MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: "Thiêu thân" lao vào tin đồn và con đường dẫn tôi đến đầu tư giá trị (Phần 1)

Tôi chợt nhận ra rằng kể cả với một chiến lược rất tốt thì muốn đánh bại thị trường chúng ta cũng cần phải sáng suốt lựa chọn thời điểm vào vốn cho thích hợp.

""Thiêu thân" lao vào tin đồn, ngậm quả đắng bởi những phen rũ hàng chuyên nghiệp của đội lái, tôi đã mất rất nhiều tiền. Trải qua dăm ba lần bị "úp sọt", tôi đã quyết định phải trở thành một nhà đầu tư có kiến thức"-đó là chia sẻ của nhà đầu tư, tác giả Lê Hải Yến trong bài viết dự thi TÔI ĐẦU TƯ do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.

Mời quý độc giả đón đọc bài chia sẻ của tác giả Lê Hải Yến và đừng quên gửi bài dự thi của bạn đến chúng tôi vào email Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / Hainguyenduc@vccorp.vn


Phần 1: "Thiêu thân" lao vào tin đồn và con đường dẫn tôi đến đầu tư giá trị

1.Tôi đầu tư theo tin đồn

Thủa ban đầu tập tễnh bước vào nghề đầu tư chứng khoán, tôi chưa có bất cứ kiến thức gì về đầu tư, chính là cái trạng thái mà người trong nghề ưu ái, thân mật gọi là…. “Gà”. Tôi thường lăn lê trên mấy forum, nghe người ta khuyên mấy lời rất bùi tai như mua con này sẽ ăn bằng lần, mua con kia sắp ra tin khủng. Tin đồn về cổ phiếu rất nhiều, công khai như trên các forum, hoặc kín đáo hơn như các “đội lái” tổ chức với nhau qua các kênh liên lạc online để “phím hàng”.Để mua được hàng “nóng” là phải đua lệnh, sẵn sàng chấp nhận lao theo giá trần miễn là mua vào ngay lập tức. Bởi vì khi các thông tin “mật” được công bố là lúc ưu thế của việc biết trước thông tin sẽ bị mất đi.

Thường mấy ngày sau khi mua giá của những cổ phiếu này sẽ tăng khá mạnh nhờ đám nhà đầu tư “gà” giống như tôi đang lao vào như thiêu thân. Sau đó giá các cổ phiếu tin đồn sẽ đuối dần thậm chí là rơi theo chiều thẳng đứng. Cũng có những lần “lên tàu” và “xuống tàu” kịp lúc, tôi cũng kiếm được một khoản lợi nho nhỏ. Nhưng cũng có khi tôi cứ ngồi ôm kỳ kì vọng giá đã tăng sẽ còn tăng nữa tăng mãi, cổ phiếu điều chỉnh rồi thì nó sẽ lại tăng tiếp giá cổ phiếu tin đồn có thể sẽ giảm kịch liệt. Điều này khiến tôi không kịp “cut loss” và bị lỗ nặng.

Nghĩ lại mới thấy làm nhà đầu tư nhỏ lẻ mà đầu tư theo tin đồn chính là dại dột. Với tư cách là một nhà đầu tư nghiệp dư, thông tin mà đến được tay tôi thì chẳng nhẽ những tổ chức lớn họ chưa biết để mà “ôm hàng”? Coi như có nguồn thông tin nội bộ của ông anh, bà thím nào đó đó mà các tổ chức chưa kịp biết đến đi, thì những người đã thông tin cho tôi nhẽ nào họ lại vô tư đến mức chưa mua đủ cổ phiếu đã thông báo cho người khác kiếm lời?

Chưa kể đến nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiệp dư thường không có thời gian để từng giờ từng khắc theo dõi màn hình, rất dễ trở thành nạn nhân trong những cú rũ hàng chuyên nghiệp của đội lái. Trải qua dăm ba lần bị “úp sọt” và lỗ nặng từ chiến lược đầu tư theo tin đồn tôi quyết định: phải trở thành nhà đầu tư có kiến thức.

2.Tôi đầu tư theo phân tích kỹ thuật

Sau khi từ bỏ chiến lược chạy theo tin đồn, tôi quyết định học đầu tư theo phân tích kỹ thuật. Thú thực đến giờ tôi cũng chưa thể tự nhận mình là chuyên gia trong lĩnh vực này, những gì tôi kể ra đây cũng hơi ngại khiến cho những người trong nghề cảm thấy ngây ngô buồn cười.

Đầu tư kỹ thuật theo tôi đánh giá nôm na là đưa ra quyết định đầu tư và dự báo giá cổ phiếu trong tương lai thông qua biến động giá và khối lượng cổ phiếu mua bán trong quá khứ. Từ phân tích giá cổ phiếu trong quá khứ người ta đưa ra các mô hình tín hiệu giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua hay bán bán. Dấu hiệu này có thể là giá cắt các đường đặc biệt (bollinger, fibonacci…) hoặc là biểu đồ giá tạo thành các mẫu hình (mô hình cây búa, mô hình vai đầu vai, mô hình sao mai…)

Tuy nhiên việc đưa ra quyết định phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ như khối lượng giao dịch có lớn hay không, nếu như giá tăng mà khối lượng giao dịch lớn thì đó là dấu hiệu cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng giá, nhưng nếu giá tăng mà khối lượng yếu thì lại có thể là dấu hiệu cổ phiếu sắp đảo chiều sang giảm giá. Mà thế nào được coi là lớn lại là một câu hỏi khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. Tôi nghĩ để đạt đến được trình độ thuần thục trong lĩnh vực phân tích kỹ thuật này ai cũng sẽ phải bỏ ra không ít thời gian và cả tiền bạc cho những sai lầm.

Cứ coi như là mình đã trở thành một chuyên gia phân tích kỹ thuật đi, với những tình huống mà tôi xác định được đã chắc chắn đến 99% đôi khi kết quả vẫn là trật lất. Tôi thấy không ít nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng phải thốt lên rằng thị trường chứng khoán Việt chẳng hoạt động theo bất cứ quy luật nào cả. Tôi nghĩ thực ra chẳng cần phải ngạc nhiên về điều đó. Bởi lẽ rất nhiều người quên mất rằng toàn bộ phân tích kỹ thuật, các dấu hiệu, các chỉ số mà mà mọi người đang sử dụng theo phần lớn là các tài liệu nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các thị trường chứng khoán quốc tế. Mà cái “ao chứng” quê ta nó lại không hoạt động như vậy, kết quả các chỉ số và mối quan hệ giữa các thông tin khi chạy trên dữ liệu của thị trường Việt Nam thì không biết đã có được ai nghiên cứu kiểm định lại hay chưa nhưng lại được rất nhiều người hăm hở áp dụng.

3.Tôi chuyển sang đầu tư giá trị

Thất bại trong đầu tư theo phân tích kỹ thuật do không có thời gian bám sát thị trường tôi quyết định chuyển sang đầu tư giá trị.

Đầu tư giá trị có vẻ là một hình thức thích hợp với những nhà đầu tư nghiệp dư, không có thời gian thường xuyên theo dõi biến động thị trường như tôi. Đầu tiên tôi sẽ lựa chọn những ngành nghề đang có tiềm năng phát triển sau đó lựa chọn những công ty hàng đầu trong lĩnh vực đó (thông thường là các blue chip) với tình hình tài chính minh bạch ổn định để đầu tư. Danh mục đầu tư này sẽ được duy trì ổn định trong thời gian dài, tôi hạn chế tối đa việc giao dịch mua bán cổ phiếu ngắn hạn.

Sau hai năm khá thành công khi sử dụng chiến lược này với tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%. Đây chắc chắn là một tỷ suất lợi nhuận tôi thấy đã đủ để hài lòng cho một danh mục được đa dạng hóa, rủi ro thấp và ít đòi hỏi việc theo dõi giá cả thị trường. Nhất là khi đem nó so sánh với tỷ lệ lãi suất ngân hàng mấy năm gần đây chỉ từ 5% - 9%. Tuy nhiên chắc là vì ông trời không hài lòng lắm với sự thành công quá sức dễ dàng của tôi, năm nay tôi đã mắc những sai lầm trong việc xác định chiến lược và lựa chọn cổ phiếu cũng như thời điểm bắt đầu đầu tư.

Tôi chợt nhận ra rằng kể cả với một chiến lược rất tốt thì muốn đánh bại thị trường chúng ta cũng cần phải sáng suốt lựa chọn thời điểm vào vốn cho thích hợp. Tôi bắt đầu mua danh mục đầu tư cho năm nay là lúc thị trường đang ở ngưỡng VnIndex trên 600 vì vậy cho dù lựa chọn nhiều cổ phiếu tốt xét ra cả năm đầu tư của tôi gần như chưa hề mang lại lợi nhuận. Chiến lược đầu tư giá trị cũng sẽ chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu như được kết hợp với những yếu tố khác.

Trên đây là những thất bại mà tôi đã phải tốn không ít công sức và tiền bạc mới có thể nghiệm ra. Các bạn có thể đang hoang mang tự hỏi nếu như chiến lược đầu tư nào cũng gặp toàn thất bại thì rốt cuộc làm thế nào mới có thể mang lại thành công? Tôi xin được trình bày một số kinh nghiệm mà tôi đã đúc rút được ra trong quá trình đầu tư trong phần hai.

Mời quý độc giả đón đọc phần 2 vào hồi 16h hôm nay.

Lê Hải Yến

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên