MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính đủ giá, cổ phiếu điện có lên hương?

Giá điện bán lẻ của EVN được điều chỉnh tăng nhiều lần qua các năm, nhưng các DN sản xuất điện cũng không được hưởng lợi gì từ quyết định tăng giá bán lẻ này.

Tại thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tập trung giải quyết 2 vấn đề quan trọng là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Theo đánh giá của Thủ tướng, trong các mặt hàng thiết yếu hiện nay thì xăng dầu đã có bước dài theo cơ chế thị trường; than, giấy không còn phải bù giá. Chỉ còn giá điện cần kiên quyết tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch đảm bảo giá bán không thấp hơn giá thành. Nếu việc xác định giá điện được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì đó thực sự là tin tức tốt lành, báo hiệu một năm kinh doanh hiệu quả của các DN sản xuất điện.

Chưa tăng giá vẫn lãi lớn

Năm 2013, KQKD cũng như diễn biến giá CP ngành điện cũng rất khả quan. Hiện ngành điện có hơn 20 CP, trong đó CTCP Nhiệt điện Phả Lại - PPC, CTCP thủy điện Vĩnh Sơn sông Hinh - VSH và CTCP Nhiệt điện Bà Rịa - BTP là 3 Cty đầu ngành, đại diện chiếm hơn 50% tổng tài sản của các DNNY. So sánh với giá đóng cửa cuối năm 2012 thì giá đóng cửa 2013 của PPC tăng 109%, BTP tăng 127% và VSH tăng 42%. Với mức tăng như vậy thì các CP điện là PPC và BTP lọt vào nhóm CP tăng trưởng mạnh nhất năm 2013.

Có nhiều lý do khiến CP điện hấp dẫn với NĐT nhưng chính yếu nhất vẫn là KQKD ấn tượng. Cụ thể, sau 6 tháng cả BTP và PPC đều đã vượt kế hoạch kinh doanh đặt ra từ đầu năm, trong đó PPC đạt doanh thu thuần hơn 3.600 tỉ đồng, tăng 66% với LNST 1.310 tỉ đồng, vượt kế hoạch 278 % còn BTP đạt doanh thu thuần 790 tỉ đồng, LNST 70 tỉ đồng vượt kế hoạch 31%. Nguyên nhân chính khiến PPC và BTP đạt LNST vượt kế hoạch là diễn biến thuận lợi về tỉ giá giúp Cty đánh giá lại chênh lệch vốn vay ngoại tệ theo thông tư 179.

Như PPC khoản chênh lệch khi đánh giá lại giúp Cty lãi 234,8 tỉ đồng còn BTP lãi 32,7 tỉ đồng. Còn VSH, sau 3 quý cũng có LNST tăng 41% so với cùng kỳ 2012, đạt 64 tỉ đồng. Sự đột biến không đến từ gia tăng sản lượng điện thương phẩm mà Cty được nhận khoản doanh thu phí thuế tài nguyên môi trường của 2 năm 2011-2012 từ EVN. Đây là khoản phí mà VSH đã nộp và hạch toán vào chi phí nhưng chưa được tính vào giá bán điện.

Kỳ vọng từ tính đủ giá thành

Đến thời điểm hiện tại, giá bán điện của các Cty sản xuất điện cho Cty mua điện của EVN vẫn đang được đàm phán, còn doanh thu của DN sản xuất điện được hạch toán ở mức giá cũ.

Như tại báo cáo 9 tháng, PPC cho biết hợp đồng mua bán điện với EVN vẫn chưa được ký kết mà tạm tính theo nghị quyết của HĐTV EVN phê duyệt phương án giá bán từ 2013 cho Cty. Ông Lã Thế Sơn – kế toán trưởng của PPC - cũng cho biết giá bán điện của PPC với EVN đang đàm phán là cố định từ 2013 – 2015.

Với BTP thì EVN thống nhất tạm tính giá định và các thông số tính giá theo giá điện 2012. Chính bởi cách tính giá điện để hạch toán như vậy mà lợi nhuận quý II/2013 của BTP giảm so với cùng kỳ 2012. Nếu không nhờ khoản lợi nhuận do đánh giá chênh lệch tỉ giá khoản vay ngoại tệ thì 6 tháng đầu năm 2013 BTP lãi giảm mạnh so với cùng kỳ. Thậm chí ở trường hợp của VSH vẫn tạm tính giá điện bằng 62% của giá năm 2009, tương đương 349 đồng/KWh.

Việc đàm phán giữa VSH và Cty mua điện của EVN vẫn chưa có hồi kết. Có thể nói, giá điện bán lẻ của EVN được điều chỉnh tăng nhiều lần qua các năm, nhưng các DN sản xuất điện cũng không được hưởng lợi gì từ quyết định tăng giá bán lẻ này.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý này dường như sẽ không còn nếu như thị trường điện được thực hiện như thông điệp của Thủ tướng là tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường. Khi đó những đợt tăng giá bán lẻ của EVN mới có thể làm tăng doanh thu của các nhà sản xuất điện như PPC, BTP và VSH. Như vậy, chắc chắn doanh thu của các nhà sản xuất điện sẽ còn tăng mạnh và khả năng gia tăng lợi nhuận là rất cao. Đây là những yếu tố cơ bản đảm bảo sức hấp dẫn của CP ngành điện.

Việc hạch toán đúng giá ngoài việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư dự án sản xuất điện còn là bước đi cần thiết trong lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể, hình thành thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); thị trường bán buôn cạnh tranh (2014-2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022) đảm bảo cho ngành điện còn không gian cho tăng trưởng trong dài hạn với sự tham gia của đầu tư tư nhân.

Bên cạnh lợi ích từ khả năng tăng doanh thu sau khi được hạch toán đủ giá sản xuất, diễn biến giá CP điện cũng còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường chung. Theo đó, nếu giá điện tăng đồng nghĩa với việc tăng giá đầu vào của các ngành khác, tăng nguy cơ lạm phát và điều này lại tác động xấu đến thị trường chung.

Có thể nói, CP điện thực sự hấp dẫn trong trung và dài hạn. Điều này đã được chứng minh với mức tăng mạnh của nhóm CP này trong năm 2013. Và dường như triển vọng năm 2014 đối với các CP này cũng rất sáng sủa nếu như quá trình tái cơ cấu ngành diễn ra theo đúng cam kết và tuyên bố Chính phủ.

Theo Thanh Sơn

phuongmai

Lao động

Trở lên trên