Tóm tắt:
Trong những ngày qua
khi thị trường chứng khoán thế giới chao đảo và hoảng loạn thì tâm lý
giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối ổn định với
thanh khoản duy trì ở mức khá.
Đây là sự điềm tĩnh hay thờ ơ của một thị
trường còn ít sự liên thông và tâm lý nhà đầu tư đã quá chai lì với tin
xấu?Tuần
qua được xem là một trong những tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử
của các thị trường tài chính. Giới đầu tư đã rút 3,5 tỉ USD khỏi thị
trường chứng khoán và đổ khoảng 50 tỉ USD vào thị trường tiền tệ. Nguyên
nhân dẫn đến sự dịch chuyển này là do Standard & Poor’s (S&P)
hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm
trọng tại châu Âu.Ngày 5/8 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử
S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ với triển vọng
tiêu cực. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau động thái trên, chỉ số
S&P 500 lao dốc 6,7%. Việc hạ bậc tín nhiệm, tin đồn, các số liệu vĩ
mô ảm đạm và khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu đã khiến nhà đầu
tư rút lui khỏi các kênh đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là chứng khoán.
Tuy
thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi trở lại sau những phiên
hoảng loạn, nhưng biên độ dao động vẫn mạnh. Điều đó cho thấy thị trường
chứng khoán thế giới đang trải qua giai đoạn nhiều biến động, rủi ro
cao và chưa thể nhanh chóng hình thành một xu hướng rõ rệt.
Giới
phân tích và các nhà đầu tư cho rằng rất khó để dự báo chính xác đáy của
thị trường, có nhận định cho rằng các thị trường chứng khoán có thể sụt
giảm tiếp từ 15 - 20%. Giá vàng về cuối tuần dịu lại đôi chút sau khi
có những phiên tăng như vũ bão, vượt ra ngoài hầu hết các dự đoán trước
đó.
Trong lúc biến cố mang tên “nợ công” đang gây sóng gió trên
thế giới thì tại thị trường chứng khoán Việt Nam tâm lý giao dịch vẫn
khá ổn định với thanh khoản duy trì ở mức khá so với những tháng trước
đó.
Chịu tác động mạnh mẽ nhất là thị trường vàng trong nước, tuy
nhiên lần sốt vàng này không khiến cho nhà đầu tư phải vội vàng rút vốn
khỏi chứng khoán để đổ vào vàng bởi kinh nghiệm đã có thừa với hậu quả
của việc chạy theo những “cơn co giật” của giá vàng và giá chứng khoán
thì đang quá rẻ.
Rõ ràng nhà đầu tư trong nước đã có sự điềm tĩnh
hơn trong việc xử lý những thông tin mang tính khủng hoảng. Hơn nữa do
sự thiếu đồng điệu với thị trường chứng khoán thế giới, khi các thị
trường khác tăng thì chứng khoán Việt không tăng, nên khi thị trường
chứng khoán thế giới giảm mạnh thì chẳng có lý gì để giới đầu tư trong
nước phải bán tháo.
Quá trình hồi phục kinh tế thế giới đang gặp
khó khăn. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã có lời
cảnh báo kinh tế toàn cầu đang bước vào “giai đoạn mới mẻ và nguy hiểm
hơn”. Câu hỏi đặt ra là liệu thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác
động thế nào. Khối ngoại có tìm cách rút vốn khỏi thị trường chứng
khoán Việt Nam như giới đầu tư đã làm trong những ngày qua ở các thị
trường chứng khoán khắp toàn cầu?
Thực tế, trong bối cảnh thanh
khoản đang có chiều hướng giảm trở lại cùng với điểm số VN-Index, việc
khối ngoại hạn chế giao dịch mua trong thời gian qua đã khiến thị trường
mất đi một lực cầu quan trọng. Quan sát động thái mua bán của khối
ngoại thời gian gần đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSI) nhận xét, lượng
mua đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.
Điều đáng chú ý là
lượng bán thường mạnh lên đáng kể trong những phiên thị trường tăng
điểm tốt và có thanh khoản. Số mã bị bán cũng trải trên diện rộng chứ
không chỉ tập trung vào một số ít. Quy mô giao dịch của khối này chiếm
phần lớn quy mô giao dịch toàn thị trường tại những mã đó.
Với
những quan sát đó, BSI tỏ ra lo ngại rằng sẽ có một lượng vốn lớn từ các
nhà đầu tư nước ngoài đang chờ cơ hội thoát khỏi thị trường. Tâm lý nhà
đầu tư tỏ ra bão hòa với các tin xấu trong và ngoài nước, tuy nhiên ở
tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam không thể thờ ơ trước những tác động của
cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng với những diễn biến khó lường.
Tuần
giao dịch thứ ba của tháng 8, thông tin lạm phát là tâm điểm. Nhiều dự
báo cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 8, tuy nhiên bao giờ chỉ
số này rời đỉnh, quay đầu giảm mới là điều giới đầu tư chứng khoán quan
tâm.
Bởi theo lẽ thường đỉnh của lạm phát, đỉnh của lãi suất chính
là căn cứ để xác định đáy của thị trường chứng khoán. Phiên giao dịch
đầu tuần (15/8), cả hai chỉ số chính đều trong trạng thái ngập ngừng đỏ,
ngập ngừng xanh. Chốt phiên VN-Index tăng nhẹ lên 384,32. Diễn biến
đáng quan tâm là thanh khoản rơi xuống mức rất thấp, gần 15,5 triệu cổ
phiếu với giá trị giao dịch 230 tỉ đồng.
Theo Song Hà
Doanh nhân Sài Gòn