MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường “mua bán sáp nhập” đang hút vốn ngoại

Trong năm 2012, có 3 ngân hàng sáp nhập. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 ngân hàng được sáp nhập và 5 ngân hàng khác đang trong quá trình sáp nhập.

Tại hội thảo “Diễn đàn M&A Việt Nam 2013” tổ chức tại TP HCM ngày 8/8, ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Việc phát triển M&A không chỉ là thương vụ mua bán mà quan trọng hơn đó là cơ hội tái cấu trúc được doanh nghiệp. Trong đó, có các ngành như tài chính, ngân hàng…”.

Riêng hệ thống ngân hàng, nợ xấu vẫn đang là rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn chậm. Hiện tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với khó khăn, đó là nhiều ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng thấp, quản trị kém và sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước dự định giảm số lượng Ngân hàng thương mại từ hơn 50 ngân hàng xuống còn 15 ngân hàng vào năm 2015.

Trong năm 2012, có 3 ngân hàng sáp nhập. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 ngân hàng được sáp nhập và 5 ngân hàng khác đang trong quá trình sáp nhập. Về vấn đề vốn, có rất nhiều ngân hàng cần tái cấu trúc vốn, nhưng nguồn tiền trong nước còn hạn chế nên ngân hàng có nhu cầu cao về nguồn tiền từ nước ngoài đầu tư vào.

Hiện nay, Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tối đa chỉ có 30% cổ phần một ngân hàng. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất nâng tỷ lệ này lên 40%. Ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết: “Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Trong quá trình đó, hoạt động M&A cũng đã trở thành giải pháp quan trọng”.

Đánh giá thị trường M&A ở Việt Nam, ông John Ditty - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia cho rằng: Hoạt động giao dịch M&A tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể từ năm 2009 cả về số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Giữa năm 2012 đến đầu năm 2013, nhiều thương vụ có giá trị hàng trăm triệu USD, có thương vụ lên đến 1 tỷ USD. Trong khi những năm trước, giá trị các thương vụ chỉ khoảng 15-20 triệu USD.

Sau năm 2012 đầy khó khăn, các nhà thực hiện giao dịch ở Việt Nam hy vọng nhiều giao dịch sẽ được hoàn tất hơn trong năm 2013 nhờ vào các yếu tố kinh tế cơ bản và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Hoạt động M&A vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, trong đó nhà đầu tư chủ yếu đến từ Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản. Các lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nhất là ngành hàng tiêu dùng, dược, nông nghiệp, bán lẻ…

Trong quý 1/2013 thị trường M&A có 14 thương vụ với tổng giá trị 675,5 triệu USD. Trong đó, có những thương vụ quy mô lớn thuộc lĩnh vực BĐS. Nhà đầu tư Nhật Bản tham gia nhiều thương vụ nhất. Các doanh nghiệp ASEAN cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội để mua lại cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản khiến các doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào Việt Nam hiện nay đó là các chính sách, quy định, liên tục thay đổi

Theo T.Hà


thunm

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên