MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Khuyến nghị kiểu “one size fit all” chắc chắn không phù hợp mọi nhà đầu tư, đừng vội nghe!

Danh mục to hay bé, 30 triệu hay 30 tỷ đều có những thế mạnh riêng. Đừng nghĩ rằng danh mục của tôi nhỏ nên tôi không thể hoặc không cần phải đa dạng hóa danh mục, luôn có những cổ phiếu đặc biệt tốt nhưng các nhà đầu tư lớn hoặc tổ chức chỉ có thể đứng ngoài mà thèm khát.

Khuyến nghị theo kiểu “one size fit all” chắc chắn sẽ không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Khi nhận được bất cứ khuyến nghị nào, nhà đầu tư cần phải đặc biệt sáng suốt xem xét xem khuyến nghị đó có thực sự phù hợp với bản thân mình hay không.

Mời quý độc giả đọc tiếp bài chia sẻ kinh nghiệm TÔI ĐẦU TƯ của tác giả Lê Hải Yến và đừng quên gửi bài dự thi của bạn cho chúng tôi vào email huongnguyenthithanh@vccorp.vn /hainguyenduc@vccorp.vn


Phần 2: Khuyến nghị kiểu “one size fit all” chắc chắn không phù hợp mọi nhà đầu tư, đừng vội nghe!

Bài học số 1: Không có phương thuốc chỉ trị được bách bệnh, không có lời khuyên nào đúng cho tất cả mọi người.

Ở bên tây bên tàu, để tư vấn đầu tư chuyên nghiệp trước tiên nhà tư vấn phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc thù từng khách hàng cụ thể bao gồm yêu cầu với lợi nhuận, khả năng chịu đựng rủi ro và các hạn chế của nhà đầu tư (như hạn chế về thời gian, thanh khoản, thuế, luật pháp ….) để từ đó mới xây dựng lên danh mục đầu tư phù hợp cho từng nhà đầu tư. Có những nhà đầu tư sẽ thích hợp để đầu tư vào những cổ phiếu có độ rủi ro cao, đòi hỏi theo dõi sát sao thị trường có những người lại sẽ chỉ thích hợp với việc đầu tư những cổ phiếu an toàn.

Ở Việt Nam, tôi chẳng hiểu các tài khoản VIP thì thế nào chứ những nhà đầu tư nhỏ lẻ toàn nhận được các khuyến nghị theo kiểu “one size fit all” tức là những khuyến nghị hoàn toàn giống nhau cho tất cả mọi người chẳng cần biết đến đặc điểm của nhà đầu tư là gì.

Chính vì vậy khi nhận được bất cứ khuyến nghị nào, nhà đầu tư cần phải đặc biệt sáng suốt xem xét xem khuyến nghị đó có thực sự phù hợp với bản thân mình hay không.

Bài học số hai: Hãy suy nghĩ trên khía cạnh danh mục.

Chọn một cổ phiếu nóng đang có sức hấp dẫn trên thị trường mà không quan tâm đến danh mục bạn đang nắm giữ hiện tại chẳng khác nào bạn muốn cưới một cô gái xinh đẹp chân dài nhưng mà cô ấy lại chẳng hề hòa hợp với anh em, bố mẹ gia đình bạn.

Danh mục to hay bé, 30 triệu hay 30 tỷ đều có những thế mạnh riêng. Đừng nghĩ rằng danh mục của tôi nhỏ nên tôi không thể hoặc không cần phải đa dạng hóa danh mục, luôn có những cổ phiếu đặc biệt tốt nhưng các nhà đầu tư lớn hoặc tổ chức chỉ có thể đứng ngoài mà thèm khát bởi vì số lượng cổ phiếu có thể tự do giao dịch quá ít. Đó chính là vùng đất mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên hướng tới, là thế mạnh mà chỉ nhỏ lẻ mới có.

Một số bạn có thể băn khoăn rằng mình không biết cách nào để đánh giá mức độ rủi ro trong danh mục của mình. Tôi khuyên bạn nên sử dụng dịch vụ tư vấn của các công ty chứng khoán mà bạn cảm thấy tin tưởng. Việc kiểm định hiệu quả của dịch vụ tư vấn thực ra khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy danh mục được tư vấn và so sánh với kết quả của các chỉ số chính của thị trường là được. Bản thân tôi cũng đang xây dựng dự án về danh mục mô phỏng thị trường để sử dụng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nếu bạn thấy không tin tưởng hoặc không tiếp cận được tư vấn của các công ty chứng khoán hoặc là thấy chi phí bỏ ra là quá lớn so với danh mục đầu tư nhỏ bé của bạn thì có một cách khá đơn giản là sử dụng luôn danh mục công bố của các quỹ mở nước ngoài. Danh mục này thường chỉ cần điều chỉnh hàng quý, sẽ thích hợp cho những người chọn chứng khoán làm kênh đầu tư dài hạn.

Bài học thứ 3: Đừng đi theo đám đông nhưng cũng không nên đối chọi lại xu hướng.

Hãy tưởng tượng nếu bạn chạy theo sau một đàn bò tót, tôi đảm bảo bạn sẽ chỉ được hít bụi, ngược lại nếu bạn đứng lại trong khi một đàn bò tót đang chạy hùng hục về phía bạn thì bạn cũng sẽ bị húc cho trầy da trật vẩy. Thị trường chứng khoán cũng hành xử y như vậy

Trong phần một, sai lầm thứ nhất của tôi chính là đi theo đám đông (đầu tư theo tin đồn) mà sai lầm lớn thứ hai là đối chọi lại xu hướng chung (khi đầu tư giá trị). Đầu tư chứng khoán chính là nhất định phải luôn luôn bình tĩnh quan sát xu hướng nhưng xin đừng theo đuôi đám đông.

Bài học thứ 4: Khi thị trường muốn tin vào điều gì đó nó sẽ luôn luôn tìm được lý do để tin.

Tại sao khi bầu Kiên bị bắt hoặc sự kiện biển đông khiến thị trường (bất kể ngành nghề) giảm điểm suốt thời gian dài mà gần đây khi một loạt các quan chức ngân hàng bị bắt thì thị trường vẫn tăng điểm đầy phấn khích?

Theo quan điểm của tôi, bản chất “tin” nó không có tác động mạnh đến thế đến nền kinh tế cũng như bản chất (khả năng sinh lời) của các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là thời điểm nó xuất hiện. Khi thị trường đã đạt tới điểm quá bán thì các tin tốt sẽ không thể làm thị trường tăng thêm được nữa, thị trường cần một cái cớ để có thể bắt đầu xu hướng giảm điểm (tất yếu). Vì vậy chỉ cần có chút gió thổi cỏ lay thôi cũng có thể làm bầy khỉ nháo nhác. Một số sẽ không chịu được áp lực bắt đầu hoang mang bỏ chạy. Một số trường hợp rút khỏi thị trường này sẽ khiến cho tất cả nhà đầu tư cho là tín hiệu xác nhận xu hướng và hoảng loạn chạy theo. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi mà thị trường đang ở dưới đáy và cần một lý do để bật lên.

Kết hợp bài học thứ 3 và thứ 4 tôi hi vọng các bạn sẽ tìm được bản chất cũng cách ứng phó thích hợp trước mọi “tin khủng” của thị trường.

Bài học cuối: Đầu tư không phải đánh bạc, nhưng bạn cần học đầu tư như một chuyên gia.

Tôi từng hỏi một số người đã từng học hoặc đang làm các ngành tài chính, ngân hàng, những người có sự hiểu biết nhất định về đánh giá tình hình doanh nghiệp và hoàn toàn có khả năng trở thành những nhà đầu tư giỏi rằng họ có đang hoặc có muốn đầu tư chứng khoán không?

Rất nhiều người lắc đầu bảo rủi ro lắm hoặc thậm chí coi đây là trò đánh bạc. Đây thực sự là một sự hiểu lầm lớn. Ở nước ngoài phần lớn người dân đều có tham gia vào thị trường chứng khoán một cách trực tiếp (tự đầu tư) hoặc gián tiếp (thông qua các quỹ) thậm chí các quỹ hưu trí (pension) mà họ tham gia cũng có thể có một phần danh mục là đầu tư cổ phiếu.

Thứ nhất chứng khoán có rủi ro không? Chắc chắn là có nhưng không phải là quá lớn nếu như bạn có một danh mục đa dạng và có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về “sức khỏe” của từng công ty mà bạn đầu tư.

Chứng khoán cũng không phải đánh bạc, rút tiền của nhà đầu tư này đưa vào túi nhà đầu tư khác và tổng lợi ích của tất cả nhà đầu tư là bằng không. Chứng khoán hay ngân hàng đều là những kênh để doanh nghiệp huy động vốn và kênh huy động nào cũng cần trả phí đối với vay vốn là dưới dạng lãi suất mà đối với huy động vốn từ nhà đầu tư thì chính là cổ tức hoặc phần giá tăng thêm của cổ phiếu (do giá trị doanh nghiệp tăng). Nói cách khác nếu bỏ qua những biến động ngắn hạn thì đầu tư chứng khoán chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận đó còn cao hơn tỷ suất ngân hàng (điều này đã được chứng minh thông qua dữ liệu lịch sử của các thị trường lớn trên thế giới).

Điều này không có nghĩa là sẽ không có nhà đầu tư nào bị thua lỗ. Những nhà đầu tư thua lỗ phần lớn là những người tham gia cuộc chơi trong khi mà họ không nắm được luật chơi. Họ mua vào bán ra quá nhiều lần và mua bán quá nhiều loại cổ phiếu mà không thực sự tìm hiểu kỹ về giá trị các cổ phiếu họ đang đầu tư cũng như thường xuyên cập nhật thông tin. Một chiến lược tốt theo tôi là đầu tư hướng tới dài hạn (tối thiểu 1 năm), chỉ đầu tư một số lượng ít cổ phiếu giá trị và hạn chế tối đa số lần mua ra bán vào.

Tôi cho rằng bất cứ ai cũng có thể đầu tư chứng khoán thành công và “bất cứ ai” ở đây không loại trừ bạn. Vậy tại sao không thử bắt đầu từ hôm nay?

Lê Hải Yến

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên