MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trending search tháng 5: Vẫn còn nhiều sự đánh cược với cổ phiếu đầu cơ giá bèo

Sự quan tâm dành cho OGC vẫn chưa nguội, có thể là vì đã có một lượng lớn nhà đầu tư bị kẹt ở mức giá cao luôn ngóng tin doanh nghiệp, có thể là vì một lượng lớn người khác đang chờ tín hiệu nhảy vào mua, đánh cược với cổ phiếu giá bèo này.

Với sự đi lên của các chỉ số và thanh khoản thị trường chung trong tháng qua, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với những cổ phiếu “hot” trên thị trường cũng vọt lên, thể hiện ở số lượng lượt tìm kiếm tăng gấp đôi so với tháng trước. Đứng đầu danh sách vẫn là hai cổ phiếu rất nóng OGCFLC. So với tháng trước, có ba cổ phiếu đã ra khỏi danh sách top 10 tìm kiếm là PVD, ITQ, ITA. Những cái tên mới được thay thế là SSI, HPGVHG.

Top 10 cổ phiếu được quan tâm trong tháng 5 là OGC, FLC, HAG, HHS, CII, HAI, SSI, HPG, KLF, VHG.

OGC: Sự quan tâm dành cho OGC vẫn chưa nguội, có thể là vì đã có một lượng lớn nhà đầu tư bị kẹt ở mức giá cao luôn ngóng tin doanh nghiệp, có thể là vì một lượng lớn người khác đang chờ tín hiệu nhảy vào mua, đánh cược với cổ phiếu giá bèo này.

Trong tháng 5 vừa qua, OGC đã bị loại khỏi rổ chỉ số MSCI Frontiner Markets Small Cap. Và rốt cuộc, công ty cũng công bố ước tính việc kết quả kinh doanh ước giảm 971 tỷ đồng do Ocean Bank không còn là công ty liên kết khi bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Giá cổ phiếu OGC đã bị đẩy xuống mức thấp nhất 2.400 đồng vào ngày 25/05. Tuy nhiên OGC đang đi lên đầy khí thế với 4 phiên tăng điểm liên tiếp gần đây và đang đứng ở mức 2.800 đồng – chưa trở về mức giá đầu tháng 5 (3.800 đồng).  Trong tháng, cổ phiếu đã có sự đột biến thanh khoản vào ngày 11/05 với hơn 23,4 triệu đơn vị; ngày 20/05 với gần 13 triệu đơn vị và ngày cuối tháng 5 với gần 14,4 triệu đơn vị.

FLC:  Quý 1 vừa qua FLC lãi ròng 83,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu, ngày GDKHQ là ngày 27/05. Thông tin quan trọng cuối cùng là việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu, giao dịch trong tháng 6/2015. Liên tục các thông tin có tác dụng hỗ trợ đã giúp giá cổ phiếu FLC tăng khá tốt trong thời gian qua

HAG: Trong 1 năm qua, giá HAG liên tục đi xuống và đã rơi xuống mức thấp nhất 17.100 đồng ngày 18/05. Không những thế, thị trường xuất hiện rất nhiều ý kiến e ngại về dòng tiền của doanh nghiệp trước áp lực của những khoản trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn.

Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai ngay lập tức có phản ứng. Ngày 13/05, chủ tịch HAGL Đoàn  Nguyên Đức đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG. Ngày 31/05, công ty thông báo kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ ngày 10/06 – 09/07. Đồng thời, HAG phát ra thông báo khẳng định kế hoạch kinh doanh và dòng tiền của tập đoàn thừa khả năng trả các khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm. HAG cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển đổi và đáo hạn với các trái chủ.

HHS: Là cổ phiếu rất nóng thời gian qua với rất nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là lợi nhuận hợp nhất 4 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 246 tỷ dồng. Tiếp đó là việc Tập đoàn Hoàng Huy công bố hợp tác với hãng xe Mỹ - International (Navistar) để phân phối xe đầu kéo của hãng này tại thị trường Việt Nam.

Sự tăng trưởng của số lượng tiêu thụ xe ô tô tại Việt Nam tiếp tục làm điểm tựa cho sức nóng của cổ phiếu ô tô nói chung và HHS nói riêng.

Bên cạnh đó, các quỹ ngoại Mutual Fund Elite và The Ton Poh Thailand Fund liên tục mua vào nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại HHS lên. Giá cổ phiếu HHS miệt mài tăng, có lúc cao nhất lên 29.700 đồng/cổ phiếu.

CII: Giao dịch sôi động với thanh khoản khá cao, mỗi phiên tầm 5-7 triệu cổ phiếu.

Trước hết, CII nóng với việc lãi hợp nhất chỉ đạt 172 tỷ đồng quý 1/2015 – thấp hơn nhiều so với con số ước tính trước đó do áp dụng thông tư 202. Theo CII, khoản lãi 240 tỷ đồng từ việc thoái một phần vốn ở LGC là “lãi thật, tiền thật” và được ghi nhận vào chỉ tiêu LNST chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất.

Bên cạnh đó, CII thu hút sự quan tâm bởi giao dịch của các cổ đông lớn. Quỹ đầu tư Vietnam Debt Fund SPC đã đăng ký bán toàn bộ 1.296.234 cổ phiếu CII. Vinaphil vừa công bố thông tin đăng ký bán toàn bộ 22,3 triệu cổ phần CII mà công ty này nắm giữ, trước đó Vinaphil đã bán ra thành công 10 triệu cổ phần CII. Ở chiều ngược lại,  ông Lê Quốc Bình, tổng giám đốc CII đã liên tục đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu này. Trước đó, ông Bình vừa mua vào xong 1 triệu cổ. Từ 21/05, tỷ lệ room ngoại của CII bị giảm từ từ 42,68% xuống 37,83%.

Ngoài ra, CII cũng khiến nhiều nhà đầu tư để ý bởi một số giao dịch “kỳ lạ” như hủy lệnh mua đến hơn 7 triệu cổ phiếu trong phiên ATC ngày 27/05.

SSI: Liên tục được Deutsche Bank AG và London Branch mua vào 1,5 triệu cổ phiếu và 2,8 triệu cổ phiếu thời gian qua nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. SSI cũng vừa thông báo đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ trong thơi gian tới. Giá cổ phiếu SSI đã tăng mạnh thời gian qua từ mức thấp nhất 19.100 đồng lên 21.400 đồng.

VHG: Thay chân ITQ để làm gương mặt đầu cơ mới nóng trong danh sách này dù giá trong tháng không có biến động đáng kể.

Tuy nhiên, với kế hoạch chào bán 75 triệu cổ phần ra công chúng với giá 10.000 đồng/cp, có lẽ nhà đầu tư lại chờ đợi một cơn sóng mới ở VHG như những lần tăng vốn trước.

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên