MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu chuyển đổi: NĐT nắm đằng lưỡi

SSI không thiệt thì rõ ràng vì chỉ cần mang 2.000 tỉ đồng này đi gửi ngân hàng trong năm 2010 với LS bình quân 12% thì SSI đã có lời.

Sau 1 năm ôm trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) với kỳ vọng lớn về khoản lợi nhuận thu lại từ “cổ phiếu đại gia" này, đến hôm qua, theo SSI, tất cả trái chủ đã đồng ý nhận lại tiền gốc do SSI hoàn trả.

Ai lợi?

Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi tính đến hôm qua, giá cổ phiếu (CP) SSI chỉ còn 23.600 đồng/CP, bằng 66% mức giá chuyển đổi dành cho trái chủ là 35.639 đồng. Như vậy, SSI sẽ trả lại cả gốc (2.000 tỉ đồng) lẫn lãi cho trái chủ kể từ ngày 28.3.

Cách đây 1 năm, SSI phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) với lãi suất (LS) 4%. Nhà đầu tư (NĐT) mua TPCĐ sau 1 năm sẽ được chuyển đổi toàn bộ số lượng TP thành CP với mức giá chuyển đổi bằng 85% giá thị trường tại thời điểm phát hành (được xác định là 85.000 đồng/CP).

Khối lượng tối thiểu một NĐT phải mua là 50.000 TP, tương ứng trị giá 50 tỉ đồng. Với số lượng đó nếu đổi ra thành CP với giá chuyển đổi đã công bố thì tương đương 1,4 triệu CP SSI. Tuy nhiên, nếu lấy 50 tỉ đồng đi mua CP SSI với giá trên sàn hiện nay thì sẽ được 2,11 triệu CP. Rõ ràng không có trái chủ nào lại đi chuyển đổi thành CP khi không có lợi cho mình.

Theo ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc SSI, đây là trường hợp xấu nhất xảy ra trong phương án phát hành TPCĐ, hiệu quả của phương án phát hành không cao như mong muốn. Thế nhưng ông Nam khẳng định: Với LS định kỳ 4%/năm khi phát hành TPCĐ, SSI cũng có lợi với số vốn thu về 2.000 tỉ đồng trong thời gian qua.

“Xét cho cùng các trái chủ cũng không bị thiệt vì vẫn có LS 4%. Nếu để số tiền đó mà mang đi đầu tư vào CP thì có khi sẽ thua lỗ khá nhiều”, ông Nam nói.


SSI không thiệt thì rõ ràng vì chỉ cần mang 2.000 tỉ đồng này đi gửi ngân hàng trong năm 2010 với LS bình quân 12% thì SSI đã có lời. Còn nếu coi đây là khoản vốn đi vay thì với LS trung bình của năm 2010 lên tới 15% - 16%, đây là khoản vay chi phí thấp mà bất kỳ DN nào cũng mong muốn có được.

Nhưng với các trái chủ thì khác, so sánh với LS tiết kiệm 12%, họ thiệt tới 8% khi hưởng mức 4%. Tất nhiên không loại trừ khả năng các trái chủ có thể đầu tư vào CP trên sàn chứng khoán và khả năng bị thua lỗ cũng lớn. Nhưng đó cũng chỉ là một phương án vì giả sử đem số tiền đó đầu tư vào vàng hay bất động sản thì lợi nhuận trong năm qua thu về được cũng lớn hơn rất nhiều lần LS của TP mà họ nhận được.

Rủi ro tiềm ẩn

Từ câu chuyện của SSI, vấn đề TPCĐ đang được NĐT đặt ra. Trong hai năm vừa qua hàng loạt DN đã thực hiện phương thức phát hành TPCĐ như một hình thức "bán bia kèm mồi" để dễ dàng huy động vốn.

Việc chuyển đổi TP thành CP sau một thời gian với mức giá cố định trước mang tính hai mặt. Bởi khi thị trường chứng khoán phát triển giá CP tăng mạnh thì việc chuyển đổi số TP thành CP sẽ mang lại cho trái chủ lợi nhuận khổng lồ. Đặc biệt việc phát hành TPCĐ với thời hạn trong ngắn như SSI càng tạo ra sức hấp dẫn cho người mua.

NĐT chỉ suy nghĩ đơn giản nếu giá CP giảm mạnh thì vẫn còn LS để "an ủi" dù khá thấp. Vì vậy đôi khi NĐT đã bỏ qua nội dung chính là DN huy động vốn để làm gì? Hiệu quả sử dụng vốn có tương ứng để đảm bảo EPS (thu nhập trên từng CP) không bị giảm hay không? Đó là chưa kể không ít DN lại mang vốn huy động được đi đầu tư ngược trở lại vào chứng khoán và dẫn đến thua lỗ... Ngoài ra khả năng hoàn trả vốn vay đó khi trái chủ không chuyển đổi sẽ thực hiện như thế nào?

Theo Th.S Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư ĐH Kinh tế TP.HCM, DN phát hành TPCĐ nhưng không có kế hoạch đầu tư dài hạn thì đến thời gian chuyển đổi có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các trái chủ. Trường hợp các DN đầu tư vào những tài sản có tính thanh khoản thấp như tài sản cố định, bất động sản… thì đến thời điểm đáo hạn dễ bị mất khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, nếu các DN sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động cũng sẽ làm giảm sút lòng tin nơi NĐT. Tốt nhất là các DN nên phát hành TPCĐ với thời hạn khoảng 3 năm và tỷ lệ chuyển đổi từ TP sang CP chia đều qua từng năm. Điều đó giúp cho DN không bị áp lực về nguồn vốn phải trả khi trái chủ không thực hiện quyền. Hoặc khi lượng CP được chuyển đổi đưa vào lưu hành thì áp lực về việc pha loãng CP cũng nhẹ hơn là chuyển đổi một lần.

“Bản thân NĐT khi mua TPCĐ phải tính toán kỹ đến khả năng giá CP vẫn ngày càng giảm mặc dù giá chuyển đổi đã được tính toán theo điều khoản chống pha loãng. Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải giám sát chặt chẽ việc công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán CP hay TP ra công chúng theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho các NĐT”, ông Lê Đạt Chí nói.

Theo Mai Phương
Thanh Niên

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên