vụ margin (60:40)

- Áp dụng lệnh thị trường MP

- Chính thức giảm ngày thanh toán cổ phiếu từ 15h chiều ngày T+3 sang 9h sáng ngày T+3

- Chính thức cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền nắm 100% vốn tại CTCK trong nước (Nghị định 58)

- Chính thức cấp phép cho quỹ mở

- UBCK cũng ban hành dự thảo về ETF, giới thiệu sản phẩm chứng quyền…

- Thông tư 213 giảm thủ tục hành chính cho khối ngoại

Hàng loạt các biện pháp kích cầu của Bộ Tài chính và UBCK đưa ra nhằm thúc đẩy thanh khoản cho thị trường nhưng ở thời điểm cuối năm 2012, những biện pháp này chưa thực sự mang lại chuyển biến cho thị trường. Do còn nhiều rủi ro nên các nhà đầu tư chưa sử dụng lệnh MP, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+3, cho vay margin…vẫn chỉ là các biện pháp hợp pháp hóa những gì đã và đang diễn ra trên thị trường. Trong khi yêu cầu thực hiện T+2, nới room cho khối ngoại, giảm thuế chứng khoán cho quỹ đầu tư…vẫn đang bị treo lại do “chưa phải thời điểm thích hợp”.

6. Huy động vốn đình trệ, 21 cổ phiếu bị hủy niêm yết

Chưa năm nào có nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết như năm nay. Trên hai sàn có 25 cổ phiếu và 1 chứng chỉ quỹ niêm yết mới song có 22 cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Đa phần việc hủy niêm yết do các công ty lỗ 3 năm liên tiếp, một số trường hợp bị hủy do 1 năm không có giao dịch, hoặc hủy niêm yết tự nguyện như trường hợp CSG, MKV. Còn có nhiều trường hợp như PSE, HU4, MED, VTE, PXH chưa giao dịch ngày nào nhưng đã hủy niêm yết do được chấp thuận hồ sơ xong không không niêm yết.


Tính chung đến nay trên hai sàn có 702 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 338.300 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011.

Trường hợp sáp nhập của HBB vào SHB lập kỷ lục về thời gian với hơn 3 tháng từ làm thủ tục đến khi niêm yết bổ sung. Chỉ trong vòng 3 tháng, tổng tài sản của SHB tăng từ 66.000 tỷ lên 101.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu từ 5.900 tỷ lên 8.400 tỷ đồng và là thương vụ M&A lớn nhất năm 2012.

Về huy động vốn, tổng giá trị huy động vốn từ cổ phiếu và cổ phần hóa là 10.100 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2011, tuy nhiên huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ lại tăng cao, đạt 142.500 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2011.

7. UBCK ban hành 146 quyết định xử phạt trong năm 2012

Năm 2012 là năm xảy ra nhiều sai phạm nhất trên TTCK, 9 tháng đầu năm 2012 số tiền UBCK phạt vi phạm các CTCK cũng như các thành viên trên thị trường đã vượt con số phạt của cả năm 2011, đạt trên 20 tỷ đồng.

Một số vụ việc lớn xảy ra tại các CTCK như vụ việc cho NĐT bán trên tài khoản của môi giới tại CTCK HSC, NĐT bị mất tiền và chứng khoán tại TAS, ông Hoàng Xuân Quyến (chứng khoán Liên Việt) bị bắt do sai phạm trong việc ký duyệt hợp đồng mua bán cổ phiếu OTC, Chứng khoán Đại Nam bị phạt 250 triệu đồng vì bán khống, VNDS bị treo margin 2 tháng vì lách luật margin…

UBCK đã phạt 58 công ty đại chúng, công ty niêm yết do vi phạm công bố thông tin, triển khai 6 đoàn kiểm tra giao dịch đối với các cổ phiếu CVN, HQC, CDC, FLC, GBS, ASM.

UBCK đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc thao túng giá và 6 đơn tố cáo cho cơ quan công an, trong đó có vụ việc thao túng giá tại SBS.

8. Công ty quản lý quỹ: Đóng cửa, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Hiện trên thị trường có 47 CTQTL với tổng vốn điều lệ 3.126 tỷ đồng, quản lý khối tài sản 97.000 tỷ đồng. Đến nay có 15 công ty quản lý 22 quỹ đầu tư (16 quỹ thành viên, 6 quỹ đại chúng) trong đó 6 quỹ đang tiến hành giải thể (SSIVF đóng cửa ngày 14/11/2012) do hết thời gian hoạt động, 4 quỹ giảm vốn điều lệ.

Trong số này có 14 CTQTL hoạt động cầm chừng, thua lỗ, 3 công ty không duy trì được chỉ tiêu an toàn tài chính và UBCK đã đưa 2 công ty quản lý quỹ vào diện kiểm soát đặc biệt là CTQLQ Hữu Nghị và CTQLQ Thành Việt.

UBCK đã tiến hành kiểm tra tại 22 CTQLQ và đang xử lý vấn đề ủy thác vốn của các ngân hàng tại các công ty này.

9. Vốn ngoại đổ vào-chảy ra mạnh tại bluechips

Bất chấp việc thị trường chứng khoán không thực sự khởi sắc, dòng vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào các doanh nghiệp bluechips, đặc biệt qua kênh phát hành riêng lẻ.

Đầu năm, VCB hoàn tất phát hành 15% cổ phần cho Mizuho, thu về 570 triệu USD – thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.

Nhà đầu tư ngoại cũng đã chi hàng chục triệu USD để mua cổ phần của Kinh Đô, CotecCons, REE, Halico, Nhựa Tiền Phong…

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại cũng có những thương vụ thoái vốn rất lớn như ANZ thoái vốn khỏi Sacombank (> 80 triệu USD), HSBC thoái vốn khỏi Bảo Việt (340 triệu USD), Prudential thoái vốn khỏi Proconco (96 triệu USD)…

Tương tự năm 2011, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn để lại dấu ấn lớn khi đầu tư vào Vietcombank, Bảo Việt, Kinh Đô, Thiết bị Y tế Việt Nhật, Cholimex Food…

Ban Biên tập

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên