MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 36: Vốn Margin cho thị trường không đến mức báo động

Theo các ước tính lạc quan nhất (20.000 tỷ) hay thực tế hơn (14.000 tỷ sau khi trừ đi các ngân hàng nước ngoài, các NH có nợ xấu trên 3%) thì vẫn đủ cho thị trường hiện tại.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Công ty quản lý quỹ SHF khi trao đổi với chúng tôi xoay quanh việc thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước việc NHNN vừa ban hành Thông tư 36 vào cuối tuần qua.

Theo ông việc ban hành Thông tư này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

2015 là năm cuối cùng được đề cập tới trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng ký năm 2012 với với nhiệm vụ chính là đảm bảo vốn và tiêu chuẩn hoạt động ngân hàng, bao gồm việc áp dụng chuẩn Basel II và áp dụng cách tính nợ xấu mới chặt chẽ hơn theo thông tư 02/2013  (dự kiến áp dụng từ 2013 nhưng được lùi và áp dụng từ 1/4/2015).

Thêm vào đó, việc mua bán sát nhập ngân hàng với mốc 2014 cũng chưa có nhiều tiến triển và 2015 cũng là năm các ngân hàng cổ phần đại chúng sẽ bị bắt buộc lên niêm yết.  

Xét trên bối cảnh này, sự ra đời của Thông tư 36 là một  động thái này phù hợp và quyết liệt của NHNN trong việc giải quyết các tồn tại trên của hệ thống tài chính.

Sự ra đời của Thông tư cũng cho thấy NHNN cho rằng nền kinh tế và hệ thống đã đủ sức khỏe để chịu các cú sốc (nếu có) xảy ra từ việc áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn nói trên và NHNN có đủ khả năng để xử lý các vấn đề phát sinh.

Thông tư này sẽ có tác động như thế nào đối với TTCK trong thời gian tới, thưa ông?

Với thị trường chứng khoán thì Thông tư ra đời gợi nhớ lại những thời gian không thuận lợi khi những quy định siết chặt của Ngân hàng nhà nước vào năm 2008 hay gần đây nhất là thông tư 13/2010 dẫn tới sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán sau đó.

Nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trước khả năng lịch sử lặp lại nhất là khi:

Thứ nhất, chứng khoán trong chu kỳ tăng trưởng này và ở các giai đoạn trên đều đã tăng mạnh khoảng 2 lần so với mức đáy trước đó;

Thứ hai,  định giá thị trường ở mức tương đối đắt so với lịch sử và sự tham gia mãnh mẽ của lượng vốn margin;

Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài từ trạng thái mua ròng chuyển sang bán ròng và một phần lượng tiền thực của thị trường được thay bằng lượng tiền margin có độ rủi ro cao hơn  (từ tháng 9 tới nay nhà ĐTNN đã bán ròng 3.600 tỷ đồng và diễn biến cho thấy họ mua mạnh ở thời điểm VnIndex khoảng 500-530 điểm và bán mạnh khi Index duy trì xung quanh 600 điểm).

Tuy vậy, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào vấn đề vốn margin cho thị trường thì tôi cho rằng không đáng lo ngại dù rằng phải thừa nhận sẽ rất khó lượng hóa chính xác ảnh hưởng.

Dựa trên đánh giá báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán hàng đầu hiện chiếm 62% thị phần môi giới, tôi cho rằng hiện nay lượng cho vay margin, dù không đồng đều giữa các công ty, thì khoảng ½ đến từ vốn tự có của công ty chứng khoán và khoảng ½ đến từ ngân hàng.

Như vậy, con số cho vay margin thực tế có từ ngân hàng, theo các ước tính lạc quan nhất (20.000 tỷ) hay thực tế hơn (14.000 tỷ sau khi trừ đi các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng có nợ xấu trên 3%) thì vẫn đủ cho thị trường hiện tại.

Một câu hỏi khác là việc sử dụng margin ở Việt Nam hiện nay có đáng báo động không. Lượng vốn margin hiện nay ước tính chiếm khoảng 2% vốn hóa và bằng khoảng 3 đến 3.5 lần giá trị giao dịch trung bình ngày.

So với con số tại sàn giao dịch là 2,8% vốn hóa và 14 lần giao dịch hàng ngày thì quy mô cho vay chứng khoán hiện nay không phải là thấp nhưng cũng không đến mức báo động.

Như vậy, tôi cho rằng nếu nhìn chung thì thị trường sẽ không bị tác động quá lớn từ thông tư trên. Tuy nhiên, thứ nhất đây chỉ là các ước tính chứ không phải các con số chính xác.

Thứ hai, do nhiều công ty chứng khoán hiện dùng vốn vay từ ngân hàng mẹ (sẽ bị cấm theo thông tư 03) sẽ dẫn tới sự xáo trộn giữa lượng margin mà từng công ty chứng khoán có thể cung cấp và có thể tiếp tục vẽ lại bản đồ thị phần môi giới.

Việc không cho phép khách hàng mua mới cổ phiếu từ việc dùng chính cổ phiếu đó làm tài sản đảm bảo có thể dẫn tới sự biến động về giá ở một số công ty niêm yết có lượng giao dịch lớn đến mức đáng ngờ mà hoàn toàn có thể xuất phát từ việc nhà đầu tư sử dụng margin chính cổ phiếu đó để tiếp tục đầu tư.

Dù sao thì bất cứ một thông tin cụ thể nào từ Ủy ban chứng khoán (tỷ lệ vốn margin từ vốn chủ sở công ty chứng khoán/từ ngân hàng) hay từ ngân hàng nhà nước (vốn ngân hàng sử dụng cho các khoản cho vay đầu tư cổ phiếu ký trực tiếp với khách hàng mà không thông qua công ty chứng khoán) sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm và có thể đánh giá chính xác hơn ảnh hưởng của thông tư tới thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên