MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cục nợ nghìn tỷ đến chuyện lấy vắn nuôi dài của Trường Thành

Câu chuyện của Trường Thành sẽ không là vấn đề nếu là vay nợ dài hạn. Việc vay nợ ngắn hạn khiến công ty luôn ở trong tình trạng chạy đua và chới với với lãi vay, nợ gốc đến hạn trả.

Nhà đầu tư không khỏi giật mình khi một doanh nghiệp không có "vệt đen" như Trường Thành (TTF) lại có thông tin gây rúng động: Gỗ Trường Thành nợ 13 ngân hàng trên 1.000 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương phải tổ chức cuộc họp để làm cầu nối giữa các ngân hàng với TTF để tháo gỡ khó khăn cho TTF.

Chưa năm nào lỗ từ khi niêm yết. Đây là một kết quả không nhiều doanh nghiệp trên sàn làm được khi kinh qua những năm khó khăn từ 2010 đến nay. Trường Thành làm được. Nhưng, tại sao lại có cuộc họp lớn nêu trên?

Nút thắt lấy vắn nuôi dài

Mấu chốt khó khăn ngày hôm nay của Trường Thành là năm 2010. Năm này, Trường Thành tích cực đầu tư tài sản cố định giá trị tài sản cố định từ 151 tỷ đồng cuối 2009 lên 540 tỷ đồng cuối năm 2010.

Phần tài sản cố định của Trường Thành chủ yếu được tài trợ bởi vốn vay ngắn hạn ngân hàng. Tài sản cố định trong năm 2010 chiếm đến 20% tổng tài sản trong khi năm 2009 chỉ ở mức 7%. Nhìn kỹ vào thuyết minh, tài sản cố định của TTF chủ yếu là nhà cửa, vật kiến trúc (245 tỷ đồng); máy móc, thiết bị (277 tỷ đồng); phương tiện vận tải, truyền dẫn (12 tỷ đồng)....

Vậy là, Trường Thành đã đẩy mạnh đầu tư nhà xưởng, máy móc năm 2010 với kỳ vọng đạt được tăng trưởng tốt các năm tiếp theo.

Vẫn nhớ, trong bài viết Nhiều doanh nghiệp sập bẫy tăng trưởng nóng của chúng tôi hồi năm 2012 đã nhắc đến nhiều công ty đã vội vã đầu tư và bị mắc kẹt trong nợ nần và hàng tồn kho. Cá biệt như TNG, một doanh nghiệp chưa từng thua lỗ từ khi lên sàn cũng rơi vào diện cảnh báo bởi Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khá xa và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm. Lý do ở đây là vì công ty sử dụng vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định.



Cơ cấu tài sản của TTF qua các năm

Mất cân đối dòng tiền

Hệ luỵ của vay nợ để đầu tư đã khiến Nợ phải trả NGẮN HẠN của công ty tăng nhanh qua các năm đã tạo áp lực lên dòng tiền của TTF. Nếu thị trường tốt và bán được hàng nhanh chóng thì hàng nghìn tỷ đồng nợ đối với Trường Thành sẽ chẳng thành vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, đầu tư mạnh vào tài sản cố định năm 2010 đã khiến TTF mắc kẹt với nợ ngắn hạn và hàng tồn kho luôn luôn trên ngưỡng nghìn tỷ.



Câu chuyện của Trường Thành sẽ không là vấn đề nếu là vay nợ dài hạn. Việc vay nợ ngắn hạn khiến công ty luôn ở trong tình trạng chạy đua và chới với với lãi vay, nợ gốc đến hạn trả.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, chi phí tài chính của TTF lên đến con số 111 tỷ đồng. Hạng mục lãi vay đã trở thành cản lực của TTF từ 2010 khi phải chi đến 171 tỷ đồng. Con số này lần lượt là 243 và 235 tỷ đồng trong năm 2011 và 2012. Vậy là, mỗi năm, Trường Thành phải lo khoản tiền khổng lồ để trả lãi vay. Đó là chưa kể đến gốc vay đến hạn trả. Vòng quay làm để trả nợ vay nợ liên tục khiến công ty mệt nhoài.

"Thuyền trong BÃO LỚN" và công cuộc chạy đua "cứu" chỉ số tài chính

Báo cáo thường niên của TTF năm 2013 với tựa đề "Thuyền trong BÃO LỚN" lấy hình ảnh một con thuyền đang vần mình vượt bão cũng cho thấy: Trường Thành nhìn thấy khó. Đang vùng vẫy trong khó khăn.

Hình ảnh trên trang 1-BCTN năm 2013 của TTF

Tất nhiên, TTF đã sớm nhận ra được điểm yếu của mình. Lãnh đạo công ty đã liên tục chạy đua cứu thanh khoản cho công ty từ năm 2012. Thư gửi cổ đông của Chủ tịch Trường Thành cho biết: "TTF ta đã gặp quá nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Đặc biệt, áp lức về thiếu hụt ngân lưu bị đẩy lên cao đột biến khi một số ngân hàng đã cắt giảm hạn mức tín dụng. Nguy cơ phá sản luôn lơ lửng và áp lực trên trách nhiệm của HĐQT và BĐH".

Việc lấy vắn nuôi dài và hàng tồn kho cao đã khiến TTF bị mất cân đối dòng tiền trầm trọng. Khả năng thanh toán nhanh  (=(Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn - Hàng tồn kho) / Nợ ngắn) hạn luôn chỉ ở mức thấp. Từ 0,46 lần năm 2009, khả năng thanh toán nhanh chỉ còn 0,35 lần năm 2010 và xuống dưới ngưỡng 0,3 lần từ năm 2012.

Trong hàng loạt phân tích các nhân tố rủi ro đến công ty trong năm 2013, 2 rủi ro được công ty đưa lên hàng đầu là:



Vậy là, đã khó khăn tiền mặt, TTF lại gặp khó trong vấn đề giải quyết hàng tồn kho bởi muốn dùng phải có tiền tương ứng cho ngân hàng để giải chấp gỗ. Ngân lưu kém kéo theo hàng loạt hệ luỵ đè nặng lên công ty.

TTF cũng đã tiến hành hàng loạt các cuộc tái cơ cấu bằng sáp nhập chi nhánh, công ty con để giảm chi phí quản lý năm 2012. Nỗ lực đó cũng chỉ giúp nhẹ bớt phần nào áp lực nhưng vẫn chưa thể xoay chiều chỉ số tài chính vốn bị mất cân đối trầm trọng.

Đàm phán với cổ đông chiến lược bán cổ phần cũng là nỗ lực mà TTF đã và đang làm.

Dù tình hình kinh doanh vẫn lãi, thị giá vẫn cao, năm 2012 công ty đã lên chủ trương bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 5.000 đồng-khá rẻ mạt so với giá trị sổ sách cũng như thị giá TTF thời điểm đó. Với thặng dư vốn dồi dào, việc phát hành thấp và chấp nhận thâm hụt quỹ thặng dư để đổi lấy khả năng thanh toán nhanh của công ty cũng là một bước đi đầy tính chiến lược. Phát hành thành công, hiển nhiên, TTF sẽ có nguồn tiền mặt dồi dào bổ sung cho vốn lưu động. Vốn chủ sở hữu tăng lên đồng nghĩa với việc hệ số nợ/vốn của TTF sẽ giảm mạnh. Chốt thanh khoản của TTF sẽ được gỡ bớt.

Là một doanh nghiệp đầu ngành trong xuất khẩu gỗ, mỹ nghệ. Những điều TTF làm được là điều đáng ghi nhận. "Lỗi" mất cân đối dòng tiền đang khiến công ty gặp khó và công ty cũng đã nỗ lực hết mình để sửa sai.

Sai có thể sửa được hay không là một câu chuyện dài và cần sự hỗ trợ từ nhiều bên như cổ đông, cổ đông chiến lược, ngân hàng.

Bài học THV, Mai Linh, TNG...rơi vào khó vì mất cân đối vốn vẫn còn đó. Chuyện HQC, TTF đang gồng mình "nắn lại đường cong" nợ sẽ vẫn còn nhiều vấn đề để bàn.

Cụm bài liên quan:
Từ chuyện của Mai Linh đến chuyện Thái Hòa, TNG...

Nhiều doanh nghiệp sập bẫy tăng trưởng nóng
Nhìn lại TTF và phán quyết phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá
Gỗ Trường Thành nợ 13 ngân hàng trên 1.000 tỷ đồng

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên