MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần 10-14/08/2009: Thị trường chờ đợi “mùa cổ tức”

Tổng quan diễn biến tình hình tài chính trong nước và quốc tế trong tuần. Trong thời gian tới, thông tin “giữ chân” dòng tiền trên thị trường chủ yếu sẽ đến từ "mùa cổ tức” đợt 1 năm 2009.

Trọn 5 phiên tăng điểm, VN-Index đã chính thức xác nhận một đợt sóng khá mạnh với tỷ lệ tăng lên đến 18.27% và được trải dài trong 4 tuần liên tiếp. Tính thanh khoản tiếp tục ở mức cao khi bình quân có đến 57.03 triệu chứng khoán được mua bán trong mỗi phiên giao dịch.

Mặc dù vẫn mua ròng, nhưng mức chênh lệch đã được khối nhà đầu tư ngoại rút ngắn đáng kể cũng là một chi tiết đáng lưu ý trong tuần giao dịch này.

Kinh tế tài chính thế giới

Nước Mỹ trước những tín hiệu tích cực và tiêu cực

Trên phương diện tích cực, trong tuần qua, đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, Cục dự trữ liên bang (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0.25%/năm.

Động thái này của FED đã xua tan những quan ngại trước đó của giới đầu tư về khả năng thị trường bất động sản Mỹ chịu tác động tiêu cực, nếu FED điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay đã phản ánh quan điểm thận trọng của FED, vốn cho rằng, thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay vẫn chưa ổn định và hồi phục đúng mức để có thể gia tăng lãi suất cơ bản.

Ở chiều hướng ngược lại, nước Mỹ vẫn đang phải đau đầu trước ba bài toán khó về sức cầu nội địa, sự hồi phục của thị trường lao động và sức bật của thị trường bất động sản.

Vượt qua mọi phân tích trước đó của giới chuyên gia, doanh số bán lẻ Tháng 7 tại Mỹ đã sụt giảm 0.1% so với Tháng 6. Giới chuyên gia có quan điểm thận trọng nhất đã từng nhận định doanh số bán lẻ Tháng 7 tại Mỹ tối thiểu phải gia tăng 0.8%.

Quan điểm của chúng tôi cho rằng, việc doanh số bán lẻ bất ngờ sụt giảm, bất chấp vừa qua chính phủ Mỹ đã tiến hành chính sách hỗ trợ người mua xe đã cho thấy, người tiêu dùng Mỹ vẫn còn tâm lý dè dặt khi ra quyết định tiêu dùng.

Theo thông tin vừa được Bộ lao động Mỹ công bố, số lao động đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần qua là 558,000 người, vượt trên mức dự báo 545,000 được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

Bên cạnh những tín hiệu không được lạc quan từ thị trường lao động, thị trường bất động sản tại Mỹ sau những phục hồi ban đầu đã tiếp tục dấy lên mối quan ngại cho giới đầu tư khi tỷ lệ thu hồi nhà đất tại Mỹ đã tăng 7% trong Tháng 7. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này đã gia tăng xấp xỉ 32%.

Châu Âu tăng trưởng kinh tế Quý 2 cải thiện

Sau những cải thiện đáng kể trên nhiều mặt, tính đến thời điểm hiện tại, có thể chính thức kết luận đà suy thoái kinh tế khu vực châu Âu đã được kìm hãm. Theo số liệu vừa được công bố, mức sụt giảm trong GDP của khu vực châu Âu Quý II vừa qua là 0.1%, cải thiện đáng kể so với mức suy giảm 0.5% của Quý I.

Những biến động theo chiều hướng khả quan trong thời gian vừa qua đã củng cố mạnh mẽ niềm tin của giới đầu tư khu vực châu Âu. Theo đó, chỉ số niềm tin nhà đầu tư tại Lục địa già đã cải thiện vượt bậc từ -31.3 trong Tháng 7 lên chỉ còn -17.0 trong Tháng 8.

Tuy vậy, theo quan điểm của chúng tôi, trong bối cảnh mà các nền kinh tế trên thế giới có mối liên kết cao như hiện nay, những khó khăn tại Mỹ nhiều khả năng sẽ đe doạ đến triển vọng xuất khẩu cũng như hiệu quả hoạt động các các doanh nghiệp châu Âu.

Kinh tế châu Á

Nhiều nhà đầu tư mang tâm lý thận trọng đã tỏ ra hoang mang trước khả năng bong bóng tài chính tái xuất hiện trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và thị trường bất động sản. Trong chiều hướng ngược lại, một bộ phận các nhà đầu tư đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách mới này khi cho rằng, rủi ro bong bóng tài chính tái xuất hiện là rất thấp, bởi lẽ, kinh tế Đại Lục đang hồi phục với nhịp độ ấn tượng, và quá trình hồi phục này bền vững hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cũng trong tuần lễ vừa qua, ngân hàng quốc gia Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở mức 0.1%/năm. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại quốc gia này cũng đã có sự phục hồi khi gia tăng từ mức 38.1 trong Tháng 6 lên 39.7 trong Tháng 7.

Vàng và dầu thô đều tăng giá

Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã thiết lập khuynh hướng gia tăng trước những thông tin về nhu cầu mở rộng lượng vàng dự trữ của Trung Quốc cũng như khả năng nhu cầu tiêu thụ vàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Nhiều chuyên gia đã dự báo, khả năng vào cuối năm 2009, Trung Quốc sẽ vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Khuynh hướng gia tăng trong giá cả dầu thô trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục duy trì trong tuần qua bất chấp những đợt giảm giá nhẹ (với biên độ dưới 1 đôla Mỹ) trong những phiên giao dịch cuối tuần.

TTCK thế giới

TTCK Mỹ và EU đã mở đầu tuần giao dịch với hai phiên điều chỉnh nhẹ trước làn sóng bán ra hiện thực hóa lợi nhuận của giới đầu cơ, cũng như việc niềm tin nhà đầu tư không nhận được thông tin hỗ trợ đủ mạnh để củng cố.

Tuy vậy, bước sang những phiên giao dịch cuối tuần, với thông tin tăng trưởng GDP Quý II của EU được cải thiện và những nhận định lạc quan của FED, TTCK ở cả hai khu vực này đã có sự bứt phá mạnh mẽ và thiết lập mức đỉnh mới trong năm 2009. TTCK ở cả hai khu vực này đã có sự bứt phá mạnh mẽ và thiết lập mức đỉnh mới trong năm 2009.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tâm lý lạc quan của cộng đồng các nhà đầu tư đã đẩy các chỉ số chứng khoán chủ yếu tại khu vực này bứt phá 4 trên tổng số 5 phiên giao dịch trong tuần qua. Chứng khoán Trung Quốc sau một thời gian tăng mạnh tuần này đã sụt giảm 6.57%.

Kinh tế tài chính Việt Nam

Thị trường tiền tệ và lãi suất

Trong những ngày gần đây, tình hình căng thẳng ngoại tệ trên thị trường đã giảm nhiệt khá rõ rệt.

Gần đây, ngoại tệ các doanh nghiệp bán ra rất nhiều. Đặc biệt vào ngày 10/8, trên thị trường ngoại tệ, các ngân hàng bán ra 150 triệu USD, nhưng mua vào 221 triệu USD, có nghĩa là mua ròng 71 triệu USD.

Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng sau khi lên đến mốc 16,970 VND hiện cũng đã giảm xuống còn 16,964 VND (ngày 12/8). Yếu tố tác động chủ yếu đưa đến tình hình trên là do gần đây NHNN bán USD ra thị trường và lãi suất USD trên thị trường đang ở mức khá thấp.

Việc các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay USD theo hướng giảm dần đã kích thích nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp. Dư nợ cho vay ngoại tệ vào tháng 7 đã tăng 1.2% so với tháng 6.

Đề nghị về gói kích cầu thứ 2

Ngày 11/8, Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia đã họp để nghe các thành viên góp ý một số chính sách về điều hành kinh tế vĩ mô nhiều đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô thời kỳ sau suy giảm đã được đưa ra.

Nhiều thành viên đã kiến nghị cần có gói kích cầu thứ hai triển khai ngay sau khi kết thúc gói kích cầu bù lãi suất vào cuối năm 2009, đồng thời tiếp tục giãn thời hạn nộp thuế để giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển.

Liên quan đến vấn đề chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản được đề nghị không thay đổi, tăng trưởng tín dụng nên xoay quanh 30%, không nên cố định ở mức 25-27%, không nên phá giá VND. Các chuyên gia cùng nhận định khả năng tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 5%. Năm 2009 lạm phát có thể chỉ khoảng 7%, năm 2010 dự báo chỉ dưới 10%. Bội chi ngân sách năm 2009 dưới 7%.

Qua, những khuyến nghị và nhận định của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho thấy kinh tế Việt Nam cũng đã dần ổn định và nếu các khuyến nghị được thực thi có thể tạo động lực cho kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới.

Diễn biến TTCK Việt Nam

Trọn 5 phiên tăng điểm, VN-Index đã chính thức xác nhận một đợt sóng khá mạnh với tỷ lệ tăng lên đến 18.27% và được trải dài trong 4 tuần liên tiếp. Tính thanh khoản tiếp tục ở mức cao khi bình quân có đến 57.03 triệu chứng khoán được mua bán trong mỗi phiên giao dịch. Mặc dù vẫn mua ròng, nhưng mức chênh lệch đã được khối nhà đầu tư ngoại rút ngắn đáng kể cũng là một chi tiết đáng lưu ý trong tuần giao dịch này.

Sau 3 lần “lưỡng lự” tại ngưỡng tâm lý 480 điểm, VN-Index đã có sự bứt phá ngoạn mục khi nhanh chóng vượt qua mức trên bằng việc tăng mạnh 2.19% lên mức 491.2 điểm ngay trong phiên mở cửa tuần giao dịch mới.

Dường như “ý thức” được quá trình khó khăn để đạt được điều này, giới đầu tư đã quyết tâm giữ vững thành quả khi cùng nhau lèo lái con thuyền VN-Index không một lần đi ngược trong suốt 4 phiên sau đó.

Tuy vậy, trong giai đoạn các thông tin hỗ trợ dần qua đi, khả năng tiếp tục tăng điểm của thị trường vẫn còn vấp phải nhiều nghi ngại, thì mức lợi nhuận bình quân trên 18% thực sự đã tạo ra một thử thách không nhỏ đối với niềm tin của giới đầu tư tham gia. Không ít lần trong tuần, lực cung mạnh và đồng loạt ở nhiều cổ phiếu thuộc các lĩnh vực khác nhau đã khiến VN-Index chao đảo.

Cụ thể, ở 2 phiên 12/08 và 13/08, sự sụt giảm chung của các nhóm cổ phiếu có nhiều đại diện lớn như tài chính – ngân hàng, vận tải, … đã đặt VN-Index vào tình thế nguy hiểm, thậm chí có lúc đã rơi khỏi mốc 500 điểm. Trước đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm đường, bánh kẹo, xây dựng, … cũng đã có dấu hiệu bán ra mạnh với mục tiêu chốt lãi.

Sẽ là vội vàng nếu chỉ căn cứ vào các dấu hiệu phân hóa trên để cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn “phân phối” lớn, vì hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền qua lại giữa các nhóm cổ phiếu cũng thường xuyên xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu kết hợp hiện tượng đó với động thái mua bán trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài thì việc thận trọng hơn trong khi ra các quyết định đối với nhà đầu tư cũng không phải là quá sớm.

Tính từ đầu tháng Bảy đến nay, khối ngoại đã mua ròng trong 7 tuần liên tiếp, tuy vậy, khối lượng chênh lệch (mua-bán) đang có chiều hướng thu hẹp dần và trong tuần này con số đó chỉ còn là trên 200 nghìn đơn vị. Thống kê cho thấy, HPG, PPC, DPM, … là các cổ phiếu được khối này ưa chuộng, trong khi BVH, VCB, VF1, … lại là các mã bị bán ra với khối lượng lớn.

Trong tuần, cao su là nhóm chiếm đa số ở top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với 3 đại diện. Trong số còn lại, các nhóm thép, hóa chất, khoáng sản, xây dựng, thủy sản, vận tải, vật liệu mỗi nhóm đóng góp 1 đại diện. HMC là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với tỷ lệ 26.16%, tuy nhiên danh sách này đã không tính đến CSM (tăng trần liên tục kể từ khi chào sàn với tỷ lệ 36.9%) do cổ phiếu này mới chỉ trải qua 4 phiên giao dịch. Ở danh sách giảm mạnh nhất, hóa dầu và xây lắp bưu điện chiếm phần lớn với mỗi nhóm 2 đại diện.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có kết quả chung cuộc tăng điểm bất chấp phiên cuối tuần, chỉ số này quay đầu giảm nhẹ 0.49%, chốt tại 157.18 điểm. Nếu như VN-Index có tuần tăng thứ 4 liên tiếp thì đây mới là tuần tăng điểm thứ 2 của HNX-Index trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Trong tuần, diễn biến sôi động nhất hầu như chỉ tập trung ở các cổ phiếu nhỏ, trong khi các mã chủ chốt lại giao dịch trong biên độ hẹp.

Ở nhóm tăng giá, các cổ phiếu thuộc lĩnh vực than, khoáng sản, thép và họ Sông Đà chiếm đa số (9/10 mã), cổ phiếu còn lại là CCM của Xi măng Cần Thơ. Trong khi đó, DTC của Viglacera Đông Triều lại là cổ phiếu duy nhất nằm ngoài nhóm cổ phiếu có liên quan đến giáo dục có mặt trong 10 cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất.

Như vậy, thị trường ít nhiều đã cho thấy dấu hiệu khả quan khi đều đã vượt qua các mốc điểm quan trọng. Mặt khác, thanh khoản cũng là là điểm nhấn đáng chú ý với việc khối lượng giao dịch ở cả 2 sàn đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây. Tuy vậy, như đã trình bày ở phần trên, ngoại trừ các biến động lớn ngoài dự đoán, sẽ không còn nhiều thông tin để có thể tác động tích cực đến thị trường trước khi quí 3 kết thúc.

Trong thời gian tới, thông tin trong nước quan trọng, có thể tác động không nhỏ đến việc “giữ chân” dòng tiền trên thị trường chủ yếu sẽ đến từ các con số được phát ra từ doanh nghiệp niêm yết trong “mùa cổ tức” đợt 1 năm 2009.

Theo Khánh Hưng – Thùy Dương – Trần Văn Nhiên
Vietstock

phuongmai

Trở lên trên