MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hồi phục, các doanh nghiệp ồ ạt phát hành tăng vốn

Từ đầu năm 2015 tới nay, rất nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng vốn khá rầm rộ. Tuy nhiên, điều này đang gây ra tâm lý e ngại cho một số nhà đầu tư cá nhân bởi trong quá khứ không ít doanh nghiệp đã không sử dụng hiệu quả đồng vốn huy động từ các nhà đầu tư.

Tiếp nối đà tăng trưởng trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục và khởi sắc hơn trong năm 2015. Điều này đã khiến nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng theo. Bên cạnh đó, TTCK dần tăng trưởng ổn định trở lại cũng khiến việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp đã rầm rộ lên kế hoạch tăng vốn “khủng”.

Từ các tên tuổi “truyển thống”

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA)- cái tên rất quen thuộc với nhà đầu tư trong các đợt phát hành cổ phiếu. Đây là một trong những doanh nghiệp thường xuyên “pha loãng” cổ phiếu nhất trên thị trường. Năm 2014, ITA đã phát hành 100 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ và ngay trong những tháng đầu năm 2015, ITA lại tiếp tục thực hiện điều đó. Tuy nhiên, quy mô lần này lớn hơn đôi chút với gần 120 triệu cổ phiếu. Những nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành của ITA vẫn là những cái tên quen thuộc như CTCP phát triển hạ tầng Tân Tạo, CTCP Tập đoàn Tân Tạo…

Cái tên tiếp theo phải nhắc đến là CTCP Tập đoàn FLC. Sau những đợt tăng vốn lớn trong năm 2014 thì sắp tới, FLC lại tiếp tục trình phương án tăng vốn ở ĐHCĐ 2015. Tuy nhiên, đây là lần tăng vốn rất “khủng” của doanh nghiệp khi HĐQT của FLC đề xuất tăng vốn từ 3.749 tỷ lên 8.397,6 tỷ đồng. Trong đó phát hành cho cổ đông hiện hữu 389.889.639 cổ phần với giá 10.000đ/cp. Trước đó, FLC cũng đã hoàn tất việc chào bán 60 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư và thu về hơn 612 tỷ đồng.

Sau khi đã tăng vốn lớn trong năm 2014, CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) tiếp tục có kế hoạch tăng vốn “khủng” hơn nữa với mức tăng từ gần 500 tỷ đồng cuối năm 2014 (đầu năm 2015 công ty đã tăng vốn lên 892 tỷ đồng) vọt lên 3.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác tăng vốn khá mạnh là Nông dược HAI, ĐHCĐ HAI đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1 và sau đó phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1,5, phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, vốn điều lệ của HAI sẽ tăng theo cấp số nhân, từ 174 tỷ đồng lên xấp xỉ 1.020 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó là việc FLC đã mua hết 15 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HAI với giá 12.500đ/cp.

CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cũng đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán hơn 43 triệu cổ phiếu ra công chúng. Nếu đợt phát hành thành công, công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ 158 tỷ đồng hiện tại lên hơn 588 tỷ đồng. Trong đó, TSC chào bán cho cổ đông hiện hữu: 31.625.830 CP. Tỷ lệ thực hiện: 1:2, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Được biết, trong năm 2015, TSC tiếp tục có kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Cho tới ngân hàng lớn

Mới đây, BIDV đã có kế hoạch phát hành tăng vốn 10% cho cổ đông hiện hữu, Ngân hàng dự kiến sẽ thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2015. Như vậy nếu phát hành thành công, BIDV sẽ thu  được 2.811 tỷ đồng từ đợt phát hành cho các NĐT hiện hữu với mức giá 10.000  đồng/cp và tương đương 10% số cổ phiếu lưu hành.

Và cả những doanh nghiệp mới niêm yết

VMI là cổ phiếu mới niêm yết trên HNX từ tháng 10/2014. Tuy nhiên doanh nghiệp này cũng đã chuẩn bị tiến hành tăng vốn. Cụ thể VMI sẽ tiến hành tăng vốn từ 54 tỷ lên 116 tỷ. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 2:1, phát hành 300.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, mệnh giá 100.000 đồng/cp với tổng giá trị 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khá nhiều doanh nghiệp khác cũng thực hiện tăng vốn trong thời gian gần đây như QCG, HHG, HHS, CEO, TJC… với khá nhiều mục đích khách nhau như trả nợ, đầu tư hay để thực hiện M&A…. Có thể thấy, TTCK khởi sắc đang tạo điều kiện khá thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng vốn trên TTCK bởi lẽ đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất khi nền kinh tế hồi phục.

Thận trọng với việc tăng vốn ồ ạt

Giai đoạn TTCK tăng trưởng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tăng vốn. Điều này đã được kiểm chứng qua giai đoạn 2009-2010 khi mà TTCK hồi phục khá mạnh, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt phát hành tăng vốn như Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA), Vận tải và BĐS Việt Hải (VSP), KSH, Sông Đà 9.06 (S96)…. Nhưng rồi với việc sử dụng không hiệu quả dòng vốn, các doanh nghiệp này lần lượt báo lỗ trong những năm sau đó, giá cổ phiếu tụt giảm mạnh, nhiều cổ phiếu bị rời khỏi sàn. Như vậy các đồng vốn mà cổ đông đóng góp vào doanh nghiệp, với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh như những kế hoạch ĐHCĐ đã nêu ra bỗng chốc tan thành mây khói.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đang phát hành tăng vốn một cách ồ ạt, với tần suất khá dày. Điều này đang làm cho khá nhiều nhà đầu tư cảm thấy e ngại, thậm chí nhiều người còn gọi là hiện tượng “in giấy lấy tiền”. Việc chưa có quy định về thời gian giãn cách giữa các lần tăng vốn của các doanh nghiệp đã dẫn đến hiện tượng đó và đang gây ra “lạm phát” cổ phiếu.

Nhà đầu tư tham gia góp vốn, nhưng lại không thể biết được hiệu quả sử dụng đồng vốn mà mình đã đóng góp cho doanh nghiệp. Quy định của UBCK yêu cầu  định kỳ sáu (06) tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, công ty đại chúng phải báo cáo tiến độ sử dụng vốn. Tuy nhiên khá nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy định này và báo cáo còn mang tính đại khái, nhà đầu tư rất khó để biết doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn huy động như thế nào. Chính vì thế, việc tham gia vào các đợt tăng vốn ồ ạt của doanh nghiệp đôi khi mang lại khá nhiều rủi ro cho cổ đông nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh tiếp cận tín dụng ngân hàng còn khó khăn, phải chịu áp lực lãi vay thì việc các doanh nghiệp tiến hành tăng vốn bằng cách huy động trên TTCK cũng là hợp lý và là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp. Vingroup, REE hay rất nhiều doanh nghiệp khác đã và đang sử dụng tốt dòng vốn huy động từ cổ đông và hiện đang là những doanh nghiệp đầu ngành. Đó là mặt tích cực của việc tận dụng dòng vốn trên TTCK.

Trong trường hợp các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, sử dụng đúng mục đích của vốn huy động thì là điều rất tích cực, không có điều gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp không sử dụng đúng mục đích, không hiệu quả sau những đợt tăng vốn ồ ạt như trong những năm trước thì đây thực sự là vấn đề rất đáng quan ngại và đó thực sự là những rủi ro lớn cho các cổ đông nhỏ lẻ.

Hoàng Anh

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên