MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ngoại tham gia cổ phần hóa tăng, nhưng còn thấp

Trong năm 2014, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước qua thị trường chứng khoán đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp, khó đạt được mục tiêu thay đổi quản trị của doanh nghiệp.

DNNN hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong năm 2014 có những diễn biến khả quan về tốc độ tăng chỉ số và sự gia tăng khối lượng giao dịch. Chỉ số VN-Index năm 2014 tăng trưởng 8% so với năm 2013. Trong khi đó, mức tăng trưởng của HNX-Index là 22%.

Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK đạt 237.000 tỷ, trong đó phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chiếm 23.000 tỷ. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với mức giao dịch bình quân 5.500 tỷ đồng/phiên. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay.

Mức vốn hóa thị trường vào khoảng 60 tỷ USD, chiếm 31,5% GDP. Trong đó, giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 14,4 tỷ USD, tăng khoảng 2,8 tỷ USD so với cuối 2013.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ nên kinh tế vĩ mô ổn định, giúp thị trường chứng khoán hồi phục. Từ đó, kết quả cổ phần hóa qua thị trường chứng khoán đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2014, số lượng cổ phần chào bán qua TTCK thu được 11.400 tỷ, tăng rất cao so với các năm trước (tăng 8 lần so với năm 2013 và tăng 32 lần so với năm 2012).

Tỷ lệ đấu giá cổ phần thành công cao hơn so với thời gian trước. Trước đây, tỷ lệ cổ phần đấu giá thành công khoảng 40%, còn năm 2014 tỷ lệ này là 66%.

Trong quý I/2015, 18 DNNN bán đấu giá cổ phần với khối lượng chào bán là 100 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ thành công là 40% và tổng số tiền thu được là 805 tỷ đồng. Cùng thời gian này, các DNNN đã thoái vốn qua TTCK 1.520 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2014.

“Thặng dư vốn đã tăng vọt lên 18%, tương ứng với gần 2.000 tỷ đồng, trong khi trước đây chỉ tăng khoảng vài phần trăm”, ông Vũ Bằng cho biết.

Một điểm đáng chú ý theo ông Vũ Bằng là việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào đấu giá tốt hơn thời kỳ trước đây. Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào cổ phần hóa DNNN chỉ chiếm chưa đầy 2% thì trong năm 2014, tỷ lệ này đã là 9,4%.

Trong năm 2014, sự kiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex được coi như một thành công trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, 30 nhà đầu tư nước ngoài đã mua trọn gói hơn 55 triệu số cổ phiếu, gần bằng một nửa tổng số cổ phiếu chào bán của Vinatex.

Việc đa dạng hóa sở hữu DNNN được coi là điều kiện quan trọng để thay đổi năng lực quản trị của doanh nghiệp. Đây là một mục tiêu quan trọng của cổ phần hóa DNNN, nhất là khi có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vốn có nhiều kinh nghiệm trong quản trị, nguồn vốn và thị trường.

Nhưng vẫn chưa đủ

Vẫn theo ông Vũ Bằng, việc bán cổ phần của nhiều DNNN có thể chưa mang lại giá tốt nhưng sau khi niêm yết trên TTCK thì mang lại hiệu quả tốt hơn trước rất nhiều. Tính tới hết năm 2014, vốn chủ sở hữu của DNNN sau niêm yết tăng bình quân 12%/năm, lợi nhuận năm sau tăng 10% so với năm trước, doanh thu cũng tăng 20%.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần hóa DNNN có tăng nhưng vẫn còn thấp. Hơn nữa, chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tổ chức tham gia để thay đổi quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất.

Nguyên nhân chính được ông Vũ Bằng chỉ ra là do tỷ lệ cổ phần bán ra thấp, nên khó thay đổi quản trị doanh nghiệp. Một số DNNN chỉ tiến hành bán ra khoảng 2-3% tổng số cổ phần nên không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Tất nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (như giá trị doanh nghiệp của phù hợp hay không, lộ trình niêm yết trên TTCK của DN sau cổ phần hóa...). Tuy vậy, tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư chiến lược được nắm giữ tại doanh nghiệp có đạt mức tối thiểu để họ tham gia vào quản trị doanh nghiệp hay không đang là yếu tố quan trọng, chi phối quyết định của những nhà đầu tư này.

Trong khi đó, không thể phủ nhận việc quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư chiến lược cả ở trong và ngoài nước tới việc cổ phần hóa các DNNN. Bằng chứng là trong thời gian qua, nhiều tổ chức kinh tế, lãnh đạo các quốc gia thường xuyên tiếp xúc, bày tỏ quan tâm tới tiến trình này với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành của Việt Nam.

Trường hợp cổ phần hóa Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) là ví dụ điển hình trong việc thu hút nhà đầu tư tổ chức. Tháng 3/2014, Vinamotor tiến hành phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chỉ bán được 1,5 triệu cổ phần/51 triệu cổ phần chào bán (tương ứng 3,1% vốn điều lệ). Song mới đây, khi Chính phủ đồng ý bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamotor (97,7%), thì ngay lập tức có 4 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua nốt số cổ phần này.

Một trường hợp tương tự là cảng Quảng Ninh. Sau khi thông báo bán toàn bộ vốn đã thu hút được nhà đầu tư chiến lược tham gia. Nếu Nhà nước vẫn giữ 75% vốn điều lệ thì khó tránh khỏi cảnh ế ẩm.

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Vũ Bằng đề nghị cần sớm nâng tỷ lệ chào bán cổ phần, tăng tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết, ngoại trừ doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc này sẽ thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nói riêng.

Đi liền với đó, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn việc chào bán cổ phần theo lô, thúc đẩy nhanh hơn việc tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào cổ phần hóa DNNN. “Đây được coi là nội dung quan trọng làm thay đổi quản trị của công ty”, ông Bằng nói.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc chào bán cổ phần theo lô cần được xử lý ở những trường hợp cá biệt là phù hợp nhất.

Vẫn theo ông Bằng, cơ quan chức năng cần có quy định về công bố thông tin về cổ phần hóa sớm hơn để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Đồng thời, cần gắn đấu giá cổ phần với thực hiện giao dịch niêm yết để nhà đầu tư có quyền sở hữu và chuyển nhượng cổ phần nhanh hơn, tránh đọng vốn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, cần phải có một chế tài xử lý các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm đưa vào giao dịch trên TTCK.

Những vướng mắc trên đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo sửa đổi Nghị định số 58/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) và sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Theo Thành Chung

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên