MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần này: “Nhặt” cổ phiếu tiềm năng trong nhóm kín room

"Trong ngắn hạn, việc nới room sẽ không có tác động tích cực như các nhà đầu tư kỳ vọng vì các cổ phiếu gần kín room không nhiều và không phải tất cả các cổ phiếu đó đều được nới room"

Nghị định 60/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP đã chính thức được ký với thông tin nổi bật là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không hạn chế tại những công ty đại chúng không thuộc diện kinh doanh có điều kiện.

Dù còn phải chờ những văn bản hướng dẫn về ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/07/2015) nhưng NĐ 60 thực sự là một bước tiến quan trọng trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Mặc dù vậy, sau phản ứng nhanh với thông tin, các chỉ số lại bất ngờ quay đầu giảm khá mạnh. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Vũ Tuấn Anh - Giám đốc khối khách hàng tổ chức, CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BSC) và nghe những chia sẻ của chuyên gia này.

Thông tin nới room công bố vào ngày cuối tuần (26/06) được đánh giá là tin hỗ trợ rất tốt cho thị trường, thế nhưng các chỉ số lại bất ngờ giảm mạnh. Theo ông, nguyên nhân có thể đến từ đâu?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh: Thị trường đang trong chu kỳ điều chỉnh sau đợt tăng khá mạnh trong khoảng 1,5 tháng vừa qua. Trong xu hướng đi xuống, thị trường thường phản ứng mạnh với các tin xấu và phản ứng yếu với các thông tin tích cực. Đây chính là ví dụ điển hình của hiện tượng “tin ra là bán”. Khi thông tin tích cực xuất hiện mà thị trường không tăng mạnh được như kỳ vọng sẽ có tác dụng ngược, khiến tâm lý nhà đầu tư không vững mà bán mạnh vào phiên giao dịch thứ 3, điều này thể hiện ở việc lệnh ATC đã áp đảo ở nhiều mã chủ chốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG…

Theo tôi, việc không hút được dòng tiền cũng có thể được giải thích như sau: trong ngắn hạn, việc nới room sẽ không có tác động tích cực như các nhà đầu tư kỳ vọng vì các cổ phiếu gần kín room không nhiều và không phải tất cả các cổ phiếu đó đều được nới room. Theo thống kê của tôi, chỉ có 33 cổ phiếu đã kín room hoặc gần hết room, và chỉ có 11 cổ phiếu trong đó có thể được nới room. Các cổ phiếu được nới room cũng chỉ thuộc nhóm cổ phiếu midcap bao gồm: REE, MWG, HCM, BMP, PAN, TCM, BBC, ST8, KMR, TCR, SAV. 5 cổ phiếu có marker cap lớn nhất trong các cổ phiếu đã hết room đều không được nới room gồm: VNM, CTG, ACB, FPT, MBB.

Ngoài ra, thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan 981 ra biển Đông cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Phiên giao dịch ngày 26/06 khá tiêu cực về mặt kỹ thuật nhưng tôi cho rằng các chu kỳ điều chỉnh là cần thiết để thị trường thiết lập lại sự cân bằng và tạo đà tăng trưởng bền vữn trong 6 tháng cuối năm khi các yếu tố vĩ mô đang dần được cải thiện. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh sau đợt tăng nóng thời gian qua cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhóm cổ phiếu khác có đà tăng tốc trong quý 3.

Ông có cho rằng, sang tuần này, nhóm cổ phiếu kín room sẽ tăng điểm? Ngoài ra nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm nào khác không?

Tôi cho rằng trong các cổ phiếu kín room và có khả năng được nới room chỉ có REE, HCM, TCM là có thanh khoản khá và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới (nhưng cũng không nhiều biểu hiện, thể hiện ở việc các cổ phiếu này cũng không giữ được mức giá trần vào phiên chiều). Các cổ phiếu khác, thanh khoản rất thấp do cổ đông cô đặc và nhà đầu tư rất khó kiếm lợi nhuận từ các cổ phiếu này.

Theo thống kê của ông Lê Vũ Tuấn Anh, chỉ có 33 cổ phiếu đã kín room hoặc gần hết room, và chỉ có 11 cổ phiếu trong đó có thể được nới room.

Các cổ phiếu được nới room cũng chỉ thuộc nhóm cổ phiếu midcap bao gồm: REE, MWG, HCM, BMP, PAN, TCM, BBC, ST8, KMR, TCR, SAV.

5 cổ phiếu có marker cap lớn nhất trong các cổ phiếu đã hết room đều không được nới room gồm: VNM, CTG, ACB, FPT, MBB.

Theo tôi, trong dài hạn, quy định nới room sẽ mở ra cơ hội đón các dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam, các thương vụ M&A sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và các công ty chứng khoán đương nhiên được hưởng lợi nhiều nhất từ quy định này.

Ngoài ra, các quy định sắp tới như điều chỉnh chu kỳ thanh toán từ T3 về T2, cho phép giao dịch T0, các sản phẩm phái sinh sẽ mở ra cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán thuộc top 10 như SSI, HCM, VND, BVS, BSI… Thanh khoản và điểm số của thị trường cải thiện trong quý 2 cũng giúp các công ty chứng khoán được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2.

Tôi kỳ vọng sẽ có sóng chứng khoán trong quý 3.

Ngoài ra tôi cũng quan tâm đến cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2 như vật liệu xây dựng (xi măng, thép, tôn, gạch…), điện, xây dựng, hóa chất, chiếu xạ… Tôi cũng dành 20% danh mục cho nhóm cổ phiếu ngành dầu khí.

Đánh giá của ông về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới? Áp lực chốt lời có lớn?

Ngành ngân hàng ngoài các luật thông thường còn phải áp dụng theo luật các tổ chức tín dụng và đây là ngành Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, rào cản tham gia của các Nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này rất lớn nên khó có chuyện nới room của ngành này trong tương lai gần. Các nhà đầu tư tổ chức cũng biết rất rõ về vấn đề này.

Tuy vậy, áp lực chốt lời sẽ không lớn do có khá nhiều tổ chức đang đợi cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh để mua vào nên sẽ không có chuyện cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong năm nay. Trong nhóm cổ phiếu Ngân hàng, MBB đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt, đây cũng là cổ phiếu ngân hàng đã kín room.

Trong buổi tọa đàm lần trước với chúng tôi, ông có chia sẻ "nếu xuất hiện thông tin về giàn khoan trên biển Đông, ông sẽ mua cổ phiếu". Vậy trong ngày cuối tuần vừa qua, ông đã hành động như thế nào?

Tôi cho rằng các nhà đầu tư đã được “làm quen” với các sự kiện biển Đông và khi sự kiện biển Đông nếu có xảy ra cũng không làm nhà đầu tư quá hoảng loạn như năm ngoái. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì các sự kiện ở Biển Đông xảy ra sẽ khiến một số nhà đầu tư sợ hãi và bán quá mức. Đây là cơ hội tốt để mua được các cổ phiếu tốt với giá hợp lý.

Quan điểm của tôi thị trường trong trung hạn khá tích cực và xem các chu kỳ điều chỉnh như hiện nay là cần thiết và cơ hội tốt để cơ cấu danh mục và tăng tỷ lệ cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có kết quả kinh doanh được cải thiện như tôi đã nói ở trên.

Thực tế, hôm nay tôi đã giải ngân vào các cổ phiếu giảm mạnh thuộc ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, lượng mua cũng không nhiều.

Xin cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ này!

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên