MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm lực tài chính hiện tại của F&N “quá yếu” nếu muốn mua Vinamilk

Tổng tài sản của F&N hiện chỉ đạt hơn 2 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với giá trị của lượng cổ phiếu Vinamilk mà SCIC đang sở hữu. Tuy nhiên, F&N có một "người cha" rất giàu có và quan tâm sâu sắc tới việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Cách đây 2 năm, Fraser&Neave (F&N) là một thế lực đáng gờm trong khu vực Đông Nam Á với vốn hóa hơn 11 tỷ USD, hoạt động trải dài trên 4 lĩnh vực đồ uống, sữa, bất động sản và xuất bản. Tại Việt Nam, cứ mỗi 1 hộp sữa Vinamilk hay 1 chai bia Heineken được tiêu thụ đều gián tiếp mang lại lợi nhuận cho tập đoàn này.

Tỷ phú Thái “xé lẻ” F&N

Tổ chức hoạt động cũng như quy mô tài sản của F&N đã biến động rất lớn trong 2 năm qua với sự xuất hiện của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Tỷ phú này đã nhảy vào cuộc đua nắm quyền kiểm soát Asia Pacific Breweries Limited (APBL) – công ty sở hữu thương hiệu bia Tiger cũng như sản xuất và tiếp thị bia Heineken tại khu vực Đông Nam Á. Thông qua việc nắm cổ phần chi phối đối với F&N – lúc đó đang sở hữu 40% cổ phần của APBL – tỷ phú Sirivadhanabhakdi muốn tranh giành quyền kiểm soát APBL với tập đoàn Heineken.

Sau cuộc đua khốc liệt này, Heineken đã giành chiến thắng và F&N chấp nhận bán lại 40% cổ phần tại APBL cho Heineken với giá 4,1 tỷ USD. Không đạt được mục đích là thâu tóm APBL, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã quay sang thâu tóm luôn F&N. Thông qua 2 công ty thành viên là TCC Asset và ThaiBev, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã sở hữu 88% cổ phần của F&N.

 

F&N lãi đột biến trong năm tài chính 2013 nhờ bán phần vốn tại APBL
F&N lãi đột biến trong năm tài chính 2013 nhờ bán phần vốn tại APBL

 

Sau khi về tay tỷ phú Thái Lan, F&N đã có 2 đợt “chia tiền” cho cổ đông nhằm giảm vốn với tổng số tiền lên đến 5,3 tỷ dollar Singapore (gần 4 tỷ USD) – tương đương số tiền thu được từ bán phần vốn tại APBL. Động thái thu hồi vốn này cũng dễ hiểu khi mà tỷ phú Sirivadhanabhakdi đã huy động gần chục tỷ USD cho chiến dịch thâu tóm F&N trong thời gian trước.

Vào tháng 1/2014, tỷ phú Sirivadhanabhakdi đã tách mảng kinh doanh bất động sản của F&N thành một công ty mới mang tên Frasers Centrepoint Limited (FCL). F&N giữ lại mảng đồ uống, sữa và xuất bản.

Đợt chia tách này cũng như các đợt giảm vốn làm quy mô của F&N giảm đi khá nhiều khi mảng bất động sản luôn đóng góp chính vào lợi nhuận trong nhiều năm qua. Tính đến 30/6/2015, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của F&N đạt lần lượt là 2 tỷ và 1,5 tỷ USD; vốn hóa của công ty hiện cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Lượng tiền mặt đang có cũng chỉ hơn 200 triệu USD.

Với những con số này thì việc F&N tham gia mua lại 45% cổ phần của Vinamilk không mấy khả thi, trừ khi công ty phải huy động thêm 3-4 tỷ USD.

Thương vụ Berli Jucker (BJC) – một nhánh đầu tư khác của tỷ phú Sirivadhanabhakdi - chào mua Metro Việt Nam cũng ở trong tình huống tương tự khi mà giá trị của thương vụ vượt quá tổng tài sản của BJC. Việc các cổ đông nhỏ của BJC không đồng thuận cùng một số vướng mắc khác khiến cho thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất.

 


Quy mô tài sản của F&N giảm rất mạnh sau các đợt giảm vốn và tách mảng bất động sản. Tổng tài sản của công ty hiện chỉ còn 2,8 tỷ SGD, tương đương 2 tỷ USD.

Quy mô tài sản của F&N giảm rất mạnh sau các đợt giảm vốn và tách mảng bất động sản. Tổng tài sản của công ty hiện chỉ còn 2,8 tỷ SGD, tương đương 2 tỷ USD.

 

Vẫn là một ứng viên tiềm năng

Mặc dù F&N đã lên tiếng phủ nhận thông tin chào mua cổ phần của Vinamilk và tiềm lực hiện tại không đủ để thực hiện thương vụ trên nhưng F&N vẫn có thể sẽ là một ứng viên tiềm năng khi SCIC thoái vốn.

Tỷ phú Sirivadhanabhakdi luôn thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây và rõ ràng Vinamilk sẽ là khoản đầu tư mà tỷ phú này không thể không lưu tâm. Năm ngoái, ThaiBev cũng đã "ngỏ lời" trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco và chi thêm 100 triệu USD để gia tăng sở hữu tại Vinamilk.

Việc huy động 4 tỷ USD từ các công ty thành viên cũng như từ các ngân hàng đầu tư quốc tế đối với tỷ phú này không phải là việc quá khó khăn.

Những ứng viên tiềm năng khác sẽ tham gia đầu tư vào Vinamilk là các tập đoàn sữa đa quốc gia đang có sự hiện diện đáng kể tại thị trường Việt Nam như Nestle, Mead Johnson, Abbott hay Friesland Campina (Dutch Lady). Các công ty này đều đang có doanh số vài trăm triệu USD mỗi năm tại Việt Nam và việc chi ra 3-4 tỷ để mua cổ phần của Vinamilk chỉ là chuyện nhỏ.

Theo ý kiến chủ quan của người viết, việc Vinamilk “về với” F&N sẽ giúp thị trường sữa Việt Nam cân bằng hơn so với việc được các tập đoàn sữa đa quốc gia khác mua lại do sự hiện diện của F&N trên thị trường sữa Việt Nam gần như chưa có gì.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên