MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 20/05: "Ngày hội" trả cổ tức, VFR đột biến trước ngày SCIC thoái vốn

Hôm nay, rất nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông.

Thị trường gần như đã lấy lại được những gì đánh mất phiên trước đó với việc tăng mạnh trong phiên hôm qua. VNIndex tăng mạnh 7,87 điểm lên lại 536,82 điểm trong khi HNIndex tăng 0,93 điểm lên 77,44 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục duy trì được mức khá cao khi đạt 92,2 triệu cổ phiếu trên HO và 39,3 triệu cổ phiếu trên HA tương đương giá trị 1277 tỷ và 434 tỷ đồng. Đáng chú ý phiên qua chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng cổ phiếu ôtô khi nhóm này đồng loạt tăng trần và sát trần như HHS, TMT, SVC, HTL.

CTCK SSI khuyến nghị: “Dòng tiền nước ngoài thường đóng vai trò then chốt với xu hướng thị trường trong các giai đoạn ít thông tin như hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị theo dõi xu hướng dòng tiền này và có thể giải ngân dần các cổ phiếu cơ bản nếu dòng tiền nước ngoài được duy trì ổn định.”

Có thể thấy trong phiên hôm qua, khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 2 với giá trị khá cao đạt 75,42 tỷ đồng trên HO. Những mã được mua nhiều là HHS 31 tỷ; DXG 13 tỷ; GAS 12 tỷ; HBC 11,8 tỷ…Về phía bán ròng có các mã VCB 11,7 tỷ; HPG 9 tỷ; HAG 6 tỷ; PVD 5,6 tỷ…

Sàn HA chứng kiến phiên mua ròng rất mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài khi con số lên đến 55,61 tỷ đồng. Các mã được mua nhiều gồm có PVS 11,8 tỷ; HUT 10 tỷ; BCC 7 tỷ; SHB 5,8 tỷ; PVB 4 tỷ…

Cổ phiếu đáng chú ý

AVF: Bất ngờ tăng trần sau 4 phiên giảm sàn liên tục trước thềm hủy niêm yết, khối lượng đạt hơn 1,2 triệu đơn vị.

VFR: Tăng trần phiên thứ 3 với khối lượng đột biến lên hơn 3,1 triệu đơn vị. Trước đó, SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 7,65 triệu cổ phiếu VFR mà tổ chức này đang nắm giữ, tương đương 51,52% vốn điều lệ của Vietfracht. Giao dịch dự kiến được thỏa thuận từ 20/5 đến 18/6/2015, tức bắt đầu từ hôm nay

GMD: doanh thu thuần trong quý 1 đạt 813,3 tỷ đồng, tăng trưởng 32,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí GMD lãi ròng 80,72 tỷ đồng tăng 77,4% so với cùng kỳ trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 66,05 tỷ đồng.

MBB: Thu nhập lãi thuần quý I năm nay đạt 2.001 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước dự phòng là 2.281 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên dự phòng rủi ro tăng vọt gấp hơn 2 lần lên gần 763 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 797 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thế là 620 tỷ đồng (giảm 2,5% so với cùng kỳ), trong đó lợi nhuận sau thuế của riêng ngân hàng là 619 tỷ đồng.

FLC: Ngày 15/5/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 2292/UBCK-QLPH chấp thuận phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu của CTCP Tập đoàn FLC . Theo kế hoạch, ngày 29/5/2015 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phần của cổ phiếu FLC.

SAM: Mặc dù doanh thu thuần tăng 25,9%, đạt 443 tỷ đồng nhưng  Sacom vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính 4,2 tỷ đồng. Kết quả quý 1 công ty lỗ ròng 6,7 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), giảm sâu so với khoản lãi 14,6 tỷ đồng quý 1 năm ngoái.

NBB: mặc dù doanh thu thuần trong quý 1 tăng 21% đạt 38,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 16,64 tỷ đồng cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên doanh thu từ hoạt động tài chính chưa đến 1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoạt động này mang lại nguồn thu 26,6 tỷ đồng, một số khoản chi phí lại cũng tăng cao nên kết quả NBB lãi ròng 642 triệu đồng giảm mạnh 97,2% so với quý 1/2014 trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 615 triệu đồng tương đương EPS đạt 11 đồng.

OCH: Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Cổ phiếu OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20/5/2015 do vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay OCH vẫn chưa công bố BCTC Kiểm toán năm 2014.

HVG: HĐQT CTCP Hùng Vương (Mã CK: HVG ) vừa ra nghị quyết thông qua việc mua lại 5 triệu cổ phiếu quỹ. Giá cổ phiếu HVG mà Hùng Vương mua vào sẽ theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 18.000đ/cp. Như vậy, số tiền tối đa mà Hùng Vương phải bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ tương ứng 90 tỷ đồng.

Lịch sự kiện

CTN: Trả cổ tức năm 2013 bằng tiền, 300 đồng/CP

CLC: Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 2.000 đồng/CP

VDT:  Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.300 đồng/CP

PTD: Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 2.000 đồng/CP

PJS: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.200 đồng/CP

KDC: Trả cổ tức đợt 1/2014 bằng tiền, 1.000 đồng/CP

PCG: Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 400 đồng/CP

MEF: Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 3.000 đồng/CP

NT2: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 1.300 đồng/CP

HTI: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.600 đồng/CP

TDN: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 600 đồng/CP

VIC: Giao dịch bổ sung 3.268.974 CP

THG: Ngày GDKHQ trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 1.000 đồng/CP

CI5: Ngày GDKHQ trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 2.000 đồng/CP

TBC: Ngày GDKHQ trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 2.000 đồng/CP

Tin kinh tế đáng chú ý

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BCT quy định về việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu từ các nước ASEAN.Theo đó, Thông tư quy định, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng thuốc lá nguyên liệu (Mã HS 2401) có xuất xứ từ các nước ASEAN.

Từ 9/5 đến nay, lượng hàng hóa lưu thông ít đã khiến một nửa số cảng biển Hải Phòng, chủ yếu là các cảng làm dịch vụ bốc xếp hàng rời rơi vào trạng thái tê liệt, hầu hết dịch vụ vận tải khác cũng bị ảnh hưởng.

Hải Long

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên