MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm đỉnh cao mới

Sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh từ 615 điểm xuống 595 điểm, VN Index đã phục hồi mạnh mẽ trong 2 phiên cuối tuần và đạt 611,3 điểm; HNX Index cũng có diễn biến tương tự, sau khi giảm từ 82 điểm xuống sát 80 điểm rồi tăng trở lại 81,57 điểm.

Tích lũy và phân hóa

Diễn biến trong 2 phiên 12 và 13-11 cho thấy 4 phiên điều chỉnh liên tiếp đóng vai trò tích lũy để tạo sức bật những đợt tăng mới của thị trường. Điều này được khẳng định trong phiên ngày 13-11, VN Index có vẻ yếu suốt buổi sáng khi chỉ tăng 1-2 điểm, nhưng về cuối phiên chiều chỉ số tăng mạnh để kết thúc phiên vượt lên trên ngưỡng kháng cự 610 điểm khá quan trọng. Thanh khoản của thị trường trong 2 phiên này cũng đã cải thiện đáng kể, GTGD khớp lệnh tại HOSE đạt hơn 2.200 tỷ đồng/phiên.

Phải chăng bên bán đã hành động mạnh mẽ hơn hay bên mua đã mạnh dạn giải ngân? Nhìn lại thanh khoản tại HOSE trong 4 phiên điều chỉnh từ 6 đến 11-11 chỉ đạt trung bình khoảng 1.700 tỷ đồng/phiên, nghĩa là bên bán khá thận trọng, nên bên mua không thể mua được nhiều. Vậy nên, thanh khoản tăng trong những phiên phục hồi có thể được lý giải do NĐT đã bớt thận trọng và mua vào mạnh hơn, có dòng tiền mới gia nhập thị trường hơn là việc bên bán tranh thủ đẩy hàng.

Nhiều khả năng nếu VN Index trụ vững trên mốc 610 điểm trong khoảng 2-3 phiên tới, dòng tiền gia nhập thị trường chắc chắn sẽ cải thiện và tiếp tục trở thành lực đẩy cho thị trường.

Trong khi đó, động lực cho thị trường vẫn là nhóm blue chip với các đầu tàu như VNM, FPT, BVH... Phiên 13-11, VNM tăng mạnh từ 132.000 đồng/CP lên 137.000 đồng/CP, còn phiên trước đó đã có lúc CP này giảm xuống 127.000 đồng/CP nhưng cuối phiên vẫn tăng 2 giá (2.000 đồng/CP).

Tuy nhiên, dòng tiền cũng đã mở rộng hơn cho nhiều CP khi lần lượt dịch chuyển sang nhóm ngân hàng như ACB, BID, MBB… hay một số CP có kết quả kinh doanh khả quan. Nếu dòng tiền tiếp tục phân hóa và lựa chọn CP để giải ngân, cơ hội sẽ xuất hiện nhiều hơn cho NĐT.

Tuần này, nhiều khả năng VN Index sẽ được thử thách tại mốc điểm ngay trong những phiên đầu tuần, nhưng khả năng vượt qua được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhóm CP đầu tàu như VNM, FPT dù vẫn đang có diễn biến tích cực, nhưng với xu hướng vừa tăng vừa tích lũy sẽ khó có chuyện tăng hết ngày này qua ngày khác trong thời gian dài. Chưa kể, cảVNM hay FPT đều đã hết room nên cuộc chơi chủ yếu là của NĐT nội, như vậy sự luân phiên cũng như đa dạng dòng tiền phần nào bị hạn chế.

Trong 3 phiên liên tiếp từ 11 đến 13-11, NĐTNN đã bán ròng tại HOSE tổng cộng 275 tỷ đồng. Thoạt nhìn con số này có vẻ khá lớn chỉ trong ngắn hạn, nhưng trong suốt cả tháng 10, khối ngoại đã mua ròng nhiều phiên nên việc bán ra trong vài phiên cũng không phải bất thường.

Nên nhìn nhận vấn đề theo hướng thị trường vẫn tăng dù khối ngoại bán ròng, nghĩa là dòng tiền của NĐT trong nước vẫn đang nắm thế chủ động. Mấu chốt ở đây là liệu dòng tiền có khả năng dịch chuyển sang những blue chip khác chưa tăng giá hay không? Hãy thử xem xét trường hợpVCB (cùng với VNM) là CP vốn hóa bậc nhất hiện nay nhưng thời gian qua lại có diễn biến khá lình xình.

Mới đầu tuần trước, CP này đã tăng thuyết phục trong phiên 9-11 từ 4.8 lên 4.9 nhưng sau đó lại giảm 4 phiên liên tiếp xuống dưới mốc 4.8 dù thị trường có những phiên tăng. Dù vậy, mức độ giảm không quá lớn của VCB lại mở ra kỳ vọng giá đang bị đè nén và có thể bật tăng trở lại vào thời điểm thích hợp; và trường hợp của VCB cũng có thể xuất hiện tương tự tại nhiều CP khác. Đây cũng là kỳ vọng có cơ sở khi khối ngoại bán ròng đã khiến giá nhiều CP trở về rẻ hơn và cũng là cơ hội để mua vào.

Thêm cơ hội

2 phiên đầu tuần có thể là thách thức đối với VN Index khi lượng hàng bắt đáy trong 2 ngày 11 và 12 về đến tài khoản và NĐT có thể bán ra. Nhưng khả năng NĐT có chốt lời hay không cũng cần xem xét kỹ, bởi lẽ với những blue chip tăng tốt dường như tín hiệu bán vẫn chưa xuất hiện, KLGD chưa tăng đột biến, trong khi giá lại vừa tăng vừa tích lũy.

Vì vậy, có khả năng phương án giữ CP cho lãi chạy được chọn lựa. Hơn nữa, với những CP khác đã được mua vào trong các phiên giảm điểm, mức độ tăng giá cũng chưa đáng kể để NĐT có thể chốt ngay vào ngày T+3.

Vả lại gom CP trong những phiên này cũng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nên khả năng chấp nhận mạo hiểm để chờ đợi thêm lợi nhuận sẽ xuất hiện. Như vậy, VN Index có thể sẽ không gặp khó khăn với đỉnh 615 điểm đã đạt được cách đây ít ngày. Dù vậy, khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích cực, thanh khoản tăng dần và ổn định thì việc xem xét dòng tiền đi theo xu hướng nào và CP nào có thể hút tiền xem ra quan trọng hơn.

Hiện tại, mới chỉ có 2 nhóm CP nổi bật đó là blue chip trụ cột và nhóm CP có KQKD khả quan, trong khi các nhóm còn lại từ ngân hàng, CK đến bất động sản vẫn chưa có một cú bứt phá nào. Một thách thức nho nhỏ ở đây là các công ty niêm yết đã công bố BCTC quý III-2015 gần hết, nghĩa là lực hỗ trợ có thể giảm dần trong khi thị trường chưa xuất hiện những thông tin bước ngoặt mới.

Tuy nhiên, có vẻ như trong đợt này, CP thường tăng sau khi có báo cáo hơn là kỳ vọng và chạy trước. Hơn nữa, giờ cũng đã là tháng 11 và ngoài những kỳ vọng quý III, kỳ vọng cho cả năm 2015 cũng như 2016 bắt đầu xuất hiện cũng góp phần nâng đỡ cho thị trường. Nhiều khả năng tuần này, VN Index sẽ thử thách và trụ lại tại vùng 615-620 điểm.

Theo Du Miên

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên