MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VF4: Nhóm ngành vật liệu-khai khoáng và bất động sản-hạ tầng hiện chiếm gần 50% NAV

Năm 2010, 3 ngành mang lại lợi nhuận cho danh mục đầu tư của VF4 là Hàng tiêu dùng, Thực phẩm - Nước giải khát và Bán lẻ.

Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2011 của Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (HOSE: VF4) đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tổng tài sản ròng (NAV) của VF4 tại ngày 31/12/2010 đạt 739,6 tỷ đồng, tương ứng 9.171 đồng/chứng chỉ quỹ (không bao gồm cổ tức 1.000 đồng/chứng chỉ quỹ đã chia trong tháng 04/2010). Trong năm 2010, NAV của VF4 giảm 13,1% (chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm tương ứng 2% và 32,1% trong kỳ)

Tăng trưởng từ khi thành lập của VF4 đến ngày 31/12/2010 vẫn là 11,7% trong khi VN-Index và HNX-Index lại giảm tương ứng 28,5% và 50,8% trong cùng kỳ.

Danh mục đầu tư của VF4 sẽ được chia thành hai phần: danh mục chủ chốt bao gồm các cổ phiếu niêm yết hàng đầu có vốn hóa lớn chiếm 50-80%NAV và danh mục năng động chiếm 20% - 40% NAV.

Danh mục đầu tư của VF4 đến cuối năm 2010 bao gồm 34 khoản đầu tư, tập trung vào 10 nhóm ngành (2009: 20 khoản đầu tư, 9 nhóm ngành), trong đó đầu tư mới vào 18 CP và thanh hoán hoàn toàn 4 CP.

5 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong NAV, chiếm 74,7% NAV và 83,3% tổng giá trị đầu tư  gồm:  Vật liệu – Khai khoáng 25,2%, Cơ sở hạ tầng – Bất động sản 22,2%, Hàng hóa Công nghiệp 11,4%, Thực phẩm & Nước giải khát 9,3%, Bán lẻ 6,5%.

6 tháng cuối năm tập trung vào mua bán tại các vùng giá khác nhau - trading

Năm 2010, VF4 giải ngân chủ yếu ở 6 tháng đầu năm chiếm đến 71,7% tổng giá trị giải ngân cả năm. Trong 6 tháng cuối năm giá trị giải ngân giảm mạnh do VF4 chủ yếu tập trung vào việc mua bán tại các vùng giá khác nhau (trading) và cũng do thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm giảm mạnh về tính thanh khoản.

Trong năm qua, 3 nhóm ngành chiếm tỷ trọng giải ngân cao nhất là Cơ sở hạ tầng – Bất động sản, Vật liệu – Khai khoáng và Hàng hóa Công nghiệp chiếm 70,8% tổng giá trị giải ngân năm 2010.

Đối với hoạt động thanh hoán, VF4 tập trung trong 6 tháng đầu năm thanh hoán đến 78,5% tổng giá trị thanh hoán trong năm. Riêng trong Quý II/2010, giá trị thanh hoán tăng mạnh. Theo VF4, do đây là thời điểm thị trường chứng khoán sôi động nhất trong năm với một đợt tăng trưởng giá khá tốt và thanh khoản cao nhất.

VF4 đã thanh hoán chủ yếu các khoản đầu tư vào ngành Cơ sở hạ tầng – Bất động sản, Ngân hàng – Dịch vụ tài chính và Vật liệu – Khai khoáng chiếm tổng cộng 62,6% giá trị thanh hoán năm 2010.

Năm 2010, VF4 ghi nhận mức lỗ tổng cộng 123,2 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí. Mức lỗ từ hoạt động đầu tư là 105,1 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản lỗ chưa thực hiện 161,4 tỷ đồng do giảm giá CP.
 
Chuyển đổi mô hình hoạt động

Trả lời chất vấn của cổ đông về chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ, Ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc cho biết, VFM đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ sang quỹ mở. Khi luật cho phép, loại hình nào tốt nhất cho quỹ (cân đối quyền lợi giữa nhà đầu tư muốn rút vốn và nhà đầu tư không muốn rút vốn về), ban lãnh đạo sẽ xem để thực hiện loại hình đó như: loại hình mở từng đợt trong năm.

Hiện tiền mặt của VF4 còn khoảng 5~7% NAV. Với kỳ vọng thị trường không xuống quá sâu, VF4 sẽ thực hiện chuyển CP có lời thành tiền trong 6 tháng đầu năm - ngay khi thị trường có dấu hiệu tăng đột biến nhằm tăng tỷ lệ tiền mặt 10~15%. Việc tăng tỷ lệ tiền mặt nhằm đón đầu cơ hội tham gia vào các đợt cổ phần hóa, IPO các doanh nghiệp tới đây trong ngành hàng không và viễn thông.

Ông Dominic Scriven thành viên ban đại diện quỹ chia sẻ, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp huy động vốn, nhưng mang lại cơ hội để quỹ có thể thỏa thuận giá tốt.

Về hoạt động chiến lược đầu tư của các quỹ, Ông Dominic cho biết: Trong 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ gồm phân bổ tài sản, lựa chọn CP, thời gian đầu tư, yếu tố quyết định phân bổ tài sản là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng rất lớn đến quỹ. Hiện danh mục đầu tư của VF4 gồm 60% cổ phiếu blue chips và 40% là Mid-cap. Cổ phiếu Mid-cap tăng lên bởi theo đánh giá của quỹ đây là nhóm tạo ra sức bật cao hơn trung bình thị trường cho VF4 khi thị trường phục hồi. Bởi năm 2010 P/E của nhóm này khoảng 6, hiện tại khoảng 5, trong khi đó P/E toàn thị trường khoảng 8.

Tại đại hội, nhà đầu tư cũng đặt ra vấn đề nghi ngờ hoạt động của quỹ không được ngân hàng giám sát chặt chẽ, ông Tân cho biết, tất cả các chi phí quản lý quỹ và ngân hàng giám sát đều tính trên NAV, nên quyền lợi gắn chặt với quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, không có hành vi móc ngoặc mua bán bên ngoài.

Tổng tài sản ròng (NAV) của VF4 tại ngày 31/12/2010 đạt 739,6 tỷ đồng, tương ứng 9.171 đồng/chứng chỉ quỹ. NAV của VF4 đã giảm 13,1% trong năm 2010, điều này ít nhiều gây lo lắng cho nhà đầu tư của quỹ.

Ông Dominic cho biết, bức xúc lớn nhất của ban đại diện quỹ và VFM không hẳn là NAV mà sự chênh lệch lớn giữa NAV và thị giá chứng chỉ (chiết khấu cao). Do quy định, quỹ không thể thực hiện mua lại chứng chỉ quỹ như các doanh nghiệp cổ phần mua lại cổ phiếu trên thị trường nhằm thu hẹp chênh lệch giữa NAV và giá.

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ sang quỹ mở có thể sẽ thu hẹp chênh lệch giữa NAV và giá chứng chỉ quỹ.

T. Sam

quynhnn

Trở lên trên