MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường điện cạnh tranh: Còn mơ hồ!

Thị trường điện cạnh tranh mới chỉ dừng ở ý nghĩa cạnh tranh giữa các đơn vị mua bán điện, chưa đem lại quyền lợi rõ rệt cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để năm 2019, đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh sau khi đã hoàn thiện cấp độ phát điện cạnh tranh.

Lúng túng vận hành

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết theo Luật Điện lực và Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng, lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam phải đi qua 3 cấp độ: phát, bán buôn và bán lẻ.

Thị trường điện cạnh tranh: Còn mơ hồ! - Ảnh 1.

Hiện khung pháp lý chưa biết bao giờ mới hoàn chỉnh để các công ty bước vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh Ảnh: TẤN THẠNH

Theo dự kiến, cấp độ 1 của lộ trình này là vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện từ năm 2012 đến muộn nhất là năm 2017 phải chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tuy nhiên, sắp hết năm 2018, thị trường này vẫn chưa được khởi động bởi chưa xây dựng xong khung khổ pháp lý để thực hiện, đặc biệt là chưa tổ chức được những công ty mua bán điện để cạnh tranh. Trong khi đó, trên thị trường, từ khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đến nay, hiện có duy nhất đơn vị đứng ra đảm nhận vai trò mua điện là Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

"Trong tương lai, để thành lập được nhiều công ty bán buôn, các cơ quan chức năng dự kiến phát triển các tổng công ty điện lực thành các công ty mua bán buôn. Nhưng, để làm được thì phải có sự chuẩn bị nhất định. Đầu tiên và quan trọng nhất là chuẩn bị khung pháp lý cho việc này. Hiện nay, khung pháp lý chưa được quy định và cũng chưa biết bao giờ mới hoàn chỉnh để các công ty bước vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nếu không sớm có những quy định về vận hành thị trường bán buôn và điều lệ để các công ty hoạt động thì hình hài thị trường khó có thể hình thành đúng lộ trình" - GS Trần Đình Long nêu rõ.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), dù thị trường phát điện cạnh tranh đã có những thành công nhất định khi khởi đầu chỉ có 34 nhà máy tham gia, nay tăng lên 87 và tính minh bạch ngày càng cao, song vẫn có những trục trặc, bỡ ngỡ trong quản lý, vận hành. Theo quy định, các nhà máy phát điện sẽ chào giá lên sàn, Công ty Mua bán điện quyết định mua điện của doanh nghiệp theo giá chào từ thấp đến cao. Chính bởi vậy, có nhiều trường hợp thủy điện nhỏ không thể cạnh tranh, bị ép giá; hoặc nhiệt điện than không chịu nổi áp lực chu kỳ giảm tải tới hơn chục lần mỗi ngày, ảnh hưởng đến tốc độ gia nhiệt… "Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là giai đoạn mới, khó khăn hơn, việc tham gia thị trường của các nhà máy phát điện không dễ. Như thế, việc dần gỡ bỏ độc quyền 100% của ngành điện cũng không thể một sớm một chiều, dù rằng tất nhiên, theo quy luật, có thể có những khâu dần dần được tách ra để vận hành theo cơ chế thị trường" - ông Ngãi bình luận.

Người tiêu dùng đứng ngoài cuộc?

Một vấn đề khiến không chỉ người dân mà cả giới chuyên gia quan tâm là liệu vận hành thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh có đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

GS Trần Đình Long phân tích khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, giá cả sẽ được xác lập trên cơ sở bảng chào giá của doanh nghiệp và trên cơ sở cạnh tranh thực sự. Do đó, giá bán đến người tiêu dùng chắc chắn có lợi hơn so với việc phía phát điện và cung ứng điện tự đề xuất.

"Không thể khẳng định khi vận hành đầy đủ thị trường điện cạnh tranh, tức làm đến khâu bán lẻ, thì giá điện sẽ giảm hay tăng. Bởi vì, giá thành sản xuất còn phụ thuộc giá nhiên liệu đầu vào, giá dầu, than, chi phí truyền tải, phân phối và đặc biệt là quan hệ thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, với thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng vẫn yên tâm hơn do giá này là kết quả của sự cạnh tranh chứ không phải do độc quyền của một ai đó" - ông Long nêu quan điểm.

PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc VEA, cho rằng ngay từ ban đầu, cần thống nhất tiêu chí xây dựng 3 cấp độ của thị trường điện cạnh tranh là phải dần dần mang lại lợi ích về giá cũng như khả năng tiếp cận điện năng thuận lợi, an toàn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Song, đến nay, theo ông Duệ, mặc dù chuẩn bị bước sang cấp độ 2 - bán buôn điện cạnh tranh - lợi ích của người tiêu dùng vẫn chưa được thể hiện rõ nét, đặc sắc! "Thị trường điện cạnh tranh đã vận hành được những bước đầu quan trọng nhưng lại chưa cho thấy sự liên quan đến người tiêu dùng. Như vậy, phải xem lại mục tiêu cuối cùng của thị trường này. Tôi cho rằng cần sớm có tổng kết hiệu quả, lợi ích của thị trường phát điện cạnh tranh đối với người tiêu dùng để làm cơ sở, tiền đề triển khai các giai đoạn tiếp theo. Và, cũng hy vọng khi bước tới giai đoạn bán lẻ điện cạnh tranh, lợi ích của người tiêu dùng sẽ được biểu hiện rõ hơn" - ông Duệ nói.

Giới chuyên gia cũng đề nghị làm rõ hơn cơ chế vận hành của 3 cấp độ thị trường điện cạnh tranh để các cơ quan giám sát, người dân có thể tiếp cận thông tin. Nếu không, lời hay lỗ từ "cuộc chơi" chỉ hoàn toàn dành cho nhà cung cấp điện duy nhất là EVN với các công ty phát điện, bán buôn điện cùng hệ thống. Như thế, người dân vẫn phải trả tiền cho giá điện được EVN tính toán, Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt.

Xử lý rào cản để các công ty tham gia thị trường

Ông Phạm Quang Anh, Phó trưởng Phòng Phát điện Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, cho biết thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng mở rộng với tổng công suất lên đến gần 23.000 MW, chiếm khoảng 49% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Kết quả thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2018 là 72.000 tỉ đồng, dự kiến cả năm 14.000 tỉ đồng.

"Điều này có nghĩa quy mô tham gia thị trường tăng mạnh. Sau 6 năm vận hành, hệ thống bảo đảm an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho kinh tế - xã hội; đặc biệt không có sự cố hay sai số nào xảy ra đối với hệ thống điện. Cục Điều tiết Điện lực cũng đã xử lý nhiều vướng mắc để các công ty có thể tham gia thị trường điện nhanh hơn" - ông Quang Anh đánh giá.

Ý KIẾN

Ông LÊ ĐÔNG HẢI, Phòng Thị trường Điện lực Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương:

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Thị trường bán lẻ điện sẽ là cấp độ phát triển cao nhất của thị trường điện cạnh tranh. Về cơ bản, thị trường này sẽ trao quyền lựa chọn cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng, cũng như tạo động lực để các đơn vị bán lẻ điện cạnh tranh, tìm kiếm và bán điện cho các khách hàng sử dụng điện. Tất nhiên, cơ chế vận hành phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động chung của thị trường điện đã được quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg.

Về lâu dài, vận hành thị trường điện cạnh tranh sẽ hướng tới bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong các chính sách quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia nói chung và cho vận hành thị trường điện lực nói riêng.

Một chuyên gia của Học viện Tài chính:

Mua giá thấp thì phải giảm giá điện

Tôi theo dõi ngay từ những ngày đầu vận hành phát điện cạnh tranh, có những thời điểm EVN thu lãi lớn khi mua được giá thấp, thậm chí là 0 đồng/KWh đối với thủy điện vào mùa mưa khi nước trong hồ lên cao, buộc phải xả nước qua turbin để bảo đảm an toàn. Nhiều doanh nghiệp phát điện có sản lượng nhưng không có doanh thu, phần doanh thu đẩy qua phía đơn vị thu mua điện. Như thế, thị trường phát điện cạnh tranh rõ ràng mang lại lợi ích cho ngành điện nhiều hơn so với phương thức thanh toán theo giá hợp đồng trước kia.

Vậy, phần lãi đó hạch toán ra sao? Cần phải làm rõ. Nếu sau khi cân đối chi phí tổng thể, giá mua điện qua thị trường cạnh tranh thấp thì phải tính toán giảm giá thành để giảm giá bán cho người dân.

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên