MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán năm 2013 và các con số

CafeF điểm lại các sự kiện và các con số chứng khoán nổi bật trong năm 2013.

1. VN-Index là một trong 10 chỉ số có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thế giới

21,97% và 18,83%
: Là mức tăng lần lượt của VN-Index và HNX-Index trong năm 2013. VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013 ở mức 504,63 điểm, HNX-Index chốt năm 2013 ở mức 67,84 điểm

Sự gia tăng của các chỉ số đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.


949.000 tỷ đồng là mức vốn hoá thị trường năm 2013 (tăng 184.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương mức 31% GDP.

107.630.000 cổ phiếu là KLGD bình quân 1 phiên của năm 2013, giá trị giao dịch bình quân trên hai sàn đạt 1.380 tỷ đồng/phiên, tăng 6% so với năm 2012.

1.257 tỷ đồng/phiên (tăng 90% năm 2012) là giá trị giao dịch bình quân trái phiếu Chính phủ.

194.800 tỷ đồng là mức huy động vốn qua kênh đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2013, tăng 10% so với năm trước và đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Huy động vốn qua cổ phiếu và cổ phần hóa là 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ cũng tăng mạnh, đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012). 

2. Khối ngoại mua ròng 7.666 tỷ đồng (365 triệu USD) cổ phiếu và 500 triệu USD trái phiếu

Năm 2013, khối ngoại mua ròng gần 7.667 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam (365 triệu USD), trong đó mua ròng gần 6.330 tỷ trên sàn HoSE và 1.337 tỷ đồng trên sàn Hà Nội, tổng khối lượng cổ phiếu mua vào là hơn 220 triệu cổ phiếu. tương đương hơn 300 triệu USD. (xem thêm)


Đồ thị so sánh dòng vốn nước ngoài đổ vào các nước Đông Nam Á kể từ năm 2007

Điều này nhờ hai quỹ ETF đặc biệt là quỹ Market Vector liên tục huy động được vốn mới trong năm 2013. Một điểm khác biệt so với các năm trước là năm nay TTCK Việt Nam đón dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào cổ phiếu midcap như Mutual Elite Fund hay Asia Small Cap Fund. Asia Frontier Capital thành lập quỹ mở 50 triệu USD đầu tư vào TTCK Việt Nam

Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 55%.

3. Quá trình thanh lọc tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng khốc liệt

Dựa trên cơ sở báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng của các công ty chứng khoán, UBCK đã phân loại các công ty chứng khoán thành 4 nhóm, trong đó 79 CTCK hoạt động lành mạnh, 8 CTCK hoạt động bình thường, 5 CTCK bị kiểm soát và 9 CTCK bị kiểm soát đặc biệt. Hiện có 15 CTCK không còn hoạt động (xem thêm)


Năm 2013, 4 CTCK thông qua việc giải thể là Sao Việt, Chợ Lớn, Âu Việt và Sen Vàng trong đó duy nhất SVS đã được UBCK chính thức cấp giấy chấp thuận giải thể theo Luật Doanh nghiệp. Cổ phiếu của 4 CTCK Sao Việt, SBS, GBS, Tràng An đều bị hủy niêm yết trên hai Sở giao dịch.

2 công ty GBS, SME bị UBCK yêu cầu tạm ngừng hoạt động, 3 công ty Delta, Hà Nội, Trường Sơn bị chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên có điểm sáng: MBS hợp nhất VITS – đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử 2 CTCK hợp nhất thành công, SBS đã nâng tỷ lệ an toàn vốn lên trên 180%.

Số công ty chứng khoán lỗ trong năm 2013 là 63% (58/94 công ty chứng khoán có lỗ lũy kế với số lỗ là (-5.267) tỷ đồng, giảm so với con số hơn 70% công ty lỗ năm 2012. Một số CTCK đã vượt kế hoạch năm như Bảo Việt, VNDS, VCBS, các công ty lãi lớn có HSC, SSI, VPBS, TechcomSC, KLS.

4. 10 quỹ mở được cấp phép và ra đời

Năm 2013, UBCK đã cấp phép cho 10 quỹ mở ra đời bao gồm quỹ của Vina Wealth, quỹ trái phiếu MBBF, quỹ của Bảo Việt BVFED, quỹ VCBF của Vietcombank, quỹ VFMVFA, VFMVF1 và VFMVF4 chuyển thành quỹ mở.

Quỹ mở ra đời thay thế mô hình quỹ đóng, thay vì nhà đầu tư phải mua bán theo thị giá trên sàn (chênh lệch giữa thị giá và NAV - giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ có lúc lên tới 25-30%) thì nay nhà đầu tư có thể góp thêm vốn và quỹ hoặc rút tiền ra với giá trị đúng bằng NAV.

Năm 2013 có 3  quỹ giải thể là quỹ đầu tư Bảo Việt, PruBF1, quản lý quỹ Sabeco,

Tính đến hết quý 3/2013, có 41/47 công ty quản lý quỹ còn hoạt động, trong đó chỉ có 22 công ty hoạt động có lãi. 6 công ty đã được xử lý bằng nhiều giải pháp, rút khỏi thị trường, trong đó: giải thể 1 công ty, tạm ngừng hoạt động 2 công ty để tự tái cơ cấu; đình chỉ hoạt động 1 công ty do không duy trì điều kiện cấp phép và đặt 2 công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do không duy trì được tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.

5. 37 doanh nghiệp hủy niêm yết

Hiện tại có khoảng 300 DNNY trên Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), chiếm khoảng 89% lượng vốn hóa toàn thị trường. Trong năm 2013, có 11 công ty bị hủy niêm yết trên HOSE và 26 DN hủy niêm yết trên sàn Hà Nội (16 DN hủy niêm yết bắt buộc) trong đó có các "tên tuổi" như cổ phiếu PVF của Tài chính dầu khí hủy niêm yết do hợp nhất với Westernbank, cổ phiếu SBS của chứng khoán Sacombank...

Trong khi đó năm 2013 chỉ có 4 DN niêm yết mới trên HoSE (HAR, NLG, FCM và FLC) và 11 DN niêm yết mới trên sàn Hà Nội (KSQ, KLF, PVB, FIT, DHP, HLD, NDX, PSD, SHA, THS, TTZ).

6. Phạt chứng khoán cao nhất 2 tỷ đồng, lần đầu tiên đưa vào khung hình sự

Thông tư liên tịch số 10 giữa Bộ Tư pháp- Công an- Tòa án Nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao- Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với 3 tội gồm: Cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.

Nghị định 108 áp dụng từ 15/11/2013 tăng mức phạt trên TTCK lên cao nhất 2 tỷ đồng, phạt 100-150 triệu đồng nếu không đưa cổ phiếu chào bán lên niêm yết trong vòng 1 năm (xem thêm)


Ông Phan Huy Chí

Năm 2013 Cơ quan điều tra đã khởi tố là ông Phan Huy Chí, Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SME, và Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT SME cùng với 2 nhân viên khác, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 380 tỷ đồng(xem thêm)

(xem video về việc SME công bố thông tin sai để lừa PVI)

Ngoài ra ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch CK Tràng An cũng bị bắt do chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.


Ông Lê Hồ Khôi

Năm 2013, UBCKNN đã ban hành 102 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt là hơn 7,7 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm trước (2012) số tiền phạt của năm nay có giảm nhẹ (năm 2012 UBCK Nhà nước đã ban hành 146 quyết định xử phạt, với tổng số tiền phạt là trên 8,5 tỷ đồng). Trong đó 5 cá nhân bị phạt 250 triệu đồng vì làm giá cổ phiếu, các hình phạt khác đa phần lỗi công bố thông tin.

7. Hàng loạt quy định mới tăng thanh khoản thị trường

Năm 2013 hàng loạt chính sách phát triển TTCK được ra đời. Trong đó, việc nới tỷ lệ margin lên 50-50 được áp dụng từ 1/2/2013; tăng biên độ sàn HoSE lên 7% và sàn Hà Nội lên 10% cũng được thông qua và chính thức áp dụng từ ngày 15/1/2013, việc miễn giảm phí lưu ký, kéo dài thời gian giao dịch đến 15h để tăng thanh khoản cho thị trường...

Tác động mạnh mẽ nhất là việc giảm thời gian thanh toán từ T+4 sang T+3, tức là nhà đầu tư mua cổ phiếu sau 2 ngày có thể bán vào sáng ngày thứ ba. Điều này đã khiến dòng vốn được luân chuẩn nhanh hơn, nhà đầu tư cũng chủ động hơn trong việc mua bán cổ phiếu. Những kỳ vọng về T+1, T+2 được đề xuất nhưng chưa được đáp ứng giai đoạn này.

Từ 1/3/2013 có cơ chế giao dịch cổ phiếu hủy niêm yết thông qua trung tâm lưu ký.

8. Hoạt động M&A tăng vọt tại các CTCK, công ty quản lý quỹ

Lần đầu tiên trong lịch sử TTCK Việt Nam CTCK MBS hợp nhất với CTCK VITS, đồng thời MBS giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỷ xuống 621 tỷ để xóa lỗ lũy kế.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), cùng 2 cá nhân là ông Lê Hữu Báu và bà Khúc Thị Quỳnh Lâm đã thông báo chuyển nhượng toàn bộ 84% cổ phần chứng khoán SeaSecurites cho 6 nhà đầu tư cá nhân và 2 tổ chức khác. 

Công ty Centaurus Capital Ltd và CTCP Đại Tân Việt đều thoái toàn bộ vốn tại CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Nhân Việt (TAFM) cho 2 cá nhân là bà Vũ Thị Huyền Nga và bà Huỳnh Thị Ngân Trang.

Ông Tong Chin Hen nhận chuyển nhượng 15% cổ phần của CTCP Chứng khoán Hùng Vương, nâng tỷ lệ sở hữu lên 45,51%.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàn Lộc Việt nhận chuyển nhượng gần 22% vốn của chứng khoán Châu Á.

Ngân hàng Bản Việt nhận chuyển nhượng 11% vốn của Quản lý quỹ Bản Việt.

9. SCIC sẽ phải thoái vốn tại 66 DN niêm yết trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Bảo Việt, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong. Theo đề án tái cơ cấu được Chính phủ thông qua, SCIC được giữ lại và đầu tư lâu dài 4 công ty là CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Viễn thông FPT, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp (xem thêm).


Danh mục cổ phiếu niêm yết SCIC nắm giữ nhiều nhất

Hoạt động cổ phần hóa năm 2013 rất chậm, không có doanh nghiệp lớn nào IPO, chờ đợi IPO Viglacera cuối năm, Vinatex lùi sang 2014. BIVD chưa niêm yết.

CafeF

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên