MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường đang thèm khát sự chắc chắn mà họ không thể có được!

07-08-2019 - 11:28 AM | Tài chính quốc tế

Chỉ trong một tuần lễ, nhà đầu tư đi từ kỳ vọng có một cách giải quyết trong tầm tay đến việc nhận ra rằng đường hầm vẫn dài vô tận.

Thị trường cổ phiếu toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần, với chỉ số MSCI All-Country World đánh mất 2,52% trong một phiên giao dịch - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018. Tuy nhiên, sự leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gần đây không phải là nguyên nhân chính gây ra đà sụt giảm này, mà là do những mối lo ngại về điều gì sẽ xảy ra sắp tới. Chỉ trong một tuần lễ, nhà đầu tư đi từ kỳ vọng có một cách giải quyết trong tầm tay đến việc nhận ra rằng đường hầm vẫn dài vô tận.

Thị trường đang thèm khát sự chắc chắn mà họ không thể có được! - Ảnh 1.

Nguồn: MBS Strategy.

Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng có một sự thật là thị trường ghét những điều bất trắc. Sau cùng thì sự lao dốc của cổ phiếu Mỹ không thể chỉ do tác động tiêu cực tiềm tàng của những lời đe dọa thuế quan mới nhất của tổng thống Donald Trump lên nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ra. 

Tom Porcelli, chuyên gia kinh tế trưởng tại RBC Capital chỉ ra rằng 70 tỷ USD thuế quan (hoặc mức tương đương như vậy) đã áp dụng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 0,5% tổng sản phẩm quốc nội trị giá 21 nghìn tỷ USD của Mỹ. Phép tính khó hơn ở đây là cuộc chiến tranh thương mại ngày càng tồi tệ hơn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý kinh doanh như thế nào, và ở mức độ nào các công ty có thể thu hẹp chi tiêu và đầu tư khi chính sách của Mỹ vẫn còn biến hóa khôn lường như hiện nay. 

Theo Bloomberg News đưa tin, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước của mình ngừng mua nông sản Mỹ chỉ sau khi tổng thống Donald Trump bất ngờ đề xuất đánh thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu khác từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9 sắp tới vào thứ Năm tuần trước. Kết quả là, trên thị trường cổ phiếu, nhóm ngành công nghệ, năng lượng và hàng tiêu dùng đã bị ảnh hưởng mạnh nhất, với chỉ số Nasdaq sụt giảm tới 4,37% trong phiên thứ Hai vừa qua – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018.

Như tất cả mọi người đều biết, tổng thống Trump nhìn vào thị trường chứng khoán để kiểm nhận những động thái và chính sách của mình. Và có lẽ việc chỉ số S&P500 chạm ngưỡng cao kỷ lục mới vào ngày 26/07 đã khiến ông mạnh dạn leo thang căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tăng 13,5% trong năm nay, chỉ số S&P500 vẫn mới chỉ cao hơn 0,5% so với mức giá đóng cửa ngày 22/01/2018, khi tổng thống Trump lần đầu tiên áp dụng thuế quan lên tấm pin điện mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thị trường đang thèm khát sự chắc chắn mà họ không thể có được! - Ảnh 2.

S&P 500 trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm 2019.

"Chính sách sử dụng thuế quan như một công cụ để khẳng định lý lẽ của mình với Trung Quốc đã thất bại thảm hại", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group viết. "Đã 1,5 năm kể từ khi hàng rào thuế quan đầu tiên đánh lên máy giặt và tấm pin điện mặt trời được dựng lên, và thu được gì chứ?"

Nhân dân tệ - câu hỏi được trả lời

Liệu họ sẽ làm hay không? Câu hỏi được đặt ra kể từ khi chiến tranh thương mại được châm ngòi là liệu Trung Quốc sẽ sử dụng tiền tệ của mình như một vũ khí trong các cuộc chiến tranh thương mại, đến nay đã được trả lời. Ngân hàng nhân dân Trung Hoa đã hạ tỷ giá nhân dân tệ tham chiếu xuống mức yếu hơn 6,9 CNY/1 USD lần đầu tiên trong năm nay, khiến giá đồng tiền này trên thị trường phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 7 CNY/USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia dự đoán nhân dân tệ yếu đi hơn nữa có thể châm ngòi làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc, đẩy thị trường toàn cầu vào hỗn loạn, bởi điều đó đồng nghĩa với sự mất giá. 

Sau cùng, liệu có ai muốn sở hữu những tài sản bằng đồng tiền đang bị phá giá một cách có chủ ý? Điều trấn an nhà đầu tư hiện này là động thái này của Trung Quốc có vẻ chỉ đang nhắm đến đô la Mỹ hơn là cho cả một rổ tiền tệ trên diện rộng. Điều cần biết về Trung Quốc là họ điều hành giá trị nhân dân tệ dựa trên một rổ 24 loại tiền tệ. Không ai biết chính xác tỷ trọng của mỗi loại tiền tệ này trong danh mục 24 đồng tiền kia, nhưng theo một ước tính của Bloomberg cho thấy tiền tệ Trung Quốc có giá trị tương đối ổn định trong 12 tháng qua, ngay cả khi nó đã yếu đi tương đối so với đô la Mỹ.

"Thoái vốn vẫn là một mối quan ngại lớn", Fraser Howie, người đã có hai thập kỷ kinh nghiệp với thị trường tài chính Trung Quốc và đồng tác giả của cuốn sách "Tư bản đỏ" năm 2010, cho biết. "Họ sẽ không làm bất kỳ điều gì dại dột."

Thua lỗ khi tăng giá

Kẻ thua cuộc lớn nhất trên thị trường tiền tệ từ những động thái của Trung Quốc không phải là đô la Mỹ, mà lại là euro. Chỉ số euro của Bloomberg đo lường giá đồng tiền này so với một rổ tiền tệ các thị trường phát triển ngang hàng khác đã tăng tới 0,86% - mức tăng mạnh nhất kể

Thị trường đang thèm khát sự chắc chắn mà họ không thể có được! - Ảnh 3.

Đồng NDT dần ổn định so với rổ tiền tệ (Chỉ số theo dõi đồng NDT của Bloomberg).

Hàng hóa rẻ hơn

Biến động giá nhân dân tệ cũng có ảnh hưởng lớn lên thị trường hàng hóa. Chỉ số Bloomberg Commodity Index đã giảm tới 1,27%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016. Thị trường nguyên liệu thô rất nhạy cảm với những biến động trên thị trường tiền tệ, và việc nhân dân tệ yếu đi đã giảm sức mua của quốc gia nhập khẩu nhiều nhất mọi loại hàng hóa từ dầu, đến kim loại đồng, đến đậu tương. Hầu như tất cả các loại hàng hóa chính trên thế giới được yết giá bằng đô la Mỹ, do đó, một đồng nội tệ suy yếu đồng nghĩa rằng người nhập khẩu có thể mua ít hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền tệ bỏ ra. 

Theo Bloomberg News, các mảng năng lượng, kim loại công nghiệp và nông sản của thị trường hàng hóa đều giảm giá. Trung Quốc là quốc gia mua hàng hóa lớn nhất thế giới, nhập khẩu hơn 500 tỷ USD kim loại, năng lượng và hàng hóa nông sản trong năm 2017, theo Massachusetts Institute of Technology’s Observatory of Economic Complexity. Khoảng 63% các chuyến hàng quặng sắt toàn cầu được vận chuyển đến Trung Quốc, cùng với 63% các giao dịch mua bán đậu tương, và 43% lượng quặng đồng nhập khẩu. Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

"Nó khiến việc nhập khẩu hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn cho người Trung Quốc, điều đó là chắc chắn," Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại Oversea- Chinese Banking Corp. tại Singapore cho biết. Tác động của một đồng nhân dân tệ yếu hơn lên hoạt động mua bán của Trung Quốc có thể được giảm thiểu bằng cách hạ giá nhiều loại hàng hóa. Ví dụ như giá dầu Brent đã giảm 17% trong năm qua trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc bùng nổ đá phiến tại Mỹ có thể tạo ra một nguồn cung dầu dồi dào cho toàn cầu.

Thị trường đang thèm khát sự chắc chắn mà họ không thể có được! - Ảnh 4.

Diễn biến của chỉ số Bloomberg Commodity trong 1 năm trở lại đây - đồng NDT yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến giá thành của các loại hàng hoá.

Kết luận

Khả năng Fed cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp chính sách diễn ra vào tuần thứ 3 tháng 9 tới đang gia tăng nhanh chóng, vượt hơn 30% vào thứ Hai vừa qua. Tất nhiên, rất nhiều điều có thể xảy ra giữa khoảng thời gian từ nay đến đó, và những khả năng này có thể thay đổi. Tuy nhiên điều Fed không muốn hiện giờ là sự lặp lại kịch bản tháng 12 năm ngoái, khi họ làm trầm trọng làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu bằng thông điệp duy trì lập trường thắt chặt tiền tệ.

Hương Giang

Báo cáo MBS Market Strategy Daily

Trở lên trên