MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VF1: Vì sao NĐT muốn quỹ hoạt động đến thời hạn chấm dứt?

Hầu hết nhà đầu tư tham dự tại Đại hội nhất trí để Quỹ VF1 hoạt động đến ngày chấm dứt. Do thời hạn đóng quỹ còn khoảng 2 năm và diễn biến TTCK được cho là chưa thuận lợi để vận hành quỹ mở.

Ngày 20/03/2012, tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2011 của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1), quỹ thành viên của CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư của VF1 đã thảo luận nội dung quan trọng: nên hay không chuyển đổi VF1 sang mô hình quỹ mở.

Tuy nhiên, không giống như Đại hội của VF4 (diễn ra sau), NĐT của VF1 không đưa nội dung liên quan chuyển đổi mô hình quỹ đóng sang quỹ mở vào Nghị quyết, hầu hết muốn quỹ hoạt động đến ngày hết hạn. Vì sao như vậy?  

Thời gian vận hành quỹ VF1 còn 2 năm

Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam - VF1 – quỹ đóng được thành lập ngày 20/05/2004, có thời hạn hoạt động là 10 năm. Như vậy thời gian hoạt động của quỹ VF1còn 2 năm nữa.

Tại thời điểm 31/12/2011, giá trị tài sản ròng (NAV) của VF1 là 1.298,3 tỷ đồng, tương đương 12.983 đồng/CCQ, giảm 38,9% so với đầu năm. Mức chiết khấu CCQ trong năm 2011 ở mức trung bình 45%, dao động từ 40,8% đến 49,2%. Đến cuối tuần trước, giá giao dịch của CCQ là 8.400 đồng/CCQ so với NAV của quỹ là 15.360 đồng/CCQ. Mức chiết khấu từ 40 – 50% đã tồn tại qua một thời gian dài.

Mức giao dịch bình quân của các CCQ đang thấp, ở mức khoảng 0,14% tổng CCQ đang giao dịch.

Cần tối thiểu 15 tháng để chuyển sang quỹ mở

Việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở được cho là nhằm cải thiện tỷ lệ chiết khấu để giá giao dịch và NAV của CCQ tiến gần lại với nhau hơn; giá giao dịch sau khi chuyển đổi sẽ gần bằng NAV (trừ phí); mô hình quỹ mở là mô hình tiên tiến và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thế giới.

Ban đại diện Quỹ VF1 đề xuất tỷ lệ chuyển đổi CCQ quỹ đóng sang quỹ mở là 1:1.

Tuy nhiên, điều kiện để chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở là quỹ phải có tài sản tối thiểu 50 tỷ đồng, danh mục đầu tư tập trung vào CP niêm yết, hạn chế tỷ lệ đầu tư vào CP OTC (dưới 10%) và phải có giấy tờ chứng minh CP chưa niêm yết sẽ niêm yết trong vòng 12 tháng kể từ khi quỹ chuyển đổi mô hình sang quỹ mở; đầu vào hạng mục lớn không quá 40% NAV của Quỹ.

Tại ngày 31/12/2011, cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) của Quỹ VF1 chiếm 10,6% tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, tương đối khó để đáp ứng được yêu cầu có giấy tờ chứng minh CP chưa niêm yết sẽ niêm yết trong vòng 12 tháng kể từ khi quỹ chuyển đổi mô hình sang quỹ mở.

Nếu chuyển tất cả các khoản đầu tư OTC sang các khoản đầu tư khác để thỏa mãn điều kiện, Quỹ VF1 cần khoảng thời gian 12 tháng. Danh mục OTC quỹ VF1 có 11 khoản đầu tư trong đó có 2 khoản khó thanh lý trong ngắn hạn.

Khi chuyển sang quỹ mở, do tính thanh khoản của quỹ mở được đặt lên hàng đầu, vì vậy Quỹ phải tập trung vào những CP có tính thanh khoản cao, do đó phải từ bỏ đầu tư vào cổ phiếu OTC. Quỹ phải duy trì tỷ lệ tiền mặt đáng kể để đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ quá nhanh, quỹ cũng sẽ gặp vấn đề trong giải ngân. 

Để chuyển đổi sang quỹ mở, bên cạnh Ngân hàng Lưu ký và Giám sát, Quỹ cần tìm thêm một tổ chức cung cấp dịch vụ khác – cung cấp dịch vụ quản lý và dịch vụ chuyển nhượng.

Cuối cùng, trong thời gian chuyển đổi sang quỹ mở, quỹ VF1 sẽ không giao dịch. Bởi theo quy định là phải đóng quỹ đóng trước sau đó nộp hồ sơ xin hình thành quỹ mở, khoảng thời gian chờ xét duyệt Quỹ sẽ phải ngừng giao dịch.

Theo tính toán của VF1, thời gian là khoảng 3 tháng. Rủi ro cũng sẽ phát sinh trong thời gian này khi thị trường có những biến động lớn dẫn đến ảnh hưởng NAV. 

Như vậy, tổng thời gian chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở ước tính khoảng 15 tháng (3 -4 tháng chuẩn bị hồ sơ, 12 tháng là thành lý tài sản - OTC để đáp ứng yêu cầu).

Nhà đầu tư của quỹ muốn gì?

Quyết định chuyển quỹ VF1 hiện tại sang quỹ mở vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Vì vậy, nội dung này không đưa vào nghị quyết của Quỹ VF1 theo ý kiến của nhà đầu tư. Bởi hầu hết ý kiến nhà đầu tư tham dự tại Đại hội nhất trí để Quỹ VF1 hoạt động đến ngày hết hạn. Do thời hạn đóng quỹ chỉ còn khoảng 2 năm và diễn biến TTCK được nhận định là chưa thuận lợi cho việc vận hành quỹ mở.

Cũng có ý kiến cho rằng, VF1 đóng quỹ đúng thời hạn vào năm 2014, sau đó mở quỹ mới là quỹ mở. “Đến năm 2014, chúng ta còn hơn 2 năm nữa, đề nghị Ban điều hành Quỹ tập trung vào nâng cao hiệu quả của quỹ VF1. Để năm 2014 chúng ta đóng quỹ một cách thắng lợi cho tất cả NĐT của quỹ. Sau đó, thành lập quỹ mới là quỹ mở để nhà đầu tư tham gia vào” – NĐT phát biểu.

Bên cạnh đó, NĐT cũng có ý kiến để quỹ VF1 chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Tuy nhiên, trên thực tế để thoái vốn toàn bộ danh mục đầu tư VF1 bắt đầu từ năm nay cũng cần gần 2 năm.

Ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc VFM tái khẳng định: định hướng của quỹ VF1 trong năm 2012 sẽ sắp xếp danh mục đầu tư theo hướng: cổ phiếu lớn, thanh khoản cao, nếu cần bán sẽ bán được nhanh và hiệu quả liền, giải quyết triệt để OTC.

Theo tính toán của VF1, đến năm 2013 TTCK Việt Nam sẽ đạt đỉnh, khi đó VF1 sẽ thanh lý hàng loạt các cổ phiếu. Lộ trình có thể điều chỉnh và thu tiền về từ năm 2012.

Quá trình thanh lý sẽ kết thúc vào tháng 12/2013, vì vậy sau khi quỹ chấm dứt hoạt động, việc chia tiền cho các NĐT sẽ được tiến hành nhanh gọn, trong năm 2014.
 
Như vậy, VF1 sẽ phải thoái vốn toàn bộ danh mục đầu tư đang nắm giữ, việc thoái vốn theo một lộ trình từ năm 2012 đến tháng 12/2013. Trong hơn 2 tháng đầu năm, NAV của VF1 đã tăng 20% so với thời điểm đầu năm, ước tính đạt hơn 1.500 tỷ đồng và với thời hạn đóng quỹ là vào tháng 5/2014, VF1 còn khá nhiều thời gian để lựa chọn cơ hội bán ra toàn bộ danh mục đầu tư. 


Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên