MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 23/07: Dòng tiền sẽ tích cực khi tâm lý NĐT đã ổn định

Những thông tin liên quan đến pháp lý các quan chức lớn PVN hay ngân hàng có vẻ không tác động nhiều đến nhà đầu tư do đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước đó và đặc biệt là nhà đầu tư cũng hiểu rằng việc này càng giúp thị trường hay rộng hơn là nền kinh tế trong tương lai lành mạnh và bền vững hơn.

Thị trường phiên hôm qua đã tạo nên một sự bất ngờ và sung sướng cho đa số các nhà đầu tư.

Sau khoảng thời gian giao dịch trầm lắng đầu phiên sáng, thị trường dần dần lấy lại sắc xanh với trụ cột chính là cổ phiếu HPG. Càng về cuối phiên, điểm số càng tăng mạnh. Hầu hết các cổ phiếu Bluechip đều bật tăng mạnh mẽ, trong đó dẫn đầu vẫn là các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG.

Kết phiên, VNIndex tăng mạnh 13,24 điểm lên 629,85 điểm tương đương 2.15% trong khi HNIndex tăng 2,08 điểm lên 87 điểm tương đương 2,45%. Tuy vậy, thanh khoản phiên qua lại chỉ ở mức bình thường với 120 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE và 55,7 triệu cổ phiếu trên sàn HA.

Khối ngoại lại bán ròng 96,3 tỷ trong phiên qua trên sàn HSX nhưng trong đó, mã bị bán ra mạnh tiếp tục là HAG 55 tỷ; BVH 39 tỷ; BCI 36,8 tỷ; VCB 35 tỷ; VIC 17 tỷ; HVG 14 tỷ…Ngược lại các mã được mua vào có HPG 32 tỷ; CTG 17 tỷ; PDR 9,6 tỷ; MSN 9,4 tỷ; DXG 7 tỷ…

Trên HA, giao dịch mua bán khá cân bằng khi giá trị mua ròng chỉ đạt 0,35 tỷ đồng. Các mã được mua vào là TNG 5,8 tỷ; SHB 1,5 tỷ; VCG 1,8 tỷ; BCC 1,8 tỷ; BVS 1,7 tỷ…Các mã bị bán ra là PVC 8,6 tỷ; SHS 3,5 tỷ; SDT 1,4 tỷ…

Theo CTCK SBS, những thông tin liên quan đến pháp lý các quan chức lớn PVN hay ngân hàng có vẻ không tác động nhiều đến nhà đầu tư do đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước đó và đặc biệt là nhà đầu tư cũng hiểu rằng việc này càng giúp thị trường hay rộng hơn là nền kinh tế trong tương lai lành mạnh và bền vững hơn.

SBS cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với những phiên tăng nóng là cơ hội cho nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận và chờ đợi tích lũy khi thị trường điều chỉnh.

Còn chứng khoán IVS không nghĩ rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng mạnh được nữa mà quan trọng là tâm lý NĐT đã ổn định hơn và điều đó sẽ giúp dòng tiền duy trì tích cực.

Cổ phiếu đáng chú ý

SSI: Tổ chức Daiwa Securities Group Inc vừa công bố thông tin trên HSX về việc đăng ký mua gần 1,2 triệu cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn. Trước giao dịch, Daiwa Securities sở hữu gần 42,6 triệu cổ phiếu SSI tương đương tỷ lệ 9,96%. Nếu giao dịch thành công, Daiwa Securities sẽ sở hữu trên 43,7 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 10,23%. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 24/7 đến 21/8/2015.

HT1: Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (mã CK: HT1 ) công bố KQKD quý 2/2015.

Trong kỳ công ty ghi nhận 2.063 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 19,46% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 433,5 tỷ đồng tăng 51,57% so với quý 2/2014. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 công ty này đạt 3.662,8 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10,8% so với cùng kỳ, LNST đạt 396,8 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 13,3 tỷ đồng cùng kỳ tương đương EPS đạt 1.248 đồng.

LGC: Công ty cổ phần Cầu đường CII ( CII B&R - mã chứng khoán LGC ) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 21/7/2015.

Theo đó, HĐQT công ty chấp thuận thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 16% bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện chi trả trong vòng 30 ngày kể từ ngày chốt danh sách cổ đông.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của Tổng Công ty Viglacera - CTCP.

Tổng Công ty Viglacera có vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, đăng ký niêm yết 264,5 triệu cổ phiếu. Hoạt động chính của Viglacera là kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng… Hiện Bộ Xây dựng đang sở hữu 91,5% cổ phần của Viglacera. Công ty mẹ Viglacera hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà, khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp. Trong khi đó, các công ty thành viên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, kính…Trong năm 2014, tính chung cả giai đoạn trước và sau cổ phần hóa, Viglacera đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 454 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tin kinh tế đáng chú ý

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa công bố báo cáo cập nhật đánh giá về rủi ro của ngành ngân hàng Việt Nam . Theo đó, S&P phân loại Đánh giá Mức độ Rủi ro trong Hệ thống Ngân hàng (BICRA) của Việt Nam vào "Nhóm 9". Các nước khác xếp cùng nhóm 9 với Việt Nam bao gồm Argentina, Campuchia, Jamaica, Kenya, Mông Cổ, Nigeria, Papua New Guinea và Tunisia. S&P xếp hạng từ "nhóm 1" ( rủi ro thấp nhất) đến "nhóm 10" (rủi ro cao nhất).

Theo Cục Thống kê Hà Nội, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng, tháng 7 ước đạt 1.308 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 9,8% so tháng 12/2014 (trong đó, vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 399 nghìn tỷ, tăng 0,8% và 9,8%).

Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố tháng 7 ước đạt 1.137 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 12,5% so tháng 12 năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ước đạt 832 nghìn tỷ đồng, chiếm 73,1% trong tổng dư nợ, tăng 0,5% so tháng trước và 12,4% so tháng 12 năm trước. Trong tổng dư nợ cho vay thì dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,8% so tháng trước và tăng 3,5% so tháng 12/2014; dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng 1,7% và 21,7%.

Cục thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội tháng 7/2015. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng thành phố Hà Nội tháng 7 tiếp tục tăng 0,18% so tháng trước và tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Còn chỉ số giá tiêu dùng thành phố TP Hồ Chí Minh tháng 7 tăng 0,11% so với tháng 6 và tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước.

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên