MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc SHS: Năm 2013 có nhiều cơ hội lướt sóng

Trong năm 2013 SHS thoái dần vốn tại các công ty ít có tiềm năng, dùng số tiền thoái vốn được cộng với bố trí thêm vốn ngắn hạn khác để tranh thủ sóng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội mới xuất hiện trong top 10 môi giới chứng khoán tại sàn Hà Nội - đứng thứ 9 sàn Hà Nội (3,61%). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Lợi, Tổng giám đốc công ty về định hướng của SHS trong thời gian tới.

Thưa ông, SHS bất ngờ gia tăng thị phần trong quý I/2013, xin hỏi SHS đã có những biện pháp gì để gia tăng thị phần như vậy?

Ông Hoàng Đình Lợi: Khách hàng luôn là trung tâm cho mọi quyết định và hành động của chúng tôi. Thời gian vừa qua chúng tôi đã đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp về tài chính, nhân sự và công nghệ. Về tài chính, chúng tôi cố gắng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cung cấp cho nhà đầu tư.

Về nhân sự, SHS xây dựng và cải tiến cơ chế khoán lương và thưởng theo doanh số, chúng tôi chỉ chi một khoản lương cố định ở mức có thể giúp CBNV trang trải chi phí cơ bản và tính lương kinh doanh theo hình thức lũy tiến theo kết quả đạt được, tức là nếu anh có doanh số càng cao thì thu nhập của anh đạt được sẽ càng cao. Ngoài ra SHS cũng chú trọng phát triển công nghệ, đẩy mạnh hợp tác với đối tác nước ngoài.

Năm 2013 các giải pháp trên vẫn được chú trọng, SHS tiếp tục phối hợp với một số ngân hàng, trong đó SHB là trọng tâm, để cung cấp sản phẩm tài chính hỗ trợ cho NĐT vay.

Trong bài phát biểu của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT của công ty tại cuộc họp ĐHCĐ 2013 vừa qua, ông Hiển mong muốn SHS nằm trong top 5 thị phần môi giới, ông có cảm thấy áp lực trước yêu cầu này của Chủ tịch công ty?

Mục tiêu top 5 cũng là đích Ban điều hành hướng đến, nhưng khi đề ra các chỉ tiêu chúng tôi muốn đặt mục tiêu có tính khả thi . Chúng tôi tin rằng có thể trong năm nay nếu làm tốt các giải pháp đã đề ra thì SHS hoàn toàn có thể đứng trong top 5 trên sàn Hà Nội..

HĐQT không ép ban điều hành về việc “phải” lọt vào top 5 mà đó là định hướng để phấn đấu. Theo quan điểm của tôi, rút kinh nghiệm từ các công ty khác và ngay cả từ chính SHS là tiến vững từng bước một, giữ vững vị trí mình đạt được sau đó ngày càng tiến lên, tăng trưởng chứ không “làm nóng” trong việc tranh giành thị phần.

Việc xử lý nợ xấu đang là vấn đề nhức nhối ở các CTCK khi các công ty này cho vay margin vượt kiểm soát, trong báo cáo tài chính của SHS có 300 tỷ nợ khó đòi, ông đánh giá về con số này như thế nào?

Nợ khó đòi của SHS hầu hết đều là các khoản nợ phát sinh từ trước khi Thông tư về cho vay ký quỹ chứng khoán chính thức ban hành và được áp dụng từ tháng 8/2011.

Trong suốt một thời gian, các CTCK đã phải đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính có độ rủi ro cao để thu hút khách hàng mà chủ yếu là sản phẩm hợp tác đầu tư với khách hàng, trong khi các chính sách quản trị rủi ro chưa được đồng bộ và chưa đuợc tốt.

Không chỉ SHS mà nhiều CTCK khác đã cho thấy sự “non kinh nghiệm” của mình và đôi khi đề ra các mục tiêu tham vọng quá cao trong khi việc quan tâm đến quản trị rủi ro thấp, không tương xứng. Cộng với kinh nghiệm về thị trường của các CTCK nhìn chung cũng chưa nhiều nên khi thị trường biến động quá nhanh sẽ bị sốc và phản ứng không được phù hợp, kịp thời.

Quan điểm của SHS xuyên suốt từ năm 2011 tới nay là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của NĐT trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, đảm bảo an toàn cho cả SHS và khách hàng. Trên quan điểm đó, SHS đã và đang thiết lập, củng cố hệ thống quản trị rủi ro với đội ngũ nhân sự, các quy trình chế để đảm bảo hạn chế tối đa việc phát sinh thêm các khoản nợ phải thu khó đòi.

Đối với khoản đã phát sinh thì sao thưa ông? Biện pháp nào để SHS xử lý số nợ khó đòi này?

Đối với khoản đã phát sinh chúng tôi sẽ tiếp tục nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng can thiệp như UBCK, các cơ quan công an, chính quyền địa phương và cả những giải pháp khác mà pháp luật cho phép để xử lý tài sản đảm bảo và yêu cầu nhà đầu tư hoàn trả lại các khoản tiền còn nợ SHS.

Hầu hết các khách nợ của SHS đều có các cam kết không chỉ dùng tài sản hiện có là các chứng khoán, tiền trên tài khoản mở tại SHS mà phải dùng tài sản khác mà họ có để trả nợ.

Trong các năm vừa qua thị trường quá xấu nên việc giải chấp xử lý tài sản còn nhiều khó khăn, xuất phát từ quyền lợi của cả SHS lẫn của khách hàng, có một số khoản nợ quá hạn nhưng chúng tôi chưa giải chấp vì nếu tài sản là cổ phiếu ở các DN tốt chúng tôi cho phép họ từng bước xử lý, chứ không bán ngay lập tức khi thị trường xấu mà lựa thời điểm để giải quyết khoản nợ xấu đó.

Trong kế hoạch năm 2013 SHS nhìn nhận có cơ hội tự doanh và chú trọng lướt sóng?

Tôi phải khẳng định là hai mảng kinh doanh chính SHS hướng đến năm 2013 là môi giới và cung cấp dịch vụ tài chính cho NĐT, chứ không phải chỉ tập trung vào tự doanh. Trong danh mục của SHS hiện tại quy mô vốn cho tự doanh vẫn còn khá lớn và đã có một số mã đầu tư trung và dài hạn.

Trong năm 2013 chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá lại các khoản vốn đầu tư và thoái dần vốn tại các công ty ít có tiềm năng, chuyển sang các mã có cơ bản và thanh khoản tốt, ngoài ra chúng tôi cũng dự kiến sẽ dùng số tiền thoái vốn được cộng với bố trí thêm vốn ngắn hạn khác để tranh thủ sóng.

Theo quan điểm của chúng tôi thị trường trong năm 2013 khó có thể tăng trưởng mạnh và bền vững ngay từ đầu năm, nhưng sẽ có những đợt sóng lớn và đó là cơ hội để đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Chúng tôi nhìn nhận những biến động này là cơ hội tốt để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cho năm tài chính 2013. Mặc dù vậy thì với quan điểm thận trọng, chúng tôi sẽ chỉ dành tỷ lệ vốn hợp lý cho tự doanh và chủ động cân đối vốn để không dồn tỷ trọng vốn quá lớn vào tự doanh.

Hiện tại các CTCK đang rút khỏi mảng môi giới rất nhiều, rất nhiều CTCK rơi rụng dần khỏi thị trường, tại sao SHS lại nhìn nhận đó là cơ hội của mình?

Thực tế xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà trước đó là ở cả các nước xung quanh khu vực, sau giai đoạn có sự ra đời ồ ạt của các CTCK thì sẽ có sự đào thải dần trong thời kỳ suy thoái kinh tế và tôi cho rằng quy luật này mang tính chất tất yếu.

Khi nhìn nhận, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và các cơ hội thì chúng tôi tự nhận thấy SHS đã, đang và sẽ vẫn là một trong các CTCK có tiềm lực tài chính mạnh. Đứng sau, hậu thuẫn cho SHS là nhiều cổ đông lớn như SHB, Tập đoàn T&T, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Cao su và nhiều đối tác khác...SHS đã và đang nhận được sự ủng hộ từ các cổ đông, đối tác này không chỉ về nguồn vốn, thương hiệu, công nghệ, quản trị,… mà cả về mạng lưới khách hàng.

Với những lợi thế của mình, chúng tôi tin tưởng rằng SHS sẽ vượt qua được mọi trở ngại khó khăn và Công ty sẽ tận dụng các cơ hội để gia tăng thị phần, tạo dựng và khảng định thương hiệu trên thương trường.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên