MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 06/05: Rủi ro cao thì nên đứng ngoài

SHS khuyến nghị “Mặc dù có phiên Pullback khá tích cực, tuy vậy rủi ro giảm điểm vẫn chưa bị loại trừ trong ngắn hạn."

Sau cú sốc giảm điểm mạnh phiên trước đó, hai sàn bước vào phiên giao dịch hôm qua với tâm lý thận trọng. Tiếp tục giảm điểm đầu phiên, VNIndex lùi xuống mức thấp nhất 539 điểm trước khi hồi phục trở lại và bật tăng mạnh mẽ ở phiên chiều. Càng về cuối phiên, chỉ số và số cổ phiếu tăng điểm càng lớn. Chốt phiên, VNIndex tăng 7,57 điểm lên 552,65 điểm, tương ứng 1,39%. HNX tăng 0,29 điểm lên 80,23 điểm tương ứng 0,36%. Thanh khoản hai sàn tiếp tục được duy trì ở mức cao với hơn 116,7 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX và 40,9 triệu cổ trên HNX.

Khối ngoại hôm nay bán ròng 67,7 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó VIC bị bán ròng 213,3 tỷ đồng, khá trùng khớp với giao dịch thỏa thuận 4,78 triệu cổ phiếu VIC tương đương 244 tỷ đồng trong phiên. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng đồng loạt ở nhiều mã như CTG 26,6 tỷ; PVD 20 tỷ; SSI 15,6 tỷ; VCB 14 tỷ; KBC 10 tỷ; KDC 9,8 tỷ; BID 9 tỷ… Như vậy nếu bỏ qua giao dịch thỏa thuận của VIC thì phiên qua các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 150 tỷ đồng.

Sàn HNX tiếp tục được mua vào 7,17 tỷ đồng. Các mã được mua nhiều là PVS 2,36 tỷ; VCG 1,56 tỷ… các mã bi bán ra đều không đáng kể.

Với sự phục hồi này, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Tuy nhiên có thể thấy các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trước rủi ro giảm điểm vẫn đang hiện hữu của thị trường. VPBS cho rằng VN-Index có thể thoái lui sau khi kiểm tra đường kháng cự MA20 ngày mai. BSC đánh giá phiên phục hồi hôm nay chủ yếu mang tính kỹ thuật, khó duy trì được đà tăng và nhiều khả năng chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong xu hướng tăng nhẹ vào phiên tới.

SHS khuyến nghị “Mặc dù có phiên Pullback khá tích cực, tuy vậy rủi ro giảm điểm vẫn chưa bị loại trừ trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên tiếp tục tiến hành quan sát trạng thái dòng tiền trong các phiên tới, không nên tiến hành mua đuổi và có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên hồi phục với các danh mục có nhiều mã đầu cơ mang tính thị trường.”

Thị trường thực sự không rõ xu hướng và nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ quan điểm “rủi ro cao thì nên đứng ngoài”.

Cổ phiếu đáng chú ý

HHS: Tăng 700đ (3,6%) lên 19.900đ

Trong đà tăng điểm của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay, HHS là một trong những cổ phiếu thu hút sự chú ý nhất của nhà đầu tư khi thu hút dòng tiền khá mạnh từ thị trường. Với thanh khoản 5,18 triệu đơn vị, HHS là cổ phiếu giao dịch tốt thứ 4 trên HOSE.

Thông tin đáng chú ý nhất với HHS là việc kết quả kinh doanh tháng 4 được công bố. Theo đó, công ty mẹ Hoàng Huy ghi nhận 185,5 tỷ đồng doanh thu và 32,6 tỷ đồng LNST. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Hoàng Huy đạt được. Lũy kế 4 tháng, Hoàng Huy ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 1.123 tỷ đồng, LNST 246 tỷ đồng.

CII: kết quả kinh doanh quý 1 của CII mẹ khởi sắc với gần 296 tỷ đồng LNST, bằng 4,4 lần con số cùng kỳ 2014. EPS quý 1 của CII đạt 1.515 đồng/cổ phiếu.

Công ty cũng thông báo ông Lê Quốc Bình, tổng giám đốc, đã mua được 1 triệu cp CII đã đăng ký trước đó, nâng lượng nắm giữ từ 2.006.900 (tỷ lệ 1,028%) lên 3.006.900 cp (tỷ lệ 1,54%). Giao dịch kết thúc ngày 4/5/2015

BIC: Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa ký kết Hợp đồng Đặt mua Cổ phần với FairFax Asia Limited, một công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada.

Theo nội dung ký kết, FairFax sẽ mua 35% cổ phần phát hành mới của BIC, tương đương với 41.046.913 cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIC. Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong Quý 3/2015 và phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan quản lý tại Việt Nam.

PET: Quý 1/2015, lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 185 tỷ đồng tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong khi cùng kỳ hoạt động khác mang về khoản lãi 38,53 tỷ đồng thì kỳ này PET lại báo lỗ khác 8,11 tỷ đồng nên lãi ròng chỉ đạt 37,13 tỷ đồng giảm 24,45% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là gần 32 tỷ đồng tương đương EPS đạt 457 đồng.

FPT: Theo thông tin từ Công ty cổ phần FPT, ngày 27/4/2015, HĐQT công ty đã thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ngày chốt danh sách và chi trả dự kiến vào 1/6 và 12/6/2015. Ngoài ra, HĐQT FPT cũng thông qua phương án trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, ngày chốt danh sách cổ đông tiếp tục là 1/6/2015.

Lịch sự kiện

PCT: Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.000 đồng/CP

CEO: Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 800 đồng/CP

BTG: Trả cổ tức đợt 1/2014 bằng tiền, 1.500 đồng/CP

MEF: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 3.000 đồng/CP

TTG: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 700 đồng/CP

TJC: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 500 đồng/CP

CLL: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.200 đồng/CP

PCG: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 400 đồng/CP

SRF: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 700 đồng/CP

PHR: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 2.000 đồng/CP

CAN:  Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.500 đồng/CP

HIG:  Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 800 đồng/CP

DHT:  Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.000 đồng/CP

Tin kinh tế đáng chú ý

Việt Nam - Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick, đại diện cho Chính phủ hai nước đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).

Liên Bộ Công Thương Tài chính vừa có văn bản thông báo về việc điều chỉnh giá xăng dầu.

Từ 21h00 ngày 5/5, giá xăng tăng 1.950 đồng/lít; dầu diesel giữ nguyên giá bằng cách chi sử dụng quỹ bình ổn (mức chi 322 đồng/lít); dầu hỏa giảm 258 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên bằng cách sử dụng quỹ bình ổn 303 đồng/kg.

Hải Long

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên