MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vắng bóng nhà tạo lập thị trường

Nhìn qua nhìn lại, trên thị trường đại diện cho nhà đầu tư tổ chức chỉ còn một số quỹ ETFs. Cho nên thanh khoản thấp là chuyện tất yếu.

Chứng khoán ở thời điểm này là sân chơi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các định chế tài chính-những nhà tạo lập thị trường-hoặc không còn tiền để giải ngân, hoặc lùi lại phía sau, chờ đợi kinh tế vĩ mô phục hồi. Tự doanh các công ty chứng khoán giao dịch cầm chừng do nguồn tiền hạn chế. Thực tế, những công ty chứng khoán lớn còn tiền nhàn rỗi hàng ngàn tỷ đồng nhưng họ không phân bổ nhiều cho tự doanh.

Thí dụ như Công ty VnDirect cho biết tự doanh được nhận 50 tỷ đồng để giao dịch. Đó là con số ít ỏi so với số tiền mặt mà công ty đang có trong tay, và chỉ ngang tầm một vài nhà đầu tư cá nhân lớn cộng lại. Với số tiền ấy, tự doanh không thể đóng một vai trò quan trọng đến mức chi phối thị trường. Tiền của các công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu dành hỗ trợ khách hàng.

Các quỹ đầu tư cũng không phải là thành viên giao dịch tích cực. Tài sản nắm giữ của một số quỹ nội địa tới 90% là tiền gửi ngân hàng. Nhìn qua nhìn lại, trên thị trường đại diện cho nhà đầu tư tổ chức chỉ còn một số quỹ ETFs. Cho nên thanh khoản thấp là chuyện tất yếu.

Vì sao các nhà tạo lập lại thờ ơ đến vậy? Có thể vì hầu như tất cả đã “trải qua đau thương” thua lỗ do thị trường suy giảm quá dài và quá sâu. Nhưng sâu xa hơn, niềm tin của các tổ chức cũng không ổn định. Họ không tin đầu tư lúc này sẽ mang lại lợi nhuận, nghĩa là cơ hội vẫn chưa tời.

Trong khi đó sự biến động của thị trường, sự phân hóa của cổ phiếu trong thời gian gần đây chỉ ra các xu hướng đầu tư đang hình thành rõ nét. Vẫn là đầu cơ, chạy theo các con sóng ngắn hạn song một bộ phận nhà đầu tư đã chọn lựa những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, làm ra lợi nhuận, chia cổ tức cao, mà các blue-chips ở HoSE là một dẫn chứng. Sự chọn lựa này có độ an toàn đáng kể. Giả sử thị trường rớt điểm, nhà đầu tư có lỡ phải nắm giữ dài hạn, họ yên tâm vì đây là cổ phiếu chất lượng. Ngoài ra, các blue-chips phần lớn nằm trong danh mục của các tổ chức, chúng ít bị mua đi bán lại hàng ngày, thường được tổ chức đỡ giá bằng cách mua vào mỗi khi giảm mạnh. Nói ngắn gọn, blue-chips giữ giá tốt hơn các loại cổ phiếu khác.

Xu hướng “đầu cơ của đầu cơ” nhằm vào giao dịch các cổ phiếu thanh khoản lớn, biến động mạnh trong phiên, bất chấp kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ở dạng này, công ty niêm yết lỗ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cũng không mấy ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu. Rủi ro khi giao dịch cổ phiếu đầu cơ rất cao, đi kèm lợi nhuận lớn. Hai phương cách đầu tư trên đang dẫn đến trái ngược: sự mất giá của blue-chips đang chậm lại trong khi các cổ phiếu đầu cơ giảm giá nhanh. Khoảng cách giãn ra. Giới đầu tư đang chứng kiến nhiều cổ phiếu đầu cơ, dù đang ở mức giá 4-6.000 đồng, vẫn tiếp tục rơi và có khả năng không tránh khỏi đường về 2-3.000 đồng. Ở chiều ngược lại, giá một số blue-chips đã ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, thậm chí cao nhất từ khi lên sàn.

Chứng khoán sẽ không thể nào thoát khỏi kênh giảm giá dài hạn và thị trường con gấu sẽ còn kéo dài chừng nào nhà tạo lập thị trường còn đứng ngoài. Cần phải có một cú hích đột biến trong cải cách khung pháp lý cũng như kỹ thuật để “lôi kéo” đối tượng này tham gia thị trường. Xem ra lập lại niềm tin cho tổ chức để hút dòng tiền tổ chức còn khó hơn so với nhà đầu tư cá nhân vì tổ chức không/hoặc ít bị chi phối bởi tâm lý bầy đàn. Mà cải cách trong lĩnh vực chứng khoán, như từ trước đến nay, vốn dĩ đã chậm, vẫn đang tiếp tục chậm.

Theo Thành Nam

thanhhuong

TBKTSG

Trở lên trên