MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị kê biên tài sản

Việc CTCK cố ý khuyến cáo khách hàng không chính xác về 1 loại cổ phiếu bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng; hành vi thao túng giá chứng khoán bị xử phạt từ 200-300 triệu đồng.

Bộ Tài chính vừa trao cho Chủ tịch UBCK được quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (lĩnh vực chứng khoán) do mình hoặc cấp dưới ban hành nếu tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực chứng khoán không hoặc chưa kịp chấp hành quyết định cưỡng chế.

Theo Thông tư 37/2011/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành thì tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn và sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Việc cưỡng chế được thực hiện dưới hình thức khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; kê biên phần tài sản, chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác để tịch thu khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do hành vi vi phạm hành chính; đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán; đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Theo Thông tư 37/2011/TT-BTC, trường hợp một hoặc một số tài liệu trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán có thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán của UBCK hoặc sự đánh giá, quyết định đầu tư của nhà đầu tư đều được coi là vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Tổ chức phát hành, bảo lãnh, tư vấn phát hành; tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.

Hành vi cố ý che giấu nội dung liên quan đế hồ sơ chào bán chứng khoán sẽ bị phạt từ 150 - 200 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức phát hành, bảo lãnh, tư vấn phát hành; tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật). Mức phạt tiền từ 1% - 5% tổng số tiền đã huy động được áp dụng đối với hành vi tạo dựng hoặc xác nhận tài liệu giả mạo để đăng ký chào bán chứng khoán.

Việc sử dụng thông tin không có hoặc không chính xác với nội dung tại Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký để thăm dò thị trường trước khi được phép thực hiện chào bán chứng khoán bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng.

Trường hợp chào bán chứng khoán trong khi UBCK đang xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán sẽ bị phạt tiền từ 1 - 5 lần khoản thu trái pháp luật. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm lãi suất ngân hàng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Hành vi vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán (GDCK), theo Thông tư 37/2011/TT-BTC là việc một hoặc một số tài liệu trong hồ sơ đăng ký niêm yết, GDCK có thông tin không chính xác gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến việc ra quyết định chấp thuận niêm yết, đăng ký giao dịch của Sở GDCK/Trung tâm GDCK hoặc sự đánh giá, quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

Hành vi không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết, GDCK khi phát hiện có thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng hoặc phát sinh những sự kiện mới ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp mà không bổ sung cũng được coi là vi phạm và bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.

Tổ chức đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán; tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập, xác nhận hồ sơ đăng ký giao dịch cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật sẽ bị phạt từ 150 - 200 triệu đồng vì hành vi này được coi là cố ý che giấu sự thật về những nội dung liên quan đến hồ sơ đăng ký niêm yết, GDCK.

Mức xử phạt sẽ tăng lên từ 400 - 500 triệu đồng nếu tổ chức đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán; tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để đăng ký GDCK vì hành vi này được coi là tạo dựng hoặc xác nhận tài liệu giả mạo để đăng ký niêm yết, GDCK.

Thông tư 37/2011/TT-BTC quy định, việc tổ chức bất kỳ một địa điểm hoặc một hình thức trao đổi thông tin nào để thực hiện mua - bán chứng khoán ngoài Sở GDCK/Trung tâm GDCK đều được coi là vi phạm quy định về tổ chức thị trường GDCK và bị xử phạt theo một mức cố định là 500 triệu đồng

Việc công ty chứng khoán cố ý cung cấp cho khách hàng và nhà đầu tư thông tin, đưa ra những nhận định, tư vấn hoặc khuyến cáo không chính xác, không đầy đủ, che giấu sự thật về giá hoặc các yếu tố ảnh hưởng tới giá của một hoặc nhiều loại chứng khoán được coi là hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán bị xử phạt từ 50 - 70 triệu đồng.

Công ty chứng khoán cố ý không thực hiện đúng lệnh GDCK của nhà đầu tư (trừ trường hợp nhà đầu tư ra lệnh không đúng quy định pháp luật) được coi là làm trái lệnh nhà đầu tư cũng bị xử phạt tương tự như hành vi không thực hiện nguyên tắc ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của chính công ty chứng khoán và bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng.

Theo Thông tư 37/2011/TT-BTC, vi phạm quy định về giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán (bị phạt 200-300 triệu đồng) được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua - bán chứng khoán nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo; một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua - bán chứng khoán mà không chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm.

Hành vi liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá mới trên thị trường cũng được coi là thao túng giá chứng khoán và bị xử phạt từ 200-300 triệu đồng.

GDCK bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua - bán gây ảnh hưởng lớn đến cung - cầu và giá chứng khoán; đưa ra ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, tổ chức phát hành nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán nào đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện hành vi giao dịch khác để tạo cung - cầu giả tạo cũng được coi là hành vi thao túng giá và bị xử phạt từ 200-300 triệu đồng.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên