MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực trạng công ty quản lý quỹ: 24/47 công ty có lỗ lũy kế

Trong số 47 CTQLQ, có hơn 10 công ty thời gian qua không huy động được tài sản để quản lý, hoạt động cầm chừng, kinh doanh trên nguồn vốn chủ sở hữu của mình là chủ yếu.

Thực trạng hoạt động của các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) hiện nay cụ thể ra sao? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các CTQLQ và quỹ đầu tư chứng khoán (thuộc UBCKNN), xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết hiện nay việc quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan quản lý được thực hiện ra sao, chế độ báo cáo như thế nào đối với các CTQLQ?

Ông Nguyễn Thành Long: - Hiện nay, hoạt động quản lý, giám sát, chế độ báo cáo của các CTQLQ về cơ bản không có sự khác biệt so với các công ty chứng khoán (CTCK). Trong 2 năm qua, UBCKNN đã xử phạt 12 CTQLQ. Mỗi năm, UBCKNN tổ chức kiểm tra, thanh tra 8-10 công ty.

Sau các đợt thanh, kiểm tra, UBCKNN đều tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các CTQLQ, hiện đang tiếp tục xem xét, làm rõ các công ty này trên cơ sở kết quả kiểm tra năm 2012.

Trong số 47 CTQLQ, huy động được quỹ, hoặc quản lý tài sản (dưới hình thức danh mục đầu tư) cho các khách hàng, có hơn 10 công ty thời gian qua không huy động được tài sản để quản lý, hoạt động cầm chừng, kinh doanh trên nguồn vốn chủ sở hữu của mình là chủ yếu.

Trong 18 công ty huy động được quỹ nhìn chung tuân thủ quy định pháp luật khá tốt, do hoạt động của các quỹ đều có sự giám sát của các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát. Các công ty còn lại, chủ yếu cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư là nhà đầu tư tổ chức, cụ thể doanh nghiệp bảo hiểm (chiếm 50% lượng vốn ủy thác), ngân hàng (chiếm 20%), phần còn lại của các cá nhân, tổ chức khác.

Các CTQLQ không được nắm giữ tài sản của khách hàng, cụ thể, tài sản của mọi khách hàng đều phải đặt tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát (bất kể đó là quỹ, hay danh mục đầu tư).

Các tài sản này hạch toán ngoại bảng khỏi hệ thống kế toán của CTQLQ. Với sự tham gia giám sát của hệ thống ngân hàng lưu ký, nhìn chung các hoạt động lạm dụng tài sản khách hàng, không thể thực hiện được. Tất nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ và UBCKNN cũng đã có các hình thức xử phạt nghiêm minh.

- UBCKNN quyết định đưa CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Thành Việt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong khoảng thời gian 6 tháng nói lên điều gì. Và liệu sau Thành Việt có công ty nào khác?

- Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của các CTQLQ đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của UBCKNN cho thấy, 9 tháng năm 2012 số CTQLQ bị lỗ vẫn chiếm áp đảo, với 25/47 công ty đang hoạt động bị lỗ lũy kế. Không những vậy, thời gian gần đây nhiều CTQLQ bị phạt hành chính về những hành vi vi phạm như chậm nộp báo cáo kiểm toán, chưa kịp thời công bố thông tin...

Nghiệp vụ chính của các tổ chức này là quản lý tài sản ủy thác, quản lý nguồn vốn dư thừa của các tổ chức, cá nhân. Sự hạn hẹp dòng vốn trong nền kinh tế trong thời kỳ này rõ ràng đã tác động không chỉ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác, mà cả các CTQLQ.

Đó là chưa kể tới các hoạt động tự doanh của các tổ chức này cũng đã chịu nhiều thiệt hại, trong khi vốn điều lệ của các CTQLQ rất nhỏ. Với khó khăn chung như vậy, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi chặt các chỉ tiêu an toàn tài chính của một số công ty. Ngoài Thành Việt, không loại trừ sẽ có thêm từ 1-2 công ty khác cũng bị đặt trong tình trạng cảnh báo.

Kể từ năm 2005 đến nay, khi có CTQLQ đầu tiên ra đời, tính chung cả ngành, hệ thống các CTQLQ luôn có lợi nhuận. Một phần vì hoạt động tự doanh của các tổ chức này bị hạn chế tới mức tối đa, và các công ty chủ yếu cung cấp dịch vụ để nhận phí quản lý tài sản. Trong 9 tháng năm 2012, cả ngành quản lý quỹ có lãi khoảng 50-60 tỷ đồng, tất nhiên vẫn còn nhiều công ty thua lỗ.

- Nhiều nhà đầu tư cho rằng hoạt động của khối CTQLQ kém minh bạch do việc công bố thông tin ra thị trường còn hạn chế?

- Chế độ công bố thông tin và báo cáo đã được quy định tại Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn theo đúng thông lệ quốc tế. Ở đây cũng có những chi tiết cần phải xem xét.

Thứ nhất, thông tin về danh mục tài sản ủy thác. Về nguyên tắc, các thông tin này chỉ cung cấp cho khách hàng ủy thác, chứ không cung cấp cho bên thứ ba, đó là nguyên tắc về bảo mật thông tin cá nhân.

Thứ hai, thông tin về hoạt động đầu tư của các quỹ thành viên cũng chỉ các thành viên biết tài sản của mình hiện nay là bao nhiêu, danh mục tài sản có gì, giá trị hiện tại là bao nhiêu. Các thông tin này, theo quy định và theo thông lệ quốc tế cũng chỉ các thành viên được biết.

Thứ ba, thông tin về hoạt động của quỹ đại chúng (quỹ đóng niêm yết) là mọi hoạt động về danh mục đầu tư, giá trị tài sản ròng đều phải được công bố định kỳ hàng tuần.

Thứ tư, hiện nay chưa có CTQLQ đại chúng, mà chỉ có các công ty trách nhiệm hữu hạn (thậm chí một thành viên), CTCP chưa đại chúng.

Vì vậy, ngoài các thông tin liên quan tới cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt của công ty, thông tin về hoạt động kinh doanh (hoạt động tự doanh) của họ để công bố ra thị trường chỉ dừng ở các báo cáo tài chính.

Các thông tin bắt buộc phải công bố phần lớn chỉ liên quan tới hoạt động quản lý tài sản cho khách hàng theo quy định của pháp luật về chứng khoán (Thông tư 52 về công bố thông tin trên TTCK), nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư.

- Hiện nay nhiều ngân hàng ủy thác đầu tư qua CTQLQ. UBCKNN có nắm được dòng vốn này?

- Hiện nay, một số ngân hàng có hoạt động ủy thác qua CTQLQ. Theo chế độ báo cáo hiện hành, đương nhiên UBCKNN nắm khá chi tiết. Hàng tháng, chúng tôi đều có số liệu thống kê đầu vào (tổ chức nào ủy thác vốn), đầu ra (phần vốn ủy thác đầu tư vào đâu, chi tiết danh mục đầu tư) và trạng thái tài sản (nơi lưu ký các tài sản ủy thác).

Về nguyên tắc, các tổ chức ủy thác vốn, đặc biệt các ngân hàng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ nguồn vốn của mình và phải có quy định, quy trình quản lý rủi ro, không nên lạm dụng các doanh nghiệp, tổ chức khác trong hoạt động của mình.

Nhằm làm minh bạch dòng lưu chuyển vốn này để hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước khác trong quản lý các định chế trung gian, trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật chứng khoán, UBCKNN đã hoàn thiện quy định về tổ chức hoạt động của các CTQLQ. Theo đó, khi quản lý nguồn vốn ủy thác từ các ngân hàng, CTQLQ có trách nhiệm yêu cầu ngân hàng trực tiếp đứng tên tài sản đầu tư.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Hà My
Sài gòn đầu tư tài chính

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên