MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK và những bộ lọc dở dang: So bó đũa chọn cột cờ

TTCK ngày càng có nhiều “bộ lọc”, bộ chỉ số dùng để đánh giá, xếp loại, chấm điểm doanh nghiệp niêm yết, CP, CTCK, công ty quản lý… theo các tiêu chí khác nhau.

Các bộ lọc có chất lượng sẽ giúp NĐT có thêm công cụ để giao dịch hiệu quả và bảo vệ đồng vốn tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra hiệu ứng ngược nếu chất lượng các bộ lọc không được như kỳ vọng.

Để có thể thống kê, phân tích, đánh giá chuẩn xác, cần có một cơ sở dữ liệu đủ lớn và có tính bao quát cũng như sự đồng đều. Nhưng nhiều bộ lọc lại không có được “đầu vào” thật sự lý tưởng.

Bộ lọc HNX30 chưa lọc hết

Thanh khoản là tiêu chí quan trọng để lựa chọn 30 CP vào rổ tính chỉ số HNX30. Thế nhưng có những CP dù nằm trong HNX30 song thanh khoản lại quá kém, chẳng hạn TH1 (CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 VN). Phiên cuối tuần qua, KLGD của TH1 bằng 0 và trong 10 phiên gần nhất đã có phân nửa CP này bị “liệt” thanh khoản.

Ngoài ra, còn phải nói đến sự thiếu ổn định về thanh khoản của một số CP trong HNX30, như trường hợp của DBC (Dabaco VN), có phiên khớp cả trăm ngàn CP nhưng có phiên chỉ vài trăm CP. Hay mã OCH (Ocean Hospitality) có phiên KLGD bằng 0, sau đó tăng lên vài ngàn rồi lại nhảy vọt lên hàng trăm ngàn.

HNX30 được tính toán dựa trên giá trị vốn hóa, nhưng đây cũng là một điểm rất đáng băn khoăn. Trong khi thị giá và vốn điều lệ là 2 yếu tố tác động trực tiếp và tỷ lệ thuận với vốn hóa. Lấy dẫn chứng khoảng phân nửa số CP trong HNX30 có giá thấp hơn mệnh giá 1.0, trong đó có gần chục mã có giá dưới 5.000 đồng/CP.

Chẳng hạn DCS (Tập đoàn Đại Châu) có vốn điều lệ xấp xỉ 350 tỷ đồng, nhưng do chỉ có giá 2.600 đồng/CP, một trong những CP có giá thấp nhất trong HNX30, nên giá trị vốn hóa chỉ còn vỏn vẹn 90 tỷ đồng. Hay mã PVL có vốn điều lệ không phải nhỏ với 500 tỷ đồng, nhưng giá 10 phiên gần đây cũng chỉ tầm 3.000 đồng/CP trở xuống, nên giá trị vốn hóa dao động từ 130-150 tỷ đồng.

Cũng chính vì vậy trong cùng một rổ tính chỉ số HNX30, nhưng có CP vốn hóa vài chục tỷ đồng, nhưng cũng có CP vốn hóa lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Qua đây có thể thấy được sự chênh lệch về vai trò, tầm ảnh hưởng giữa các CP với nhau.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá CP trở nên rẻ mạt chính là sự yếu kém trong kinh doanh. Mà đã như vậy, khả năng có thể tăng vốn điều lệ sẽ bị hạn chế. Vòng xoáy hình thành giá CP thấp, khó tăng vốn điều lệ dẫn đến giá trị vốn hóa của những CP này không thể tăng, nếu không muốn nói là “cứ mãi thấp”, ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô vốn hóa của HNX30 nói riêng và HNX nói chung.

Có ý kiến cho rằng, về tiêu chí chọn lựa cũng như cách thức tính toán của HNX30 tương đối hợp lý, vấn đề chỉ nằm ở việc quá thiếu dữ liệu. Còn nếu quy mô 30 CP xem ra quá tầm. Tại sao HNX không giảm số lượng về 20 hoặc 10 thậm chí là 5?

Bộ lọc phân ngành DN chưa chuẩn

Nếu trường hợp của HNX30 minh chứng tiêu biểu cho sự thiếu đồng đều của số liệu, thì những vấn đề khó nuốt của việc phân ngành doanh nghiệp (DN) niêm yết lại bắt nguồn từ sự phập phù của số liệu và thiếu ổn định của DN. Phân ngành CP có rất nhiều tác dụng để NĐT dễ lựa chọn CP và theo dõi, dễ tính toán các chỉ số định giá theo ngành và có thể tiến tới xây dựng chỉ số chứng khoán chi tiết cho từng ngành.

Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ có nhiều DN rất khó để xếp vào ngành gì, nhất là những DN hoạt động đa ngành. Năm 2010, đã có những thử nghiệm về việc phân ngành các DN niêm yết tại HOSE, trong đó FPT được xếp vào nhóm “buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy”.

Trong khi đó, với nhiều người FPT mặc nhiên là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và các tổ chức tài chính cũng xếp CP này vào nhóm công nghệ. Hoặc như trường hợp của Sacom (SAM) vừa sản xuất dây cáp, vật liệu viễn thông, nhưng cũng vừa kinh doanh đồng, rồi cả bất động sản nên phân ngành không hề đơn giản.

Cũng đã có những ý kiến, đề xuất về việc nếu DN hoạt động đa ngành thì ngành nào chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 50-60% trong tổng doanh thu, lợi nhuận phân DN vào ngành đó. Nhưng giải pháp này cũng gặp phải nhiều thách thức. Thí dụ một DN hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng năm nay lại có khoản doanh thu lớn từ việc bán đất động sản, năm kế tiếp lại có lợi nhuận lớn từ đầu tư tài chính sẽ phân ngành như thế nào?

Chẳng lẽ mỗi năm lại phân mỗi ngành? Những DN liên tục tiến hành tái cấu trúc, thay đổi chiến lược để tồn tại như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mới đây cũng có thể gây ra những khó khăn cho việc phân ngành. Ngoài sự thiếu ổn định của DN, một trong những lý do quan trọng khiến việc phân ngành cho các công ty đa ngành gặp nhiều khó khăn chính là số liệu.

Để tính toán được tỷ trọng doanh thu hay lợi nhuận các ngành nghề hoạt động đem lại, cần có số liệu cụ thể trên các loại báo cáo như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên... Nhưng không phải DN nào cũng sẵn sàng công bố một cách chi tiết vì nhiều lý do khác nhau.

Đánh giá, xếp loại không dễ

Vài tháng gần đây, UBCKNN đã công bố các dự thảo về việc đánh giá, xếp loại các công ty quản lý quỹ, CTCK. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các công ty này, đồng thời có những cảnh báo, nhắc nhở kịp thời cũng như có biện pháp xử lý nhanh chóng. NĐT gửi tiền cho công ty quản lý quỹ hay mở tài khoản tại CTCK cũng sẽ an tâm hơn khi các nơi này được “chấm điểm” cao.

Hiện nay có khoảng 100 CTCK, gần 50 công ty quản lý quỹ nên dữ liệu cũng không phải là ít. Vấn đề nằm ở chỗ có bao nhiêu CTCK và công ty quản lý quỹ có hoạt động “thật”? Con số này với CTCK chắc chỉ tầm 20 còn với công ty quản lý quỹ chắc cũng không nhiều hơn.

Với những CTCK chỉ cần nhìn qua cũng đã biết là “chết” hoặc đang sống “thoi thóp” hay đã rút cả nghiệp vụ môi giới, việc xếp loại liệu có phí công hay không? Với những công ty quản lý quỹ chưa bao giờ gọi được vốn để thành lập quỹ, hoặc thậm chí NĐT còn chưa nghe đến tên, việc xếp loại nhằm mục đích gì?

Nếu mục đích là để bảo vệ hoặc cảnh báo NĐT xem rằng hơi thừa, vì một người bình thường chẳng dễ gì đưa tiền cho một đơn vị chẳng có tiếng tăm và cũng chẳng biết đó là đâu. Tóm lại, tìm dữ liệu hoạt động của các CTCK hay công ty quản lý quỹ không khó, nhưng dữ liệu “sống”, tức những dữ liệu về hoạt động thật thì lại không dễ.

Việc thiếu dữ liệu để chuyển hóa vào các bộ lọc sẽ cho ra những kết quả không được như ý, điều này cũng chẳng khác nào việc so bó đũa, chọn cột cờ vốn chỉ đem lại những kết quả vô cùng khập khiễng.

Theo THÁI CA – THỤC KHAN

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên