MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc IVS: Bán khống tồn tại vì CTCK muốn đáp ứng nhu cầu của NĐT

Các CTCK là người sát sườn với nhà đầu tư nhất nên họ hiểu NĐT cần gì và mong muốn gì, vì thế đã có khá nhiều các sản phẩm được các CTCK tạo ra nhằm đáp ứng yêu cầu này.

Các CTCK đang gặp mâu thuẫn khi vừa phải thực hiện các quy định của UBCK nhưng vẫn phải có các sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách hàng, nhiều CTCK hiện nay dùng chiêu trò như bán khống hay cho vay margin vượt kiểm soát để tăng thị phần khiến cuộc chơi không công bằng.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS).

Ông Đoàn Ngọc Hoàn:

“Trước hết tôi phải nói rằng, các sản phẩm cho thị trường hiện vẫn rất nghèo nàn, vẫn là mua bán cổ phiếu, trái phiếu với các giao dịch đơn giản, sơ khai cho dù đã hơn 10 năm phát triển.

Trong khi đó, các CTCK là người sát sườn với nhà đầu tư (NĐT) nhất nên họ hiểu NĐT cần gì và mong muốn gì, vì thế đã có khá nhiều các sản phẩm được các CTCK tạo ra nhằm đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên nếu căn cứ trên luật và các quy định pháp luật thì hầu như các sản phầm này đều chưa được phép.

Còn về bán khống và margin, tôi cho rằng là cần thiết, bởi tính thực tiễn của nó. Hơn nữa đây chỉ là hai trong rất nhiều sản phẩm phái sinh cần phải có đối với bất cứ một thị trường chứng khoán nào.

Cũng không phủ nhận rằng, triển khai được cả hai sản phẩm này đã góp phần rất lớn đến thành công của một số CTCK. Tuy nhiên tôi cũng phải nhắc lại rằng, bất cứ một sản phẩm nào cũng đều hàm chứa rủi ro.

Chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều các CTCK đang ôm lại rất nhiều khoản nợ mà không đâu khác chính là từ các sản phẩm này. Hệ thống luật pháp không cho phép khiến việc xử lý trở nên khó khăn và mang nhiều xung đột.

Trong hai sản phẩm này thì BTC đã cho phép các CTCK được triển khai sản phẩm ký quỹ theo tinh thần Thông tư 74/TT-BTC. Đây là nút gỡ cho các Công ty có thể áp dụng triển khai trên cơ sở đánh giá rủi ro về thị trường. Các công ty cũng phải nâng cao trách nhiệm và hệ thống quản lý rủi ro nhằm tránh các xung đột không đáng có.

Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, UBCK nên cho phép các Công ty chứng khoán triển khai cả dịch vụ bán khống. Tuy nhiên với nghiệp vụ này, UBCK cần có những quy chế rõ trong từng thời điểm. Khi thị trường CK có dấu hiệu bất ổn thì UBCK cần có biện pháp hạn chế hoặc cấm trong một thời hạn xác định nhằm tránh sự bán tháo mạnh mẽ, điều mà rất nhiều các quốc gia khác vẫn áp dụng.

Thương trường là chiến trường, các công ty CK cũng cần phải tìm cách để vươn lên và phát triển. Các công ty cần phải hài hòa được lợi ích đôi bên, minh bạch và quản trị tốt vẫn sẽ mang lại niềm tin cho NĐT. Đây là giá trị cốt lõi mà các Công ty cần hướng tới trong giai đoạn khó khăn này”.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên