MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán bị thách thức vai trò “Hàn thử biểu” của nền kinh tế?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 15 năm nhiều biến động. Hành trang mang theo là 50 tỷ USD vốn hóa nhưng với những biến động đi ngược với kinh tế vĩ mô thì đâu đó trên thị trường vẫn có câu hỏi: Liệu, TTCK đã phát triển đủ tốt như kỳ vọng của nhà đầu tư?

Ai mới nhập môn Thị trường chứng khoán cũng được quen với cụm từ “Hàn thử biểu”. Dần dà, vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế lớn dần lên qua mười lăm năm thành lập.

Chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế bởi nó không những đóng vai trò huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế, cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng mà còn đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế, tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô.

Thế nhưng, thời điểm hiện tại, nhiều thông tin kinh tế vĩ mô tích cực được đưa ra còn thị trường chứng khoán vẫn loanh quanh đi ngang với thanh khoản 2 sàn niêm yết chỉ trên dưới 2 nghìn tỷ-thậm chí còn có lúc chỉ nhình hơn có số 1 nghìn tỷ.

Hàng loạt thông tin kinh tế vĩ mô tích cực

Theo  số liệu kinh tế vĩ mô vừa được tổng cục thống kê công bố cho quý 1/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 9,1% yoy (cao hơn so với mức tăng 5,3% năm 2014 và 4,9% năm 2013). Trong các chỉ số thành phần dùng để tính tăng trưởng GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 9,01% yoy, đóng góp ~1,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP Q12015.

Chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) của HSBC công bố cũng cho thấy Việt Nam đã duy trì được mức điểm số trên 50 điểm trong 19 tháng liên tiếp-đây là một tín hiệu cho thấy “độ bền” của tăng trưởng trong quý 1 năm 2015.

Ngoài ra, nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2014 của khối doanh nghiệp niêm yết và kế hoạch kinh doanh năm 2015 thì có thể thấy số doanh nghiệp đạt kết quả cao hơn 2013 khá nhiều, tình trạng thua lỗ nặng nề đã không còn diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi.

Tín hiệu đáng chú ý khác đến từ doanh nghiệp là việc tăng vốn. Mùa đại hội cổ đông-mùa của kế hoạch kinh doanh-mới bắt đầu nhưng hàng loạt doanh nghiệp đã vạch ra cho mình kế hoạch tăng vốn lớn. Một phần lớn tiền này sẽ quay lại đầu tư tạo nguồn sinh khí mới cho nền kinh tế.

Vai trò “Hàn thử biểu” của thị trường chứng khoán đang bị thách thức?

Dù hành trang thị trường chứng khoán đang mang theo là 50 tỷ USD vốn hóa thị trường và hơn 800 công ty niêm yết trên HoSE, HNX, UpCOM nhưng chuỗi dài những ngày thanh khoản thị trường trên dưới nghìn tỷ đã khiến nhiều nhà đầu tư  quan ngại về vai trò hàn thử biểu của thị trường.

Thậm chí, tại bản tin cuối tuần qua của Chứng khoán Rồng Việt, CTCK này đã đặt một câu hỏi “căng” cho thị trường: ““Hàn thử biểu” của nền kinh tế đang không hoạt động?”!

Thực tế cho thấy, nhiều thông tin kinh tế vĩ mô tích cực về tình hình kinh tế quý 1/2015 nhưng dường như Thị trường chứng khoán Việt Nam không phản ánh-thậm chí-phản ánh trái chiều bộ mặt nền kinh tế.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, VnIndex khởi đầu năm 2015 với điểm số 545,6 điểm. HNX-Index khởi đầu năm bằng 82,74 điểm. Kết thúc quý 1, VnIndex tăng nhẹ lên 551,1 điểm nhưng đã có không ít lần trong quý, chỉ số này về dưới ngưỡng khởi đầu năm. Còn, HNX-Index giảm nhẹ gần 0,5 điểm.

 

Biến động VnIndex quý 1/2015

 

Biến động HNX-Index quý 1/2015

Như vậy là, chứng khoán gần như không phản ánh được sự tăng trưởng của kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dường như Thị trường chứng khoán đã không đóng vai trò “hàn thử biểu” của nền kinh tế-ít nhất là trong lúc này!

Minh Anh

Thanh Hương

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên