MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinaCapital và canh bạc VinaWealth

Mặc dù sở hữu cổ phần chưa đạt tỷ lệ quá bán, nhưng ảnh hưởng của VinaCapital tại VinaWealth vô cùng đậm nét.

Những ngày qua, NĐT đang bàn tính thiệt hơn khi đầu tư vào Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF), hoạt động theo hình thức quỹ mở. VFF chính là sản phẩm của CTCP Quản lý quỹ VinaWealth (VinaWealth), hiện có vốn điều lệ 39,21 tỷ đồng, trong đó VinaCapital sở hữu 49%, còn lại là các NĐT cá nhân trong nước.

Dễ hiểu nhầm thương hiệu

Mặc dù sở hữu cổ phần chưa đạt tỷ lệ quá bán, nhưng ảnh hưởng của VinaCapital tại VinaWealth vô cùng đậm nét. Chủ tịch HĐQT của VinaWealth là ông Andy Ho, hiện đang là Giám đốc Điều hành và người đứng đầu bộ phận đầu tư của VinaCapital, cũng là thành viên Hội đồng Đầu tư VinaWealth.

Chưa kể, logo của VinaWealth và VinaCapital cũng có nhiều nét tương đồng về hình dạng chữ V nằm trong ô vuông, chỉ khác nhau về màu sắc. Chính vì vậy, VinaCapital cũng sẽ có đóng góp không nhỏ khi lập ra quỹ mở VFF.

Cũng vì vậy, việc “hiểu nhầm” VinaWealth hay VFF là “con” của VinaCapital hoàn toàn có thể xuất hiện. Vì đến giờ không phải ai cũng nắm rõ việc công ty quản lý quỹ gọi vốn lập quỹ, hưởng phí quản lý chứ không phải công ty mẹ của quỹ, chưa kể chữ “Vina” của cả 2 ở trên logo có nhiều nét tương đồng.

Mặc dù VFF vẫn đang trong giai đoạn “chào hàng” thị trường, nhưng có thể thấy VinaCapital cũng như VinaWealth đã nhận được không ít lợi thế từ việc có được giấy phép cho quỹ mở này.

Việc VinaWealth với sự hậu thuẫn của VinaCapital có được giấy phép lập quỹ mở vào loại đầu tiên trên thị trường Việt Nam sẽ tạo thêm một dấu ấn quan trọng trong “bảng thành tích” của mình. Thông thường, một số công ty quản lý quỹ vẫn có thói quen “khoe” hoặc “chém gió” về việc mình gọi vốn, điều đó cho thấy “thành tích” về việc lập quỹ là rất quan trọng.

Cá nhân ông Don Lam, CEO của VinaCapital cũng được đánh giá rất cao về khả năng gọi vốn đầu tư, vì vậy VFF cũng có thể là thành tích chứng tỏ “đẳng cấp” của ông này. Quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam, nghe rất “oách”, nói đơn giản cả VinaCapital và VinaWealth sẽ có thêm cơ sở để chứng tỏ năng lực của mình.

Hiện thực khắc nghiệt

Để đầu tư thành công cần hội tụ khá nhiều điều kiện, trong đó không thể thiếu 2 yếu tố là năng lực cũng như cơ hội đầu tư. Hiện nay, VinaCapital quản lý 3 quỹ đóng.

Nhưng tâm lý của NĐT với quỹ đóng trong những năm qua không thực sự tích cực, phần vì thị trường xấu, nhưng mặt khác cũng phải nói rằng năng lực của một số công ty quản lý quỹ có vấn đề.

Bề dày kinh nghiệm của VinaCapital rất rõ ràng, nhưng có một thực tế là không phải lúc nào tập đoàn quản lý tài sản này cũng cho thấy mình “vượt trội” so với thị trường. Có thể với quỹ mở đầu tiên, thị trường sẽ tò mò xen lẫn hồ hởi, nhưng sau đó là những đánh giá thận trọng và thậm chí khắt khe.

Vì 3 quỹ do VinaCapital quản lý không phải là quỹ mở, nên NĐT cũng chẳng có cơ sở để “tham chiếu” về hiệu quả ngay trong thời điểm hiện tại, mà chỉ có thể tin tưởng dựa vào những thành tích lẫy lừng trong quá khứ.

Những năm gần đây, mặc dù VinaCapital vẫn công bố những hoạt động khá đa dạng của mình trong nhiều lĩnh vực, nhưng về mặt cảm quan, dấu ấn của VinaCapital trong lĩnh vực bất động sản khá đậm nét. Nói đơn giản, nếu đi du lịch đến Nha Trang hay Đà Nẵng, những dự án bất động sản “khủng” tại 2 thành phố du lịch này đều không thể thiếu VinaCapital.

Vì vậy, nếu ai đó có hỏi cắc cớ rằng: Đang làm “đất” giờ qua làm “trái phiếu” liệu có ổn hay không? Đầu tư trái phiếu mặc dù không “nổi” như đầu tư CP, nhưng cũng đòi hỏi trình độ nghiệp vụ rất cao, mà trên thị trường hiện nay cũng chỉ có một số ít người và số ít quỹ chứng minh được năng lực trong mảng trái phiếu. Vậy VinaCapital và VinaWealth có “bài” gì?

Trở lại với ông Andy Ho, một nhân vật quan trọng của cả 2 doanh nghiệp vừa nêu, nếu xem kỹ trong bảng thành thích của ông, có thể thấy ông đã có thời gian làm việc tại Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam với chức danh Giám đốc đầu tư Prudential Việt Nam (giờ đã đổi tên thành Eastspring Investments), quản lý dòng tiền đến từ bảo hiểm, nên thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu rất rõ ràng.

Vì vậy, có thể kỳ vọng vào việc ông Andy Ho đã thừa hưởng được những kinh nghiệm đầu tư trái phiếu thời còn làm việc ở đây. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ông Andy Ho đã đi khỏi Prudential lâu quá, quản lý bất động sản và các mảng khác quá lâu, e rằng “độ nhạy” trong việc giao dịch trái phiếu sẽ giảm sút.

Tất nhiên, những giả thiết, câu hỏi đặt ra ở trên vẫn phải đợi thời gian trả lời, nhưng nó cũng cho thấy sự khắc nghiệt khủng khiếp đối với việc lập ra và vận hành VFF.

Đành rằng, quỹ mở hiểu một cách đơn giản là NĐT bỏ tiền vào, nếu không thích thì rút tiền ra. Nhưng nếu đã không thấy hấp dẫn, không tin tưởng chẳng ai thực hiện các giao dịch này cho mất công sức của mình. Có lẽ VinaCapital và VinaWealth sẽ còn phải chứng minh bản thân nhiều hơn nữa.

Theo Thái Ca

Sài gòn đầu tư

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên