MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Tôi xin lỗi vì làm giá cổ phiếu (Phần 1+2+3)

Tôi viết bài viết này ngoài việc thể hiện “Tôi Đầu Tư” còn có phần quan trọng nhất muốn gửi đến các nhà đầu tư. Cuộc đời có thể trải qua nhiều trạng thái, nhiều lỗi lầm, nhất là làm giá chứng khoán, lôi kéo đầu tư... Dù sao cũng đã trải qua và thật lòng rất ân hận.

Tiếp theo chương 1 “Tôi đã biến 15 triệu đồng thành 2,5 triệu USD như thế nào?” và chương 2 “7 bài học NHẤT THIẾT phải rút ra”, nhà đầu tư Võ Văn Trường tiếp tục chia sẻ cho độc giả CafeF về quãng đời đầu tư 15 năm + kinh nghiệm của anh.

Chương 3 “Làn sóng làm giá cổ phiếu và SAI LẦM lớn nhất trong đời đầu tư của tôi” được chúng tôi chia sẻ cho bạn đọc trong bài viết này. Bài viết được chia làm 3 phần, đăng vào 8h, 10h, 15h hôm nay.


Phần 3: Tôi xin lỗi

Nhân đây tôi cũng gửi lời xin lỗi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tôi xin lỗi tất cả mọi người vì đây là sai lầm trong đời của tôi. Dù làm giá có thu lãi được nhưng đó là một hình ảnh xấu về quan niệm đầu tư, tôi rất ân hận vì điều đó và sau này không bao giờ làm điều đó, hoặc tương tự như vậy nữa.

Tiềm lực nhóm chúng tôi có nguồn vốn đến 200 tỷ đồng, vì vậy khi phát hiện nhóm nào làm giá thì chúng tôi luôn theo sát âm thầm mua một lượng cổ phiếu. Sau đó lợi dụng họ chất đống và giá lên cao chúng tôi bán dứt khoát và thu lãi mà không quay lại dù nó cuốn hút cỡ nào.

Trong thị trường có nhiều cảm xúc và thay đổi vì thị trường chứng khoán chúng ta non trẻ và mới hình thành. Nhóm chúng tôi có thể góp phần làm cho một số nhà đầu tư mất mát, tôi cũng nhận thấy hoạt động này sẽ chẳng lợi lộc gì. Vì quan niệm đầu tư thay đổi, tôi nhận thấy nguy cơ với bản thân mình.

Với trạng thái cá nhân có quá nhiều cảm xúc trong đời của một nhà đầu tư, những hành vi quan niệm đã làm tôi suy nghĩ nhiều và cuối cùng tôi quyết định sẽ không đầu tư cá nhân nữa.

Vậy là, sau năm 2010 tôi quyết định giải nghệ đầu tư cá nhân sau khi thu về 45 tỷ từ 1,5 tỷ ban đầu 2009. Sau này nhiều công ty mời tôi về làm việc tôi cũng không làm, quyết ở trên núi và không tái xuất nữa dù tôi chỉ là nhỏ bé trong số đó.

Tôi viết bài viết này ngoài việc thể hiện “Tôi Đầu Tư” còn có phần quan trọng nhất muốn gửi đến các nhà đầu tư. Cuộc đời có thể trải qua nhiều trạng thái, nhiều lỗi lầm, nhất là làm giá chứng khoán, lôi kéo đầu tư... Dù sao cũng đã trải qua và thật lòng rất ân hận. Sức ép đó đã dẫn tôi đến quyết định từ giã đầu tư cá nhân.

Và tôi cũng rất cảm ơn UBCKNN vì phạt tôi 500 triệu đồng, làm cho tôi tỉnh giấc 2010.


Kính mời quý độc giả đón đọc chuỗi Bài dự thi TÔI ĐẦU TƯ vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần vào 8h và đừng quên gửi bài dự thi đến chúng tôi. 

Chương 4 trong bài dự thi chia sẻ của anh Võ Văn Trường sẽ được chúng tôi đăng tải vào 8h ngày 24/6/2015.


Phần 2: Tôi cũng sai lầm vì làm giá cổ phiếu

Các đội lái sau này cũng không có đội nào thành công, đa số tiền nóng kiếm được lại tiếp tục làm giá. Cuối cùng xuất hiện từ lóng cho đội lái “Ngồi ngọn tre huýt sáo” mà không biết làm sao xuống được.

Rồi, đến thời kỳ công ty chứng khoán chết theo đội lái. Một thị trường quá nhỏ bé mà có hơn 100 công ty chứng khoán. Vì vậy, để lôi kéo nhà đầu tư họ đưa ra mức cho vay đến 90%. Thật tôi cũng không thể tin được! Trong khi luật quy định là không được phép cho vay chứng khoán.

Nhà đầu tư muốn làm giá thì quá đơn giản.

Ví dụ có 1 tỷ đồng vay 9 tỷ, giá cổ phiếu tăng 100% có nghĩa họ có 11 tỷ lại được vay 90 tỷ nữa, họ có 100 tỷ rồi làm giá quá đơn giản. Cứ như vậy mở rộng, tất nhiên nhà đầu tư muốn làm giá phải hình thành nhóm tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng 100% nữa thì họ có thể vay đến 70% ở các công ty khác thì cũng vay được thêm 300 tỷ nữa...đó là lý do tại sao PVA tăng 20 lần thì cũng dễ hiểu tiền ở đâu ra làm giá!.

Cuối cùng giá giảm ngân hàng chịu trận, công ty chứng khoán chịu trận, nhà đầu tư thì mất trắng, nợ ngược lại công ty chứng khoán, Ngân hàng.

Nhưng, CTCK, ngân hàng không đòi được nợ này do luật cấm và tài sản thế chấp chính là cổ phiếu đó. Như vậy là công ty chứng khoán, ngân hàng mất hàng nghìn tỷ đồng.

Lúc này, tôi đã liên tục kêu gọi nhà đầu tư chuyển tài khoản sang các công ty chứng khoán lớn để đảm bảo an toàn tài khoản.

Tôi lại kể cho các bạn nghe chuyện của Bạn tôi. Là một câu chuyện có thật đến hoang đường.

1 tỷ đồng lấy công ty. Nghe có vẻ đơn giản nhưng có thực ở 2010! Bạn tôi đã mua một loại cổ phiếu (xin dấu tên) với mức vay 80%. Bạn tôi mua dần. Nội bộ thì bán ra. Giá càng lên thì vay càng nhiều. Lượng cổ phiếu lưu hành thì ít dần. Cuối cùng bạn tôi mua đến 90% công ty đó trên rất nhiều tài khoản. Sau khi chấn chỉnh lại, giá cổ phiếu đó giảm còn lại đống nợ. Công ty chứng khoán thì không thể thu hồi đành giao công ty đó cho anh ấy quản lý và lời hứa điều hành công ty để trả nợ dần. Sản phẩm này đem đến cho bạn tôi món nợ 170 tỷ đồng. Cuối cùng không phải trả nợ ai hết, huề cả làng, công ty thì giao lại cho công ty chứng khoán.

Chính bản thân tôi cũng sai lầm vì làm giá. Lần đầu tiên trong cuộc đời, làm giá cuốn hút tôi và không cưỡng lại được. Tôi cũng làm giá cổ phiếu AMV với lượng mua vào 50% công ty. Sau khi mua hết cổ phiếu, tôi chất lượng mua mỗi ngày 2 đến 3 triệu cổ phiếu giá trần. Giá cổ phiếu tăng 250% thì tôi bán. Chỉ cần bán ra một phần thu lại vốn, số còn lại là tiền lời. Đặc biệt, tôi làm giá AMV mà không vay một đồng nào. Sau phi vụ đó tôi lãi 6 tỷ đồng.

Và, tôi là người đầu tiên bị phạt lớn nhất trên TTCK với 2 tài khoản 500 triệu đồng.


Kính mời Độc giả đọc tiếp phần 3 "Tôi xin lỗi" vào hồi 15h và ĐỪNG QUÊN GỬI BÀI DỰ THI TÔI ĐẦU TƯ cho chúng tôi.


Phần 1: Làn sóng làm giá cổ phiếu đã cuốn hút tôi thế nào?

Kinh tế Việt Nam suy thoái nghiêm trọng hơn vào 2009. Hậu quả của nó đến từ bong bóng tài sản, tăng trưởng tín dụng quá nóng, lãi suất quá cao đã bắt đầu ngấm sâu vào cộng đồng doanh nghiệp. Cùng lúc đó kinh tế thế giới cũng suy thoái, có thể gọi kinh tế VN lúc bấy giờ là suy thoái kép.

Chính phủ đã đưa ra một gói kích thích kinh tế tổng thể bao gồm hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD); vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng; và các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.

Điều mà tất cả nhà đầu tư trên thị trường xót xa nhận thấy là TTCK 2009 đã về lại những năm 2004 với VnIndex xoay quanh 240 điểm, xóa hết thành quả mà 5 năm đạt được.

Tôi đã dồn lực quay trở lại mặc dù trước đó vẫn có một ít đang đầu tư.

Vẫn là các cổ phiếu cơ bản như REE, SSI, NTL, SJS… Nhận thấy gói kích thích kinh tế lớn, tôi đã sử dụng thêm margin. Vì điều kiện thuận lợi cho phép tôi đã đầu tư khởi điểm 1,5 tỷ đồng.

Thị trường đã tăng suốt giai đoạn này là 173% về chỉ số. Đến tháng 6/2009, tôi bắt đầu thành lập công ty đầu tư với số vốn 2 tỷ đồng và giảm dần dầu tư cá nhân.

Lần đầu tiên trong lịch sử số lượng nhà đầu tư đông đảo, thị trường bắt đầu lớn hẳn. Cũng lần lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp đua nhau niêm yết mạnh mẽ từ 2009-2010 trở đi. Năm 2009 mang nhiều dấu ấn thị trường phục hồi từ đáy, nguồn tiền cho sự phục hồi này có sự đóng góp lớn từ vay được hỗ trợ lãi suất.

Với kinh nghiệm có được nhiều năm, trước khi thị trường chứng koán thành lập tôi đã có hai năm 2009, 2010 đi truyền bá kiến thức về đầu tư khắp nơi từ Sài Gòn cho đến Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tôi cũng đã phát đi tín hiệu phân phối đỉnh của tuần 18-22/08/2009 (phiên 22/08 giá trị gần 4.000 tỷ) vào buổi triệu tập hơn 200 nhà đầu tư vào ngày 23/09/2009. Sau đó thị trường đã giảm về lại vùng 440 điểm (thị trường giảm 30%). Tôi cũng được nhiều nhà đầu tư làm bạn, chia sẻ từ đây. Cứ mỗi cuối tuần tôi thường có các buổi nói chuyện về đầu tư với các nhà đầu tư.

Cuối 2009 bắt đầu quá trình làm giá chứng khoán nở rộ, điển hình có thể kế đến là PVA. Không biết từ đâu hoạt động làm giá hình thành và phổ biến khắp các mã chứng khoán. Nổi trội nhất có thể kể đến là Lê Văn Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông) để điều tra hành vi thao túng giá chứng khoán. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán phải tù tội vì hành vi làm giá.

Chủ công ty, cổ đông lớn thì muốn nếu có đội làm giá họ sẽ bán giá cao họ có lợi, họ chỉ việc cung cấp thông tin. Nhóm làm giá (đội lái) thì có tiềm lực tài chính, có khả năng lôi kéo nhà đầu tư. Nhà đầu tư thì thấy hào quang tăng giá quá hấp dẫn. Có nhiều công ty lãnh đạo bán ra không còn cổ phiếu nào và giao lại cho nhà đầu tư. Luật đội lái ra đời, các nhà đầu tư muốn theo họ sẽ chỉ định mua bán, tiền lãi thu được sẽ phải chia cho đội lái thường là 15%.


Kính mời Độc giả đọc tiếp phần 2 "Tôi cũng sai lầm vì làm giá cổ phiếu" vào hồi 10h và ĐỪNG QUÊN GỬI BÀI DỰ THI TÔI ĐẦU TƯ cho chúng tôi.


Võ Văn Trường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên