MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Thận trọng trong hành động

Rất bất ngờ là trái ngược với những hồ hởi trong hai phiên phục hồi cuối tuần, các chuyên gia lại tỏ ra thận trọng cao...

Mặc dù vẫn có những nhận định khá tích cực về nhịp hồi của thị trường cũng như đánh giá mức độ điều chỉnh là hợp lý, tuy nhiên hành động của các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn lại có nét thận trọng.

Chỉ 1/5 chuyên gia thực hiện gia tăng cổ phiếu trong tuần với tỷ trọng cổ phiếu cao nhất 80%. Các chuyên gia còn lại đều duy trì vị thế thấp như tuần trước, thậm chí là cắt giảm danh mục hoặc từ chối mua khi lỡ điểm giá tốt. Những hành động như vậy thể hiện sự ưu tiên cho khía cạnh an toàn hơn là chấp nhận mạo hiểm.

Đánh giá cơ hội tăng mới của thị trường, các quan điểm cũng không thống nhất trong ngắn hạn. Ý kiến lạc quan nhất đã mua vào trên cơ sở ủng hộ kỳ vọng chấm dứt điều chỉnh và tiếp tục nhịp tăng. Các ý kiến còn lại thận trọng hơn, thiên về tình trạng dao động hẹp và tiêu cực hơn là không tin tưởng vào khả năng vượt đỉnh ngắn hạn.

Động thái bán ròng đáng chú ý của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần cũng gây lo lắng cho một số chuyên gia khi nhìn rộng hơn vào bối cảnh thị trường quốc tế giảm điểm và thị trường mới nổi bị rút vốn, khả năng FED tăng lãi suất. Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là hành động cơ cấu danh mục thuần túy và ít tác động đến thị trường.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Mặc dù có được 2 phiên cuối tuần tăng trưởng rất tốt nhưng VN-Index chốt tuần vẫn giảm so với tuần trước. Tuy thế điều được anh chị chờ đợi từ tuần trước là nhịp điều chỉnh về quanh 600 điểm đã xảy ra và phần nào có kết quả tốt. Mức điều chỉnh tuần này như vậy đã đủ chưa, khi mà thời gian dường như quá ngắn?

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Mức điều chỉnh tôi cho là phù hợp và động lực tăng điểm của đến từ nhóm cổ phiếu bluechips và những cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn như BMP, NTP, FPT, VNM.

Về mặt kĩ thuật chỉ số VN-Index đã vượt qua đường MA10 tạo tiền đề và có đủ động lực tiếp cận ngưỡng kháng cự ở 615 điểm.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Nếu xét riêng trên đồ thị VN-Index, diễn biến như vậy là tương đối tích cực. Nhưng nếu bóc tách riêng các nhóm cổ phiếu thì không như vậy.

Nhóm vốn hóa lớn chỉ có VNM và FPT tăng điểm, trong khi các mã còn lại bị bán ra mạnh, nhiều mã không bảo vệ được vùng đi ngang thiết lập trong 2 tháng. Vì thế theo tôi lạc quan lúc này là quá sớm.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Các chỉ báo trong hệ thống theo dõi của tôi đều cho thấy thị trường đã sẵn sàng cho một đợt giảm điểm mạnh: Margin đang ở vùng đỉnh, dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh vào các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, rủi ro lớn, thị trường chứng khoán thế giới giảm rất mạnh, kéo theo nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn tại thị trường Việt Nam.

Như vậy mức điều chỉnh tuần này theo tôi là chưa đủ và rủi ro thị trường vẫn ở mức khá cao.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

2 phiên giao dịch hồi phục cuối tuần trước với thanh khoản cải thiện tốt đã phát mới chỉ phát đi tín hiệu thị trường khó giảm mạnh về dưới ngưỡng 590 điểm trong ngắn hạn chứ chưa thể khẳng định ngay rằng thị trường sẽ không tiếp tục điều chỉnh tiếp.

Tôi vẫn cho rằng thị trường sẽ có thể điều chỉnh đi ngang mặc dù các phiên đầu tuần tới VN-Index có thể quay trở lại lên ngưỡng 615 - 620 điểm. Chúng ta vẫn có thể kỳ vọng VN-Index bùng nổ vượt 620 điểm nhưng trong hiện tại, chúng ta đang có những lý do để lo lắng nếu VN-Index có diễn biến giao động biên độ hẹp thì cũng là điều không quá ngạc nhiên.

Lý do cho nhận định thị trường trên xuất phát từ diễn biến bất ổn chính trị, kinh tế thế giới cũng như việc khối ngoại có dấu hiệu bán ròng mạnh trong tuần qua.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, những nỗ lực hồi phục tương đối tích cực của VN-Index khi tiếp cận lại vùng hỗ trợ mạnh 595-600 điểm trong tuần qua, hoàn toàn có thể được kỳ vọng giúp thị trường chấm dứt nhịp điều chỉnh để quay lại xu hướng tăng điểm trong tuần kế tiếp.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tuần này ghi nhận những hoạt động bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhằm vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Việc đi ngược dòng như vậy có là bình thường, hay đơn giản chỉ là cơ cấu danh mục?

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Với tôi động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đặt trong bối cảnh rộng hơn là thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ thấy không có gì khó hiểu.

Điều này diễn ra trùng với nhịp giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về khả năng sẽ nâng lãi suất trong tháng 12 sắp đến. Giá hàng hóa cơ bản như vàng, dầu,… đều giảm về lại vùng đáy cũ. Các thị trường “emerging” (thị trường mới nổi) đều bị bán khá mạnh tuần này.

Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Thêm vào đó, các quỹ ETF đang ở trạng thái discount so với NAV cũng thúc đẩy hoạt động bán ròng của khối ngoại.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu khối ngoại tiếp tục hoạt động bán ròng trong tuần tới.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cho rằng đây là hoạt động cơ cấu danh mục, nhưng lịch sử cho thấy mỗi lượt bán ra của nước ngoài đều không thể coi thường. Khối ngoại thường mua bán rất quyết liệt, mỗi đợt mua ròng/bán ròng của khối ngoại đi theo thường là những nhịp tăng/giảm rất mạnh mẽ.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua chỉ mang tính chất cơ cấu danh mục và không gây ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thị trường.

Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn giữ mức mua ròng nhẹ, còn trên HOSE, dù giá trị bán ròng lớn nhưng hầu như chỉ tập trung vào VIC và MSN, nên mức độ lan tỏa tiêu cực của hoạt động này là không quá rộng.

Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại chủ yếu tập trung vào những phiên cuối tuần, là thời điểm mà lực cầu bắt đáy trong nước gia tăng mạnh, do đó tác động về mặt tâm lý của việc bán ròng này là không lớn.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Việc khối ngoại bán ròng mạnh mẽ tuần qua cũng là điều đáng chú ý khi dự báo xu hướng thị trường trong ngắn hạn nhất là khi nhóm cổ phiếu lớn tuần qua cũng đã có đà tăng giá khá tốt. Có lẽ chúng ta cũng nên có quan điểm thận trọng với thị trường đối với mọi giao dịch ngắn hạn.

Một số cổ phiếu lớn tăng giá khi đang có những tin tức cơ bản hỗ trợ trong khi một số cổ phiếu khác thì không. Thị trường sẽ tiếp tục phân hóa và chỉ những cổ phiếu có câu chuyện mới thu hút dòng tiền. Quá trình cơ cấu danh mục đầu tư sẽ vẫn tiếp tục diễn ra không chỉ đối với các nhà đầu tư tổ chức mà cả những nhà đầu tư nhỏ.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tôi nghĩ chỉ đơn thuần các nhà đầu tư ngoại cơ cấu danh mục và đây là điều hoàn toàn bình thường khi các quỹ chuẩn bị kết thúc năm kinh doanh.

Tuy nhiên áp lực bán ròng của họ sẽ tạo nên tâm lý bi quan đối với các nhà đầu tư nội trong ngắn hạn.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Các giao dịch mạnh mẽ nhất trên thị trường tuần này hầu như không thể hiện đà tăng của nhóm ngành mà chỉ với một số cổ phiếu cụ thể. Các cổ phiếu vốn hóa lớn mà tuần trước anh chị lo ngại mức độ margin cao thậm chí còn giao dịch lớn hơn nữa. Anh chị có lo ngại một quả bóng đang được bơm ngày càng căng?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi không quá quan ngại về vấn đề này ở thời điểm hiện tại, nhất là khi thị trường vừa trải qua một tuần điều chỉnh tương đối tích cực và cần thiết, giúp cho áp lực cung cầu ở đa số các cổ phiếu phần nào trở lại trạng thái cân bằng sau một nhịp tăng nóng trước đó.

Còn đối với những cổ phiếu vẫn giữa được đà tăng trưởng trong tuần qua, điển hình là VNM. Đây là những cổ phiếu đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của dòng tiền trên thị trường nhờ vào những câu chuyện, thông tin “nặng ký” đằng sau.

Vì vậy, tôi cho rằng xu hướng tăng trưởng của các cổ phiếu này không chỉ dừng lại ở đây, mà nhiều khả năng sẽ còn được nối dài trong thời gian tới.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi thực sự lo ngại về khả năng những cổ phiếu hiện đang được nắm giữ bằng margin không giữ được nhịp. Nhất là ở những mã vốn hóa lớn, trong đó có nhóm dầu khí.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi nhìn nhận tích cực hơn một chút khi nhận thấy dòng tiền vào mạnh bluechips luôn là tín hiệu để thị trường có cửa tăng trong dài hạn.

Việc sử dụng margin hợp lý luôn mang đến nét tích cực cho thanh khoản cp việc lạm dụng margin để bơm thổi giá cổ phiếu penny mới là điều đáng lo ngại và có thể gây đổ vỡ cho thị trường.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi không quan tâm nhiều đến trạng thái margin đã sử dụng hiện nay tại các công ty chứng khoán mà quan tâm nhiều hơn đến động thái chuyển biến nền kinh tế, thông tin vĩ mô hỗ trợ thị trường.

Điều làm tôi lo lắng hơn cả đó là chỉ số chứng khoán Mỹ, châu Âu đang tiềm ẩn sụt giảm điểm mạnh, khối ngoại đang bán ròng mạnh mẽ là điều mà tâm lý nhà đầu tư vốn dĩ khá nhạy cảm sẽ phản ứng xấu.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào một số cổ phiếu tốt nhất của từng nhóm ngành với quan điểm tầm nhìn xa vẫn được duy trì. Nhà đầu tư chỉ không nên giao dịch nhiều và với danh mục dàn trải trong giai đoạn hiện nay.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Theo thông tin mà tôi tìm hiểu được, margin đang ở mức rất cao, có thể nói là ở vùng đỉnh margin của năm nay. Đặt trong bối cảnh chung như đề cập ở phần trên, tôi cho đây là yếu tố rất đáng lo ngại.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Thanh khoản lớn hai ngày cuối tuần cho thấy rất nhiều nhà đầu tư bắt đáy quanh 600 điểm đã thành công. Anh chị có tham gia mua hay không, mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi có quan điểm thận trọng hơn khi thị trường đang loanh quanh ở mốc 610 điểm. Tôi đã thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mức an toàn và tỷ trọng này hiện nay chỉ là 30%/70%.

Tuần tới sẽ là tuần có nhiều diễn biến bất thường nhất mà chúng ta chưa thể lường tới. Bảo toàn vốn được ưu tiên đầu tiên nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi vẫn thận trọng chưa gia tăng tỷ lệ cổ phiếu do đã lỡ nhịp mua đẹp nhất trong tuần.

Một lần nữa chúng tôi lại chọn cửa VN-Index sẽ thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 615 điểm và điều chỉnh trong tuần sau.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng nên không gia tăng trạng thái cổ phiếu, giữ nguyên 20%.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi đã thực hiện giải ngân trở lại với tỷ trọng 50% cho phần danh mục ngắn hạn khi VN-Index lùi về vùng hỗ trợ mạnh dưới 600 điểm, qua đó nâng tỷ trọng danh mục tổng lên mức 80% cổ phiếu (phần danh mục trung hạn vẫn được giữ ở mức 30%).

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi sẽ quay lại thị trường trong trường hợp có một nhịp giảm mạnh xảy ra, và giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn hơn so với mức hiện tại.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconmy

Trở lên trên