MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ việc tại HSC: Lời kêu cứu của nhà đầu tư

Các giao dịch đều bằng miệng và qua chat, không ký hợp đồng trực tiếp với công ty mà chỉ giao dịch qua nhân viên môi giới, đến khi mất tiền nhà đầu tư "kêu cứu" khắp nơi.

Đầu tháng 9/2012, UBCK đã nhận được thư phản ánh của một nhà đầu tư tên Nguyễn Thế Nhân, đặt tài khoản tại CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) trình bày việc trưởng phòng môi giới HSC Kim Liên là ông Nguyễn Viết Xuân nhận cọc bán khống nhưng không trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Anh Nhân cũng đã gửi thư phản ánh lên CafeF yêu cầu làm rõ và gửi đơn tố cáo đến Phòng cảnh sát công an kinh tế thành phố Hà Nội.


Biên bản làm việc của anh Nhân với UBCK

Theo đó, qua giao dịch ở HSC anh Nhân có quen trưởng phòng giao dịch HSC Kim Liên là ông Nguyễn Viết Xuân.

Ông Xuân đã giới thiệu cho anh Nhân sản phẩm mua bán T+0 cho khách hàng, ông Xuân nói đây là sản phẩm của công ty chứng khoán HSC nên việc mua bán là hoàn toàn tin tưởng và việc mua bán này thực hiện toàn toàn trên tài khoản của ông Xuân.

Theo đó, tại ngày T-1, ban đầu khách hàng sẽ chuyển tiền đặt cọc mua một lô hàng có sẵn (tỷ lệ đặt cọc từ 30-40% trị giá lô hàng, số còn lại công ty sẽ cho vay), các cam kết đều thỏa thuận bằng miệng và qua chat (Yahoo messenger). Sau khi chuyển tiền, sang đến ngày T nhà đầu tư có thể bán ngay số chứng khoán trên (bán T+0), sau một thời gian khi giá chứng khoán xuống thấp, nhà đầu tư có thể mua lại (cover) số đã bán để trả lại cổ phiếu cho ông Xuân.

Theo như đơn phản ánh, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2011 đến tháng 9/2011 anh Nhân đã 11 lần chuyển tiền cho ông Xuân vào hai tài khoản 011C127556 đứng tên Nguyễn Viết Xuân và 011C131000 đứng tên Nguyễn Việt Hùng là tài khoản ủy quyền em ruột của ông Xuân để đặt mua các lô hàng KLS và SHN, tổng các khoản tiền đã chuyển lên đến hơn 1,3 tỷ đồng.


Một trong các phiếu nộp tiền mặt của anh Nhân vào tài khoản Nguyễn Viết Xuân (tài liệu anh Nhân cung cấp)

Sau khi chốt mua các lô chứng khoán (có sẵn) nói trên, anh Nhân đã đặt bán số chứng khoán này từ ngày 05/9/2011-23/9/2011 nhưng sau đó ông Xuân nói không có chứng khoán để bán.

Anh Nhân đã đòi lại tiền của ông Xuân (1,3 tỷ đồng) nhưng ông Xuân đã xin anh Nhân một cơ hội sửa sai. Anh Nhân đồng ý chuyển số tiền đặt cọc trên để mua chứng khoán (thật), nhưng ông Xuân cho rằng nên mua trên tài khoản của ông Xuân vì ông Xuân là trưởng phòng giao dịch nên có nhiều dịch vụ margin hơn.

Đến ngày 28 và 29 /12/2011 anh Nhân đã đặt mua 50.000 cổ phiếu OGC giá 7.200 đồng/cp, 30.000 cổ phiếu VND và 15.000 cổ phiếu SCR giá 5.700 đồng/cp trên tài khoản của ông Xuân nhưng không có sao kê và anh Nhân đã phát hiện ra số chứng khoán đặt mua không khớp trên hệ thống. Anh Nhân đã yêu cầu ông Xuân hoàn trả số chứng khoán trên nhưng ông Xuân đã khất lần thứ hai.

Quá bức xúc, anh Nhân đã đi gặp lãnh đạo HSC tại Hà Nội nhưng HSC cho rằng vụ việc này không liên quan đến HSC vì anh Nhân không ký bất cứ hợp đồng nào với HSC còn ông Xuân không trả tiền cũng như trả chứng khoán cho anh Nhân suốt từ đó đến nay.

Có hành vi bán khống hay không?

Trên bảng sao kê tài khoản 011C127556 mang tên Nguyễn Viết Xuân mà ông Xuân đưa cho anh Nhân (vì anh Nhân yêu cầu phải đưa sao kê khớp lệnh chứng khoán), đã có rất nhiều lệnh chuyển tiền đặt cọc bán chứng khoán T+0 được chuyển đến tài khoản của Nguyễn Viết Xuân hoặc ông Xuân chuyển tiền sang các tài khoản khác để bán chứng khoán T+0.

Ví dụ ngày 02/08/2011, tài khoản 011C141xxx đã nộp cho ông Xuân 60 triệu đồng đặt cọc bán 20.000 cổ phiếu PVX giá 10.2 theo kỳ hạn tuần (ngày bán 2/8/2011 – T+0).

Ngày 15/3/2012, ông Xuân cũng chuyển 66,6 triệu đến tài khoản tài khoản 001C023xxx đẻ chuyển tiền ký quỹ bán 30.000 cổ phiếu VCG vào ngày 15/3/2012, ngày 16/3/2012 chuyển tiền ký quỹ bán 20.000 cổ phiếu VCG giá 12.5 vào ngày 16/3.

Ngày 18/4/2012, chuyển tiền đến tài khoản 011C140xxx để nộp tiền góp vốn bán 50.000 cổ phiếu STB ngày 18/4/2012…


Giao dịch chuyển khoản để bán 50.000 cổ phiếu STB từ tài khoản Nguyễn Viết Xuân cho một tài khoản khác (trích sao kê tài khoản 011C127556 của Nguyễn Viết Xuân do anh Nhân cung cấp)

Trách nhiệm của HSC ở đâu?

Trước khi UBCK ra quyết định xử phạt 2 nhân viên môi giới của HSC, trao đổi với ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC, ban đầu ông Johan cho biết ông chưa hề biết về sự việc này, ông Johan có cho biết một tuần nay UBCK đang có đợt thanh tra tại HSC và các quyết định như thế nào phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Khi được hỏi trách nhiệm của HSC trong chuyện này như thế nào, ông Johan cho biết chưa thể nói một cách chính xác về trách nhiệm của HSC vì từ trước đến nay HSC luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của UBCK. HSC không cung cấp dịch vụ bán khống nên nếu nhân viên HSC làm sai, nhân viên đó sẽ phải có trách nhiệm với pháp luật.

Ngày 11/10/2012, UBCK ra quyết định xử phạt hai nhân viên môi giới của CTCK Chứng khoán TP.HCM là ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương mỗi người 85 triệu đồng vì đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán.

Thông cáo báo chí của HSC gửi đi sau khi UBCK xử phạt 2 nhân viên Nguyễn Viết Xuân và Phạm Thị Sương, HSC đã nghiêm khắc xem xét xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất đối với các nhân viên không tuân thủ quy định.

HSC cho rằng, đây là hành vi mang tính chất cá nhân của một vài nhân viên và đi ngược lại với chính sách của HSC luôn nghiêm cấm nhân viên thực hiện các nghiệp vụ không được sự cho phép của UBCKNN.

Trao đổi với ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty Luật Basico, ông Hải cho rằng nếu HSC thu phí từ dịch vụ này thì HSC sẽ phải có liên đới trách nhiệm cho dù nhà đầu tư không ký hợp đồng sử dụng dịch vụ bán khống trực tiếp đối với HSC.

Đối với vụ việc của anh Nhân, ông Hải cho biết vẫn cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên ông Hải khuyên các nhà đầu tư cần phải nâng cao kiến thức khi sử dụng các hợp đồng phái sinh vì hiện tại ở Việt Nam các dịch cụ cung cấp sử dụng giao dịch phái sinh đều rất lộn xộn do chưa có hành lang pháp lý cụ thể, do đó khi nhà đầu tư giao dịch với CTCK hay nhân viên môi giới, khi xảy ra sự việc gì nhà đầu tư sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.


Hiền Anh

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên