MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoáng việc mở room mới nâng được hạng

Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long trình bày tại Hội nghị Triển khai phát triển TTCK đầu năm năm 2016 về 4 mục tiêu hàng đầu để phát triển TTCK Việt Nam.

Đứng đầu trong 4 mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long trình bày tại Hội nghị Triển khai phát triển TTCK đầu năm năm 2016 là “Tích cực và chủ động hội nhập, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đưa TTCK đến gần hơn với thị trường vốn quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường trên bảng xếp hạng của Tổ chức xếp hạng toàn cầu MSCI; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn và niêm yết trên TTCK quốc tế”.

Theo ông Long, vấn đề nâng hạng thị trường đối với Việt Nam không phải là chuyện mới với MSCI, lần gặp đầu tiên của UBCK với tổ chức này thực hiện vào năm 2014. Tuy nhiên vẫn chưa ngã ngũ, bởi vào đầu tháng 10-2014, ông Chin-Ping Chia, Giám đốc điều hành MSCI tại Hồng Công, trả lời phỏng vấn Bloomberg đã cho biết, hiện nhà cung cấp chỉ số này chưa xem xét lại phân loại của TTCK Việt Nam.

Thực ra với giá trị giao dịch mỗi phiên trên thị trường từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng, tương đương từ 90 - 135 triệu USD, chủ yếu gồm những CP có vốn hóa trên 1 tỷ USD như VCB, VNM hay GAS, TTCK Việt Nam có thể nhẹ nhàng vượt qua các tiêu chuẩn về quy mô, định lượng của MSCI liên quan đến vấn đề nâng hạng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất lại nằm ở các tiêu chuẩn định tính. Theo quy định được đăng tải trên trang web của MSCI, để được xếp hạng thị trường mới nổi, TTCK phải hết sức thông thoáng đối với sở hữu của NĐTNN và dòng vốn trên thị trường phải dịch chuyển dễ dàng. Ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành Asia Frontier Capital tại Hồng Công, cho rằng MSCI sẽ không xem xét nâng vị thế của Việt Nam nếu Việt Nam không nới lỏng các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN.

Biện pháp đầu tiên để gỡ nút thắt về định tính này đã được UBCK thực hiện khi Nghị định 60 được chính thức áp dụng vào tháng 9-2015 để sửa đổi bổ sung Nghị định 58 trước đó liên quan đến sở hữu của NĐTNN.

Theo đó, các doanh nghiệp đại chúng không rơi vào các trường hợp đặc biệt thì NĐTNN hoàn toàn có thể sở hữu 100% cổ phần nếu điều lệ không có quy định giới hạn, một khoảng cách lớn so với giới hạn tỷ lệ 49% trước đó. Song cái khó là mặc dù Nghị định 60 đã chính thức áp dụng kể từ ngày 1-9-2015, nhưng đến nay NĐTNN hay doanh nghiệp cũng chưa biết phải làm sao để áp dụng được, bởi hàng loạt vướng mắc. Từ vấn đề căn bản nhất như xem xét ngành nghề nào được áp dụng theo nghị định này, bởi hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đăng ký kinh doanh đều có ít nhiều dính dáng đến danh mục ngành nghề có điều kiện theo Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, nếu đi vào thực hiện, khi NĐTNN nắm giữ trên 51% vốn doanh nghiệp sẽ sử dụng bộ quy tắc ứng xử đối với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) hay vẫn ứng xử như một doanh nghiệp trong nước? Và nếu tỷ lệ sở hữu biến động hàng ngày quanh mốc 50% sẽ xử lý sẽ như thế nào?

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, hiện bản dự thảo Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc giữa Nghị định 60 và Luật Đầu tư đã được hoàn tất lần thứ 3 trong nội bộ UBCK và các sở, dự kiến sẽ gửi Bộ Tài Chính trong thời gian sớm nhất để công bố. Tuy nhiên, việc giải quyết triệt để vấn đề này cho đến nay vẫn còn khá mù mờ so với mốc “cuộc hẹn” với MSCI vào tháng 3-2016.

Theo thống kê của Bloomberg, chỉ số CK của Qatar (Qatar Exchange Index) và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất - UAE (Abu Dhabi Securities Market General Index) đã nhảy vọt ít nhất 38% trong vòng 12 tháng sau khi MSCI cho biết sẽ quyết định nâng hạng thị trường 2 quốc gia này lên vị thế thị trường mới nổi vào tháng 6-2013. Chỉ số ADX General Index của Abu Dhabi đã xác lập đỉnh 5.253,4 điểm vào ngày 29-05-2015, tăng 115,3% so với ngày 31-5-2013 (thời điểm MSCI quyết định nâng hạng cho thị trường Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất). Tính đến ngày 26-1-2016, chỉ số này đang ở ngưỡng 3.781,5 điểm, tăng 55% so với thời điểm trước khi nâng hạng.

Nhìn vào hoạt động của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong năm 2015, mặc dù vẫn giữ vị thế mua ròng nhưng khối lượng đã giảm đáng kể so với năm trước. Khối ngoại đã mua ròng hơn 3.004 tỷ đồng, tương đương khoảng 133 triệu USD trên cả 2 sàn HOSEHNX trong năm 2015, giảm gần 20% so với năm 2014. Đây là mức mua ròng thấp nhất từ năm 2012 đến nay. Như vậy, nếu được nâng xếp hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, có thể sẽ tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển của thị trường và tạo dấu ấn của khối ngoại trên TTCK Việt Nam.

Theo Đ.Tùng

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên