MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố tích cực từ mặt bằng lãi suất

Việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng sẽ có tác động tích cực về nhiều phía đối với thị trường chứng khoán.

Kể từ đầu tháng 5 này, các ngân hàng thương mại nhà nước đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm đối với các đối tượng vay theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 18/NQ-CP. Hiện mức lãi suất cho vay tối đa bằng VND là 13%/năm đối với các khoản vay để chi phí sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp; doanh nghiệp xuất khẩu, chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các tổng giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước cũng nhất trí thực hiện giảm mặt bằng lãi suất huy động VND trên cơ sở thực hiện các biện pháp, như áp dụng lãi suất huy động theo đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) xoay quanh mức 11,5%/năm; không thực hiện các hình thức khuyến mãi thiếu minh bạch để cạnh tranh không lành mạnh.

Giới chuyên môn cho rằng, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ có tác động kéo mặt bằng lãi suất chung của các ngân hàng cổ phần xuống và đây chính là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Đức Thi, chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một số thông tin hỗ trợ thị trường hiện nay phải kể đến mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã có những động thái điều chỉnh trong những ngày đầu tháng 5.

Ông Thi dự báo, trong thời gian tới, việc điều chỉnh lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ diễn ra đồng loạt và đây sẽ là yếu tố tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán.

Theo các nhà phân tích, việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng sẽ có tác động tích cực về nhiều phía đối với thị trường chứng khoán, mà tác động trực tiếp thể hiện ở nguồn tiền. Việc lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại giảm đồng nghĩa với tính hấp dẫn của việc gửi tiền tại ngân hàng cũng sẽ giảm và một số người gửi tiền tiết kiệm sẽ nghĩ đến việc rút bớt tiền gửi để đầu tư vào kênh khác. Một trong những lựa chọn hàng đầu chính là thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, tác động gián tiếp của việc hạ lãi suất chính là những ảnh hưởng thông qua hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống. Điều này sẽ tạo cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đợt hạ lãi suất lần này có thể sẽ có tác động không giống nhau đối với từng nhóm cổ phiếu. Theo đó, những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp và chế biến xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tác động lãi suất lần này. Lý do đây là những lĩnh vực được Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên bố trí vốn vay với lãi suất thấp.

Quan sát diễn biến giá cổ phiếu các ngành nông, lâm, thủy, hải sản… trong những phiên giao dịch gần đây, những tác động ban đầu đã được thể hiện thông qua diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này.

Minh chứng là, trong phiên giao dịch ngày 6/5/2010, rất nhiều cổ phiếu thuộc ngành này vẫn tăng trần với sức mua giá trần áp đảo hẳn so với lượng bán ra như các mã AAM (Công ty Thủy sản Mê kông), ACL (Công ty XNK Thủy sản Cửu Long – An Giang), ANV (Công ty Thủy sản Nam Việt), BAS (Công ty cổ phần Basa), FMC (Công ty Thực phẩm Sao Ta), IFC (Công ty Đầu tư thương mại thủy sản Incomfish), LAF (Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An)…

Những động thái gần đây cho thấy, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản… xuất khẩu sẽ là “điểm nóng” của thị trường thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư cũng nên quan sát kỹ diễn biến giá và cẩn trọng với những cổ phiếu đã tăng giá quá mạnh.

Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

thanhtu

Trở lên trên