MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Đượm màu bi quan từ thị trường Trung Quốc

“Cắt lỗ đứng ngoài, lo ngại giải chấp, thử thách rất lớn, rủi ro điều chỉnh mạnh” là những suy nghĩ khá đồng nhất trong tuần qua...

Không chỉ điều chỉnh để tích lũy lấy đà như những gì các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn trong số tuần trước suy nghĩ, thị trường tuần này đã biến động tiêu cực hơn nhiều. Điều đó đã làm thay đổi mạnh mẽ suy nghĩ của các chuyên gia về thị trường.

Điểm chung là các chuyên gia đều chuyển sang bi quan cao độ trước triển vọng ngắn hạn của thị trường, sau khi chứng kiến những biến động lớn trong tuần trước tác động từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những lo ngại lớn nhất có thể được tóm gọn, bao gồm “biến động tỷ giá”, “giải chấp”, “cắt lỗ rút khỏi thị trường”, và điểm rất chung là “câu chuyện Trung Quốc”.

Hành động của các chuyên gia trong tuần tỏ ra rất quyết liệt. Đa số chấp nhận thiệt hại và cắt lỗ để rút khỏi thị trường. Một số chỉ duy trì danh mục dài hạn với tỷ trọng không quá 35%.

Nguyễn Hoàng

Ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến VN-Index tuần này không những không lấy đà để bứt qua 580 điểm mà lại có tuần giảm thê thảm nhất kể từ cuối tháng 11. Nếu cứ đổ lỗi cho chứng khoán Trung Quốc thì tại sao phiên cuối tuần, thị trường Việt Nam lại không thể nào phục hồi được?

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Nếu xét về mặt kỹ thuật, sau chuỗi giảm điểm mạnh, một phiên phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa đủ để được coi là sự đảo ngược xu thế.

Nỗi lo ngại vẫn lớn, nhất là khi chính phủ Trung Quốc trong tuần còn phải dùng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn đà giảm điểm. Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước những thông tin bất ổn trên đa phần sẽ bán ra để bảo vệ tài khoản của mình, trong đó có một lực lượng không nhỏ bán ra áp lực giải chấp.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo tôi lúc này trên thị trường đa phần các nhà đầu tư đều mang một tâm lý bi quan và nặng nề. Ai cũng có một cái nhìn bi quan trong ngắn hạn đối với chứng khoán tại thời điểm này.

Chính những yếu tố đó đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam không có phiên hồi phục cuối tuần như thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng có lẽ các nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ bản chất của tình hình tồi tệ mà nền kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán.

Nếu lý do mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã tác động mạnh đến việc dòng tiền ngoại đang có dấu hiệu tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi cũng như cận biên, thì câu chuyện thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo khi lần thứ 2 trong tuần giảm điểm quá 7%.

Nếu thị trường chứng khoán Trung Quốc đã và đang trong giai đoạn “downtrend” sau giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây thì thị trường Việt Nam dù đang có những dấu hiệu khởi sắc cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề.

Chúng ta nên nhìn nhận nguyên nhân sâu xa từ việc thay đổi chính sách tiền tệ cũng như việc phát giá đồng nhân dân tệ (0,51%) mới đây từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc mà Việt Nam cũng buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, nới biên độ tỷ giá (5%) năm vừa qua cũng như việc giảm lãi suất tiền gửi Đô la áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức.

Xét trong quá khứ, chưa năm nào mà Việt Nam điều chỉnh biên độ tỷ giá lớn mà thị trường chứng khoán lại gặp thuận lợi cả. Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với những thử thách rất lớn, rủi ro điều chỉnh mạnh là điều mà chúng ta phải lường trước.

Chính vì thế tâm lý nhà đầu tư đang xuống thấp nhất kể từ cuối năm ngoái điều mà có thể giải thích diễn biến bán mạnh cổ phiếu trong 2 phiên cuối tuần qua.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi, tâm lý bi quan của nhà đầu tư về viễn cảnh tồi tệ của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng như nỗi lo về sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ sẽ còn tiếp diễn một cách mạnh mẽ và khó lường trong thời gian tới là nguyên nhân chủ đạo khiến cho áp lực bán tháo gia tăng nhanh chóng, qua đó đẩy thị trường sụt giảm mạnh trong tuần qua.

Nguyễn Hoàng

Khá nhiều thông tin tích cực khác được tung ra tuần này, từ cơ chế tỷ giá mới đến các văn bản pháp lý quan trọng, nhưng tất cả đều bị bỏ qua trước sự kiện Trung Quốc. Dường như cả thị trường chỉ quan tâm đến Trung Quốc mà thôi. Điều mà anh chị lo ngại nhất lúc này là gì, hay vẫn lại là “câu chuyện Trung Quốc”?

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi không cho rằng việc đưa ra cơ chế tỷ giá trung tâm lại là thông tin tích cực hỗ trợ thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ngân hàng nhà nước đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo “lộ trình”, “có kế hoạch” do Việt Nam đang đối mặt với những bất ổn mới từ nền kinh tế thế giới mang lại.

Cho dù một số các thông tin vĩ mô đang có vẻ tốt dần hơn nhưng điều mà các nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn cả đó là việc áp dụng các chính sách tiền tệ mới. Ngân hàng nhà nước đang muốn quản lý tập trung câu chuyện tỷ giá với biên độ giao động (+/-3%) cũng là lo ngại đến những bất ổn mới trong tương lai gần.

Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá mới khả năng sẽ tiếp tục xảy ra và thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với những giai đoạn sụt giảm điểm sắp tới. Nhà đầu tư nên cẩn trọng tối đa trong giai đoạn đầu tư sắp tới.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Trong lịch sử, mỗi khi thị trường chứng khoán thế giới có những biến cố, Việt Nam thường không thể tránh khỏi vạ lây.

Hiện tại, bên cạnh câu chuyện Trung Quốc, biến động giá dầu, giá vàng và một số bất ổn về chính trị cũng làm cho thị trường diễn biến thêm phức tạp, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng chờ đợi cơn bão đi qua mới xuống tiền.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Hiện tại tôi cho rằng yếu tố rủi ro và đang lo ngại nhất đối với thị trường chứng khoán nước ta vẫn là “câu chuyện Trung Quốc”.

Những tín hiệu suy yếu về tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, diễn biến bất ổn trên thị trường tiền tệ và xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán nước này sẽ còn gây ra những ảnh hướng tiêu cực đối với thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là chu kỳ tăng lãi suất của FED. Đây cũng sẽ vẫn là yếu tố gây tác động đến thị trường, đặc biệt là vào tháng cuối của mỗi quý.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thật sự điều chúng tôi lo ngại nhất lúc này là hiện tượng “call margin” đối với các nhà đầu tư trong nước và hiện tượng rút vốn cắt lỗ, rút lui khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những vấn đề của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam nếu Trung Quốc tiếp tục nới tỷ giá trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng

Kết phiên cuối tuần VN-Index đã bị đánh tụt trở lại đáy hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Có nhiều ý kiến cho rằng biến động của chỉ số như vậy là do tác động từ những sự kiện bất thường mà thôi. Vậy từ góc độ phân tích kỹ thuật, anh chị đánh giá triển vọng thị trường như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Dưới góc độ kỹ thuật, tôi đang nghiêng về kịch bản thị trường có thể bước vào nhịp sụt giảm mạnh trong ngắn hạn. Đích đến kế tiếp được dự báo có thể nằm tại vùng 540-550 điểm.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cho rằng thị trường đang trải qua cơn “wash-out” (rũ bỏ) mạnh mẽ, nhiều khả năng đà giảm sẽ tiếp tục. Tuy vậy, cơ hội phục hồi sẽ sớm xuất hiện, có thể là khi VN-Index ở vùng 535 – 540 điểm.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Mặc dù thị trường đã có thời điểm co giật chạm mốc kháng cự mạnh 560 điểm và giao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 570 điểm nhưng với 2 phiên giảm điểm với thanh khoản tăng vọt cuối tuần qua đã cho thấy thị trường sẽ chứng kiến nhiều phiên điều chỉnh và giảm điểm tiếp về các mốc bên dưới.

Tôi đã nhìn thấy ngưỡng hỗ trợ yếu ở ngưỡng 550 - 555 điểm và xa hơn là mốc 535 - 540 điểm. Quá trình hoảng loạn có lẽ mới chỉ bắt đầu.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Nếu thuần tuý theo phân tích kĩ thuật thì chỉ số Vnindex đang ở xu hướng giảm và có ngưỡng kháng cự 580 điểm, ngưỡng hỗ trợ 530 điểm. Đối với hnindex ngưỡng kháng cự là 80 điểm và ngưỡng hỗ trợ là 74 điểm.

Triển vọng thị trường đang ở ngưỡng tiêu cực, chúng tối chọn giải pháp cắt lỗ và đứng ngoài thị trường lúc này.

Nguyễn Hoàng

Nhà đầu tư đã thiệt hại nặng nề trước những biến động quá bất ngờ và quá xấu của tuần này. Danh mục của anh chị có bị tổn hại hay không và hành động như thế nào, mức phân bổ hiện tại là bao nhiêu?

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi thực hiện cắt lỗ và giữ 100% tiền mặt, nhưng không quá bi quan. Tôi nhận định thị trường sắp có cơ hội phục hồi ngắn hạn nên chuẩn bị tinh thần có thể giải ngân trở lại.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi đã thực hiện bán toàn bộ phần danh mục ngắn hạn và đưa tỷ trọng danh mục tổng về mức thấp (chỉ còn lại 30% cổ phiếu cho phần danh mục trung hạn).

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Danh mục ngắn hạn của chúng tôi bị thiệt hại vào chạm tỷ lệ cắt lỗ khi chạm ngưỡng giảm 10%.

Hiện tại chúng tôi nhìn nhận đã sai điểm giải ngân và xác định cắt lỗ để bảo toàn vốn xác định đứng ngoài thị trường trong thời gian tới chờ một điểm giải ngân tốt hơn.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Từ động thái giao dịch thận trọng khi mà chỉ nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt. Danh mục của tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều và tôi vẫn duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp với cổ phiếu/tiền mặt là 35%/65%.

Tôi có thực hiện điều chỉnh giảm đôi chút cổ phiếu trong tuần qua khi mà VN-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm.

Tuần tới sẽ là tuần khó khăn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư cũng nên lường trước những kịch bản xấu để có những hành động sáng suốt nhất.

 

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên