MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng sáng cho cổ phiếu kho vận

Ngành kho vận ở Việt Nam được chia thành 3 phân khúc chính, gồm vận tải kho bãi, khai thác cảng và vận tải thủy. Cả 3 phân khúc này hiện tại đều đang nhận được khá nhiều yếu tố hỗ trợ trong việc phát triển.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Trước tiên, đó là việc kinh tế Việt Nam đang thoát đáy với tăng trưởng GDP năm 2014 cao hơn dự báo, là một tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực kho vận. Trong đó, các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến ngành như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) và sản lượng hàng hóa thông quan năm 2014 đều tăng ở mức hai con số, lần lượt là 12,8% và 13,5% so với năm 2013.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đang đem lại nhiều thuận lợi cho ngành kho vận

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đang đem lại nhiều thuận lợi cho ngành kho vận

Kế đến, việc ký kết các hiệp định như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan và TPP, cũng như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã hoặc sẽ được thực hiện trong năm nay sẽ thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Chính triển vọng ký kết các hiệp định thương mại nói trên cũng đang thu hút dòng vốn FDI đổ vào các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu.

Ví dụ điển hình là xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG và Nokia. Xu hướng này sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải và thuê kho bãi cũng như sản lượng hàng hóa thông qua cảng.

Năm 2015, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) dự báo sản lượng hàng hóa thông quan sẽ tiếp tục tăng trưởng 10%-12% so với 2014; trong đó, sản lượng container thông quan có thể tăng trưởng khoảng 13%. Theo Business Monitor International, sản lượng hàng hóa vận tải đường bộ cả năm 2015 dự kiến tăng trưởng khoảng 8,28%, tức là cao hơn hẳn mức 6,01% của năm 2014 góp phần cải thiện lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đang đem lại nhiều thuận lợi cho ngành kho vận. Có thể thấy, để thúc đẩy thương mại, gần đây Nhà nước quan tâm nhiều đến việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy thông qua việc xây dựng và hoàn thiện nhiều tuyến cao tốc (TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ), và tăng cường nạo vét luồng lạch ở các khu vực cảng lớn (luồng Soài Rạp, luồng tàu vào cảng Hải Phòng).

Song song với đó là việc khai trương một số tuyến vận tải ven biển (tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình - Đồng bằng Sông Cửu Long, tuyến Hải Phòng - Đà Nẵng). Việc đầu tư này sẽ giúp DN tiết giảm đáng kể chi phí bảo trì, thời gian, tăng lưu lượng vận chuyển và hạn chế ùn tắc ở cảng.

Chọn lọc doanh nghiệp

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành kho vận hiện có 16 mã niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, bao gồm CLL, DVP, GMD, GSP, HMH, MHC, PCT, PDN, PVT, SFI, TCL, TCO, VIP, VOS, VSC  và VTO. Trong số này, những DN thuần túy cung cấp các dịch vụ vận tải và kho bãi thường có những đặc điểm chung như lợi nhuận ổn định, tiềm lực tài chính tốt, khả năng thanh toán cao và nợ vay ít.

VDSC cho rằng những DN có khả năng mở rộng quy mô và năng lực kinh doanh là những DN nên được quan tâm trong năm 2015. Cụ thể là những DN có quỹ đất để tăng diện tích kho bãi, kế hoạch gia tăng năng lực đội xe hay xà lan hàng năm, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ cho khối DN FDI, khả năng ứng dụng công nghệ trong điều hành quản lý và cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng...

Trong hoạt động khai thác cảng, do tình trạng phân bổ nguồn cung cảng và phát triển hạ tầng giao thông liên kết không đồng đều nên đã tạo ra sự chênh lệch lớn về hiệu quả kinh doanh giữa các khu vực cảng trên cả nước.

Do đó, vị trí là điều kiện tiên quyết đảm bảo hiệu suất khai thác của các cảng. Nhà đầu tư nên quan tâm những cảng có vị trí gần các cụm công nghiệp, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, dịch vụ kho bãi, vận tải phát triển ở khu vực Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Đà Nẵng.

Đối với vận tải biển, có thể nói đây là lĩnh vực đang thoát đáy và được dự báo sẽ bước vào giai đoạn phục hồi nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như: nguồn cung tàu sẽ cân bằng hơn; sản lượng hàng vận chuyển bằng đường biển sẽ tăng trưởng tốt hơn; chính sách siết chặt tải trọng đường bộ giúp vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển trở nên tiết kiệm và hấp dẫn hơn; giá dầu duy trì ở mức thấp giúp DN cải thiện biên lợi nhuận và môi trường lãi suất thấp giúp các DN có dư nợ vay mua tàu cao giảm đáng kể chi phí tài chính...

Nhà đầu tư nên quan tâm đến những DN có đội tàu chạy tự khai thác, tuổi tàu trẻ, hiệu suất khai thác tàu cao, cấu trúc tài chính đòn bẩy lành mạnh và nguồn khách hàng ổn định.

Trí Tri

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên