MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinamotor: Khi bánh xe rời vạch IPO

Cty mẹ - TCty Công nghiệp ôtô (Vinamotor) thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã công bố kế hoạch chào bán 51 triệu cổ phần ra bên ngoài. Đây là một trong những cuộc IPO TCty lớn của năm nay.

Trước khi được phê duyệt chào bán cổ phần ra công chúng, từ giai đoạn 1964, Vinamotor với tiền thân là Cục Cơ khí Bộ Giao thông Vận tải được thành lập như một trụ cột xương sống của quá trình hình thành phát triển ngành công nghiệp ôtô VN.

Trước vạch IPO

Theo công bố thông tin của Vinamotor trước thời điểm IPO, tính đến 30/6/2013, TCty có 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 đơn vị sự nghiệp có thu, 14 Cty con ( TCty nắm giữ >50% vốn điều lệ); 19 Cty liên kết (TCty nắm giữ <50% vốn điều lệ) và 02 Cty liên doanh. So với một số TCty ở các lĩnh vực ngành khác thì quy mô của Vinamotor không quá mức “bành trướng” nhưng cũng không phải quá “gọn nhẹ”, mặc dù chức năng ngành nghề kinh doanh thì không thể phủ nhận là khá dàn trải. Đây vốn dĩ là một lợi thế để TCty sớm triển khai kế hoạch cổ phần hóa.

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinamotor sẽ cổ phần hóa theo phương thức bán bớt vốn nhà nước và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ. Cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu là 100.000.000 cổ phần tương đương vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Sau IPO, Nhà nước chỉ nắm 48,5%, 5% do người lao động tại DN và tổ chức Công đoàn nắm, 51% được chào bán công khai và room cho nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng tối đa 49%.

Theo một chuyên gia, đây là cơ cấu vốn hợp lí, thể hiện quyết tâm thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và tái cấu trúc lại Vinamotor của cơ quan chủ quản và doanh nghiệp. Bởi thực tế việc Nhà nước thu hẹp tỷ lệ sở hữu dưới 49% đối với Vinamotor là một tính toán hợp lí nhằm tăng cường sự hấp dẫn, thu hút đối tác chiến lược, để đối tác chiến lược nhìn thấy cơ hội đầu tư từ việc có dư địa hỗ trợ kiểm soát và tham gia hoạt định chiến lược phát triển thông qua tỷ lệ sở hữu cổ phần đủ sức chi phối. Mọi so sánh là khập khiễng nhưng hiện tượng Nhà nước nắm giữ tỷ lệ hữu thấp dưới 50% và đã hỗ trợ DN phát triển mạnh mẽ như trường hợp Vinamilk, có thể là điều mà Vinamotor và nhiều DN đang trong lộ trình cổ phần hóa muốn mơ tới, khi TCty này cũng thuộc lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không thể “buông tay” 100%.

Tuy nhiên, ngày IPO sắp đến gần nhưng Vinamoto vẫn chưa có đối tác chiến lược. Phải chăng vì cổ phần chào bán ngang mệnh giá của Vinamotor không thực sự hấp dẫn?

Soi qua các số liệu kinh doanh trong báo cáo tài chính của Vinamotor 3 năm trở lại đây, một vài điểm xám đang nổi lên.

Thứ nhất, mặc dù là trụ cột, xương sống của một ngành cơ khí, công nghiệp hiện đại nhưng Vinamotor vẫn đang kinh doanh lỗ: Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Vinamotor âm 62,3%; năm 2011 Vinamotor lãi khiêm tốn 11 tỉ đồng, năm 2012 lãi 16 tỉ đồng và năm 2013, 6 tháng đầu năm tiếp tục lỗ 52,69 tỉ đồng. Giải thích trong công bố thông tin IPO, Vinamotor cho rằng nguyên nhân lỗ là do năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc rà soát báo cáo hiện trạng tài chính để làm cơ sở xây dựng Đề án tái cơ cấu, Tổng Cty tiến hành phân loại và thực hiện trích lập các khoản chi phí: chi phí dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí dự phòng công nợ phải thu khó đòi…

Đây là các khoản chi phí còn tồn tại từ các năm trước nhưng chưa được ghi nhận. Trên cơ sở báo cáo của TCty, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt đề án Tái cơ cấu nên khi thực hiện ghi nhận thì TCty phát sinh khoản lỗ bất thường vào năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kết quả hợp nhất của toàn TCty (bao gồm Cty mẹ và các Cty con) lỗ chủ yếu là do việc xác định lại giá trị DN để cổ phần hóa tại 2 đơn vị thành viên là: Cty TNHH Cơ khí Ngô Gia Tự và Cty TNHH ôtô 1 - 5. Kết quả xác định giá trị DN tại 2 đơn vị trên đã được Bộ GTVT phê duyệt và hiện đã hoàn thành việc bán đấu giá cổ phần lần đầu.

Trong định hướng sau IPO, Vinamotor cơ cấu lại và tập trung vào 4 lĩnh vực cốt lõi, đều là những lĩnh vực có triển vọng khi nền kinh tế VN bước vào chu kì tăng trưởng mới.

Thứ hai, bên cạnh những yếu tố khách quan do nội địa nền kinh tế đang khó khăn, đặc biệt ngành công nghiệp ôtô nội địa vẫn còn nhiều vấn đề cần tái cấu trúc toàn diện về chiến lược, kéo theo khó khăn chung của DN, một trong những điểm xám của Vinamotor trong đợt IPO lần đầu này là việc ghi nhận tình trạng đầu tư mất vốn - như nhiều DNNN khác - dù số mất mát không quá lớn chỉ khoảng trên 80 tỷ đồng. Cùng với đó, Vinamotor đang có khoản mục đầu tư tài chính dài hạn cũng không “khiêm tốn” với khoảng 600 tỉ đồng, xấp xỉ vốn chủ sở hữu. Chưa rõ khoản mục đầu tư tài chính dài hạn này cụ thể bao gồm những hạng mục nào, vào các DN, tài sản nào, lộ trình và cơ hội thoái vốn cổ phần, bán vốn đầu tư có mang lại lợi nhuận hay giúp Vinamotor hoàn nhập dự phòng hay không. Nhưng đây sẽ là khoản, cùng với “các khoản phải thu” đang lớn tại Vinamotor, sẽ được các nhà đầu tư lưu ý.

Cỗ xe lớn trên đường cao tốc...

So với các DN nội địa cùng ngành, Vinamotor đã và tiếp tục sẽ có những lợi thế về vai trò của một DNNN. Bên cạnh lợi thế là DN đầu ngành, tiên phong thì riêng về lợi thế vốn, lợi thế nguồn lực từ dấu ấn DNNN cũng đã rất đáng kể. Cần nhớ là chi phí tài chính, chi phí lãi vay ngốn tỷ trọng khá lớn trong bảng chi phí/ tổng doanh thu thuần của Vinamotor ba năm qua và hễ chi phí giảm đi thì Vinamotor có lãi, chi phí tăng thêm thì lợi nhuận theo chiều ngược lại. Nói cách khác, hoạt động của Vinamotor đang phần nào phụ thuộc nguồn vốn (vay), và theo thông lệ bất thành văn trên thị trường, DNNN (dù cổ phần) đôi khi vẫn được ưu đãi vốn vay tốt hơn các DNNVV tư nhân.

Mặt khác, và quan trọng nhất, trong định hướng sau IPO, Vinamotor cơ cấu lại và tập trung vào 4 lĩnh vực cốt lõi, đều là những lĩnh vực có triển vọng khi nền kinh tế VN bước vào chu kì tăng trưởng mới và kinh tế thế giới khởi sắc: Cơ khí ôtô - đang chiếm doanh thu chính và bản thân Vinamotor đã có nhiều đơn hàng lớn, dài hạn, có thương hiệu riêng thân thiện với môi trường, được nhiều địa phương ưa chuộng, Cơ khí, máy công trình – lĩnh vực đáng được quan tâm khi VN vẫn đang trong giai đoạn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải; Hoạt động vận tải – gắn liền và phụ trợ cho lĩnh vực cơ khí ôtô, phát triển và khai thác sản phẩm, nhãn hàng truyền thống; Xuất khẩu lao động – với thị trường có 50% dân số trong cơ cấu đang độ tuổi lao động vàng thì xuất khẩu lao động là “miếng bánh” ngon cho những DN đã có thị trường và có kinh nghiệm tuyển chọn đầu vào, quản trị chất lượng nhân lực có hệ thống.

Nhưng thách thức bây giờ của Vinamotor vẫn là phải tìm người đồng hành, những tay lái chuyên nghiệp, quản trị và thích ứng được với mô hình Cty mới, định hướng kinh doanh mới, với những khung khổ pháp lí mới. Bởi như với tất cả mọi DNNN cổ phần hóa khác, IPO mới chỉ là một vạch xuất phát của Vinamotor trên đường cao tốc mới có trải nhựa đường.

Theo Lê Mỹ

thanhhuong

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên