MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh

Giai đoạn đầu phát triển thị trường, các chứng khoán phái sinh được phép giao dịch tại SGD chứng khoán là các hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam" với quan điểm xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, không để thị trường chứng khoán phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát.

Đồng thời, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh phải gắn với chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là bước kế tiếp nhằm hoàn chỉnh cấu trúc thị trường chứng khoán, hỗ trợ sự phát triển bền vững các thị trường chứng khoán cơ sở (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu), góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vai trò của thị trường chứng khoán trong thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

TTCK phái sinh thuộc Sở giao dịch chứng khoán

Về phương án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, Đề án nêu rõ,thị trường chứng khoán phái sinh được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị thuộc Sở giao dịch chứng khoán.

Chứng khoán phái sinh là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn.

Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình bù trừ đối tác trung tâm được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị trực thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, là tổ chức duy nhất được thực hiện chức năng đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán tại Việt Nam.

Mô hình tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh

Theo Đề án, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, các chứng khoán phái sinh được phép giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán là các hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ. Hợp đồng tương lai dựa trên cổ phiếu, hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu sẽ được tổ chức giao dịch khi thị trường phát triển ổn định;

Về dài hạn các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên Sở giao dịch chứng khoán.

Hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh được vận hành độc lập với hệ thống giao dịch cổ phiếu, trái phiếu trong hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán tổ chức và điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh.

Về mô hình thanh toán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm thông qua Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh là đơn vị trực thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Thành viên TTCK phái sinh

Thành viên trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam bao gồm: thành viên giao dịch; thành viên thanh toán, bù trừ.

Trong đó, thành viên giao dịch là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh và đáp ứng tiêu chuẩn thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Thành viên thanh toán, bù trừ là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu là thành viên của Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Thành viên của Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh bao gồm: 1- Thành viên thanh toán, bù trừ là các công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán phái sinh và được thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh; 2- Thành viên bù trừ là các ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch tự doanh chứng khoán phái sinh khi tham gia làm thành viên trực tiếp của thị trường giao dịch phái sinh trái phiếu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát toàn bộ hoạt động TTCK phái sinh

Đề án cũng nêu rõ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh. Sở giao dịch chứng khoán giám sát các hoạt động của thành viên và giao dịch chứng khoán phái sinh trên Sở giao dịch chứng khoán. Còn Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát các hoạt động của thành viên thanh toán bù trừ và các hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh.

Việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh theo lộ trình phát triển các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường.

Cụ thể,giai đoạn 1 (2013-2015), Đề án sẽ xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật để vận hành thị trường chứng khoán phái sinh.

Giai đoạn 2 (2016-2020): Tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán (chỉ số chứng khoán; trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu).

Giai đoạn 3 (sau 2020): Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.


hangnt

Theo Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên