MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinaCapital: Năm 2013 mục tiêu của VOF là giữ tỷ lệ lợi nhuận 25%

Chức năng của VinaCapital là quản lý quỹ, nó đã nằm trong “máu” của VinaCapital. Vì vậy, nếu không huy động thêm quỹ đồng nghĩa “mình chết”.

Trong 2 ngày 18-19/10/2012 Tập đoàn quản lý tài sản, quản lý đầu tư và phát triển bất động sản tại Việt Nam - VinaCapital đã tổ chức “Hội nghị các Nhà đầu tư VinaCapital 2012” để cập nhật tình hình hoạt động của các quỹ trong năm và các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chia cổ tức hơn 51 triệu USD bằng cách mua lại CCQ

VinaCapital hiện đang quản lý 3 quỹ niêm yết tại Thị trường chứng khoán Luân Đôn có tổng giá trị tài sản tính đến hết tháng 9 là 1,5 tỷ USD gồm: VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), NAV 725,3 triệu USD; Vinaland Limited (VNL), NAV 540,3 triệu USD; và Vietnam Infrastructure Limited (VNI), NAV 203,6 triệu USD.

Ngoài ra, VinaCapital còn có 1 quỹ thành viên dạng đóng là DFJ VinaCapital L.P có NAV 32 triệu USD chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và truyền thông tại Việt Nam.

Từ đầu năm đến ngày 16/10/2012, quỹ VOF đã thực hiện chia cổ tức hơn 51 triệu USD, thông qua mua lại chứng chỉ quỹ. Ông Andy Ho chia sẻ: ở nước ngoài việc chia cổ tức cho các nhà đầu tư của quỹ phần lớn thông qua việc mua lại CCQ.

Bởi phương án chia cổ tức bằng tiền không có lợi cho nhà đầu tư do các vấn đề liên quan về thuế. Việc chia cổ tức bằng mua lại CCQ là hình thức có lợi nhất cho nhà đầu tư ở nước ngoài do mức thuế thấp nếu NĐT bán CCQ, hoặc giá CCQ tăng lên.

Được biết, trong trường hợp các quỹ trả cổ tức bằng tiền nhà đầu tư sẽ chịu mức thuế thu nhập trên 20% (tương đương số tiền thực nhận khoảng 80% ); trong trường hợp bán chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư chỉ đóng thuế dưới 0,5% giá trị giao dịch; hoặc hạch toán lãi lỗ có thể né được thuế. 
 
Chia cổ tức qua phương án mua lại CCQ là độc lập với việc giảm chiết khấu của CCQ. Về lý thuyết khi mua lại CCQ không làm giảm chiết khấu do NAV sẽ tăng lên, giá CCQ cũng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, do mức tăng giá của CCQ cao hơn NAV nên đã giảm chiết khấu.

Câu hỏi đặt ra việc mua lại CCQ sẽ làm thu hẹp quy mô hoạt động của quỹ, tới đây VinaCapital có phát triển/huy động quỹ mới hay không? Ông Andy Ho cho biết:

Chức năng của VinaCapital là quản lý quỹ, nó đã nằm trong “máu” của VinaCapital. Vì vậy, nếu không huy động thêm quỹ đồng nghĩa “mình chết”. Do đó, VinaCapital sẽ huy động thêm quỹ mới, thậm chí là thành lập công ty con hoạt động đầu tư/hợp tác với một công ty Việt Nam để thành lập công ty con VinaWealth để huy động tiền ở Việt Nam đầu tư tại Việt Nam.

Việc huy động tiền quản lý quỹ, quản lý đầu tư là tiếp tục làm, quan trọng là VinaCapital phải hoạt động hiệu quả để nhà đầu tư tin tưởng đầu tư vào.     

Hiện, 3 quỹ niêm yết tại Luân Đôn có mức chiết khấu khoảng 30 – 50% NAV của từng quỹ.

Cơ hội đầu tư từ những mức giá hấp dẫn

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, VinaCapital cho rằng, chỉ số P/E của Vn-Index là 9,9x, thấp hơn đáng kể so với các thị trường tương đương trong khu vực (17x).

Nhưng, thị trường Việt Nam đang bộc lộ những yếu điểm khi đem so sánh với các thị trường Asean khác vì: (i) Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn; (ii) Lo ngại về hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu tăng; (iii) Bất ổn về tâm lý do việc bắt giữ một số doanh nhân có ảnh hưởng lớn.

Vì vậy, nhiều tài sản tại Việt Nam đang được định giá ở mức thấp hơn các thị trường láng giềng. Các tài sản tư nhân hấp dẫn hơn cả vì có thể mua được ở mức giá thấp hơn 20 – 30% so với tài sản đại chúng.

VOF – Mục tiêu đầu tư giữ vững tỷ lệ lợi nhuận 25%/năm

Theo ông Andy Ho, mục tiêu đầu tư của quỹ VOF là giữ vững tỷ lệ lợi nhuận 25%/năm qua các khoản đầu tư tầm trung và dài hạn; thu lợi nhuận khi thực hiện.

VOF chuyên đầu tư vào những khu vực kinh tế chính hỗ trợ cho nền kinh tế tiêu dùng nội địa đang lớn mạnh của Việt Nam: dịch vụ tài chính, phát triển bất động sản, sản xuất hàng hóa tiêu dùng và các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế.

Năm 2013, chiến lược đầu tư của VOF là tập trung vào những cổ phiếu có mức chiết khấu cao – nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng mạnh; những tài sản bị định giá dưới giá trị thực và các cơ hội M&A. Năm tới VOF tiếp tục chủ động tìm kiếm cơ hội thoái vốn cho các tài sản khi đạt mức giá thị trường cao.

Trả lời câu hỏi về việc lựa chọn ngành hàng để thoái vốn, theo ông Andy Ho, VOF quyết định thoái vốn một dự án khi: (i) có mức giá tốt – mức giá đảm bảo lợi nhuận 25% và 12 tháng sau khó có thể đạt được mức giá cao hơn 1,25 giá hiện tại; (ii) phải có dự án mới thay thế, có mức sinh lợi 25% để quỹ có thể đầu tư từ khoản tiền thu về từ thoái vốn. 

Q. Nguyễn

quynhnn

VinaCapital

Trở lên trên